Đề tài do hai học sinh Nguyễn Lê Hoài Thương và Nguyễn Lê Thùy, lớp 12B1, Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn (quận Sơn Trà) nghiên cứu, thực hiện.
Đầu năm học 2016 - 2017, xuất phát từ suy nghĩ, tìm ra những kinh nghiệm học thi của các anh chị thủ khoa đi trước để bản thân và các bạn học sinh khối 12 có hướng học tập phù hợp, Thương và Thùy đã trình bày ý tưởng với thầy giáo phụ trách. Được thầy đồng ý, từ tháng 10 - 12/2016, các em đã liên hệ với 7 thủ khoa của các trường đại học khác nhau (đều là cựu học sinh Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn), thuộc nhiều khối thi như A, A1, B, C và D để phỏng vấn về kinh nghiệm học thi hiệu quả.
Các câu hỏi lần lượt đặt ra như: Việc xác định mục tiêu ban đầu của việc học thi? Kế hoạch học thi cụ thể? Trong quá trình thực hiện kế hoạch anh/chị đã áp dụng phương pháp học gì? Có nhân tố nào tác động tới không? Cuối cùng là bước đánh giá kết quả học thi. Đặc biệt trong quá trình phỏng vấn, các em tập trung khai thác tối đa những chi tiết dù là nhỏ nhất về mục tiêu, đề ra kế hoạch, quá trình học thi bởi theo các em việc để ý những chi tiết nhỏ nhất đôi khi là “điểm sáng” tạo nên thành quả của các nhân vật.
Từ những câu trả lời của 7 thủ khoa, hai em hệ thống thành câu chuyện được tổ chức, sắp xếp rõ ràng dựa trên cơ sở của phương pháp luận “nghiên cứu truyện kể” (narrative research). Cuối cùng, kết quả nghiên cứu đã chỉ ra các kinh nghiệm ôn thi quý báu của 7 thủ khoa, cụ thể ở 4 bước chính: Đầu tiên là xác định mục tiêu ngay từ đầu, dựa vào 3 yếu tố chính, đam mê cá nhân, năng lực cá nhân và thực tế xã hội.
Bước thứ 2, dựa vào sức khỏe của bản thân để lên kế hoạch học tập hằng ngày, cân bằng giữa thời gian học chính khóa, học thêm và thời gian sinh hoạt cá nhân. Bước thứ 3, tạo cho mình động lực trong việc học, đạt tới trạng thái tập trung nhất để việc học thi đạt hiệu quả cao. Cuối cùng, đánh giá kết quả học thi qua các bài khảo sát, kiểm tra ở trường, lớp, trang luyện thi trực tuyến và với bạn học.
Với sự nghiên cứu kỹ cả tài liệu trong và ngoài nước, hệ thống câu hỏi hợp lý và có tính thực tiễn cao, đề tài được Ban tổ chức cuộc thi đánh giá có ý nghĩa thiết thực, cách xây dựng vấn đề rất dễ hiểu để mọi người dễ vận dụng.
Hiện đề tài đã được đưa vào áp dụng thực tiễn cho học sinh tại Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn. Đề tài đã được chọn là một trong sáu công trình của thành phố tham gia tranh tài tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật trung học phổ thông quốc gia vào tháng 3/2017, tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Thương tâm sự, là học sinh lớp 12 nên kiến thức còn hạn chế, đặc biệt là kiến thức về tâm lý học, hơn nữa việc vừa học vừa nghiên cứu khá khó khăn về thời gian trong thời điểm “nước rút”.
Bên cạnh đó, đối tượng của đề tài là các anh chị đã ra trường, học tập, công tác ở các địa điểm khác nhau nên việc liên hệ phỏng vấn cũng khá cách trở, chưa kể đến việc nhiều anh chị ngại chia sẻ vì sợ “bày sai” cho thế hệ sau nên khâu thuyết phục cũng là một trong những công đoạn vất vả. Nhưng không vì thế mà hai em chùn bước và kết quả mà cuộc thi mang lại cùng sự hưởng ứng, đánh giá cao của thầy cô giáo và các bạn, ban giám khảo đã động viên khích lệ hai em rất nhiều.
Thầy Lê Vinh, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn cho biết, đây là lần đầu tiên Đà Nẵng có một đề tài nghiên cứu khoa học xã hội được đi thi. Đề tài gần gũi, dễ hiểu, tính ứng dụng cao nên đang được học sinh nhà trường hưởng ứng, vận dụng. Theo thầy Lê Vinh, đ ây cũng là một nghiên cứu mang tính khởi đầu, mong muốn sau này sẽ mở ra hướng nghiên cứu hữu dụng, chuyên sâu hơn nữa về việc học và thi, đặc biệt là học thế nào để thi cho tốt.