Kon Tum thiếu trên 2.500 cán bộ, giáo viên, nhân viên cho năm học mới

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum, năm học 2017 - 2018, ngành giáo dục tỉnh còn thiếu hơn 2.500 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên. Trong đó, cán bộ quản lý thiếu 136 người, giáo viên thiếu 1.780 người và nhân viên thiếu 753 người.

Học sinh Trường Tiểu học Triệu Thị Trinh luyện tập múa xoang trong giờ ngoại khóa. Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN

Số lượng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên thiếu chủ yếu tập trung ở bậc học Mầm non và Tiểu học. Hầu hết, cả 10 huyện, thành phố của tỉnh Kon Tum đều xảy ra tình trạng thiếu cán bộ, giáo viên, nhân viên. Trong đó, ở bậc học Mầm non số lượng cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên thiếu trầm trọng nhất, với 76 cán bộ quản lý, 1.121 giáo viên và 93 nhân viên.

Điển hình như huyện Tu Mơ Rông thiếu 224 người; huyện Đăk Hà thiếu 219 người; thành phố Kon Tum thiếu 210 người; huyện Đăk Glei thiếu 203 người… Ở bậc Tiểu học thiếu hơn 940 người, trong đó cán bộ quản lý thiếu 39 người, giáo viên thiếu 575 người, nhân viên thiếu 331 người. Ở bậc Trung học cơ sở, cán bộ quản lý thiếu 21 người, giáo viên thiếu 85 người, nhân viên thiếu với 329 người.

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum đánh giá nguyên nhân thiếu giáo viên là do sự phát triển dân số tự nhiên, cơ học… Số lượng học sinh tăng, chia tách lớp nên dẫn đến tình trạng thiếu cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Đặc biệt, trong nhiều năm qua, số lượng biên chế bổ sung hàng năm không được cấp nên ngành giáo dục không thể tuyển thêm chỉ tiêu để bổ sung. Vì vậy, năm này qua năm khác số lượng cán bộ, giáo viên, nhân viên càng ngày càng thiếu trầm trọng.

Buổi học nhóm của học sinh trường Tiểu học Ngô Quyền, thành phố Kon Tum. Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN

Trước tình hình đó, ngành giáo dục tỉnh Kon Tum đã tìm cách khắc phục, đảm bảo năm học mới 2017 - 2018 diễn ra đúng với lộ trình. Ông Nguyễn Phúc Phận, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh cho biết: Để khắc phục tình trạng thiếu cán bộ, giáo viên, nhân viên, đặc biệt là giáo viên trực tiếp giảng dạy, Sở đã tạm thời điều chuyển giáo viên từ những nơi thiếu ít sang những nơi thiếu nhiều; bố trí cán bộ, kể cả việc điều động Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng, cán bộ quản lý có chuyên môn xuống trực tiếp đứng lớp, nhằm đảm bảo việc dạy và học đúng theo lịch trình.


Bên cạnh đó, vận dụng linh hoạt các nguồn kinh phí tiến hành hợp đồng thời vụ với các giáo viên ở bậc Mầm non, đáp ứng số lượng giáo viên đúng, đủ các tiêu chí, đảm bảo tối thiểu 1 giáo viên/lớp.

Quang Thái (TTXVN)
Thiếu giáo viên và phòng học cấp mầm non
Thiếu giáo viên và phòng học cấp mầm non

Chương trình phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi tại Tây Ninh được bắt đầu trong năm học 2011 – 2012, tuy nhiên quá trình thực hiện lại gặp rất nhiều khó khăn. Toàn tỉnh đang thiếu khoảng 500 giáo viên và 222 phòng học để đáp ứng chương trình này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN