Tuy nhiên, ở các vùng sâu, vùng xa của tỉnh, có nhiều học sinh không đến trường. Vì vậy, ngành giáo dục tỉnh Kon Tum đã nỗ lực đưa các em đến trường; đồng thời thực hiện nhiều biện pháp nhằm đảm bảo an toàn cho các em đến lớp trong bối cảnh dịch bệnh.
Trong ngày đầu tiên trở lại trường học, tỉ lệ học sinh đến trường của Kon Tum chỉ đạt 94,6% ở bậc Tiểu học, 91,14% ở bậc Trung học cơ sở và 97,26% ở bậc Trung học phổ thông; số học sinh vắng mặt chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số. Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc nhiều học sinh chưa đến lớp là do ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện còn nhiều khó khăn nên chưa tiếp cận được nguồn thông tin trở lại lớp học. Bên cạnh đó, một số em lên nương, lên rẫy cùng bố mẹ nên không đến lớp.
Trước tình trạng trên, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Kon Tum đã triển khai nhiều biện pháp để vận động các em đến lớp; yêu cầu các đơn vị trực thuộc nắm bắt tình hình, hoàn cảnh của các em để có phương án hỗ trợ kịp thời, giúp các em trở lại trường học. Đặc biệt, tại nhiều trường học ở vùng sâu, vùng xa, các thầy cô giáo đã trực tiếp đến tận thôn, làng nơi các em sinh sống để vận động các em đến lớp.
Thầy Nguyễn Ngọc Huynh, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học – Trung học cơ sở Tu Mơ Rông, huyện Tu Mơ Rông cho biết, sau khi nhận được thông báo của tỉnh về việc cho học sinh đi học trở lại, nhà trường đã chủ động lên kế hoạch tuyên truyền cho các em học sinh đến lớp đầy đủ. Theo đó, 36 cán bộ, giáo viên của nhà trường đã đến 8 thôn, làng trên địa bàn để vận động các em ra lớp. Riêng đối với các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhà trường đã quan tâm, hỗ trợ các em đến lớp đầy đủ.
Thầy Trần Nhật Lam, Hiệu trưởng Trường Tiểu học – Trung học cơ sở Đăk Plô, huyện Đăk Glei thông tin, trong thời gian học sinh nghỉ học do ảnh hưởng của dịch bệnh, các giáo viên trong nhà trường đã chủ động đến tận nhà của các em học sinh để phát, thu bài tập. Cùng với đó, nhắc nhở các em thường xuyên theo dõi lịch học để đến trường đúng thời điểm.
Nhờ vào nỗ lực của các thầy cô giáo và của cả ngành giáo dục, đến ngày 25/2, tỉ lệ học sinh đến lớp đã tăng lên đáng kể với 98,6% ở bậc Tiểu học, 98,5% ở bậc Trung học cơ sở và 98,7% ở bậc Trung học phổ thông.
Để phòng, chống dịch COVID-19, ngày 22/2, UBND tỉnh Kon Tum đã có Văn bản số 624/UBND-KGVX về việc triển khai cài đặt và sử dụng ứng dụng “An toàn COVID-19” trong trường học. Đến chiều 25/2, việc cài đặt ứng dụng này đã cơ bản được các trường học trên địa bàn tỉnh Kon Tum triển khai. Tuy nhiên, theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, hiện nay ứng dụng này vẫn chưa cập nhật tên trường mới nhất, nên một số trường vẫn chưa thể sử dụng được ứng dụng “An toàn COVID-19”. Đơn cử, tại xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi, trước đây có Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, nhưng hiện nay đã nhập với Trường Trung học cơ sở Sa Loong thành Trường Tiểu học - Trung học cơ sở Sa Loong. Tuy nhiên, ứng dụng “An toàn COVID-19” chưa cập nhật dữ liệu trường mới, khiến Ban Giám hiệu trường không thể đăng nhập vào hệ thống của ứng dụng.
Bên cạnh đó, việc một số tiêu chí không phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương cũng khiến nhiều trường học ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh Kon Tum không nằm trong nhóm an toàn tuyệt đối. Ví dụ cụ thể, ở các trường vùng sâu, vùng xa không có phương tiện đưa đón học sinh công cộng, nên các trường sẽ đánh vào mục khử khuẩn phương tiện vệ sinh công cộng là “không”. Như vậy, những trường học này chỉ đạt 16/17 tiêu chí, ứng dụng “An toàn COVID-19” sẽ tự đánh giá các trường này nằm trong khu vực rủi ro. Vì vậy, đến thời điểm hiện tại, tỉnh Kon Tum mới có khoảng 35% các cơ sở giáo dục trong phạm vi an toàn tuyệt đối, dù đa số các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh an toàn tuyệt đối.
Ngoài ra, ứng dụng này còn một số lỗi khác như lỗi tài khoản, mật khẩu… khiến một số trường học không thể đăng nhập được. Các lỗi này đã được phản ánh về Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum. Tuy nhiên, đơn vị này không thể can thiệp bởi ứng dụng được quản lý bởi Cục Công nghệ thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo.