Theo ông Sơn, thí sinh năm nay cũng khá tự tin, thích nghi và chủ động hơn so với năm ngoái. Các hoạt động tương tác trong khâu chuẩn bị, trong và sau kỳ thi đều thông qua mạng Internet, giúp giảm chi phí đi lại và nhiều yếu tố khác. Đây cũng là năm đầu tiên ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức thi đánh giá năng lực 6 môn ngoại ngữ trên máy. Trường đã có bước đi khá mạnh dạn khi tổ chức thi cả hệ chữ viết tượng hình như Tiếng Nhật, tiếng Trung.
Tuy nhiên, đề thi là một trong những băn khoăn của thí sinh. Nhiều thí sinh cho rằng kiến thức đề thi quá rộng. Những câu như “Phần đông của Trung Quốc bằng bao nhiêu của đất nước?”, “Máy bay Airbus được lắp đặt lần cuối ở đâu?”… là những kiến thức không phải thí sinh nào cũng nắm được. Nhiều thí sinh và phụ huynh cũng đặt vấn đề nên công bố nội dung đề thi.
Kỳ thi đánh giá năng lực đang nhận được sự quan tâm của xã hội. Ảnh: Quý Trung/TTXVN |
Trả lời về vấn đề này, ông Sái Công Hồng, Giám đốc Trung tâm Khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, các câu hỏi trong bộ đề thi đánh giá năng lực không thể công bố, vì đây là ngân hàng câu hỏi chuẩn và được sử dụng nhiều lần. “Để xây dựng được một câu hỏi trong đề thi rất vất vả, phải xác định người vào ĐH cần năng lực gì, từ đó mới cân nhắc dùng kiến thức như thế nào, quy trình làm câu hỏi ra sao, sau đó thông qua các chuyên gia thẩm định… Sau khi làm xong các câu hỏi, Trung tâm Khảo thí mới lắp ghép thành đề thi và đưa đi thử nghiệm với học sinh ở 10 tỉnh đại diện cho các khu vực khác nhau như: đồng bằng, miền núi, thành phố. Sau khi thử nghiệm xong, sẽ tiếp tục có phân tích qua các thông số kỹ thuật rồi mới bắt đầu chỉnh sửa, thử nghiệm lại mới đưa vào ngân hàng đề. Từ khâu đưa ra câu hỏi, qua các khâu kiểm soát, thử nghiệm thì chỉ còn giữ lại khoảng 50% số câu hỏi được đưa vào ngân hàng đề, còn 50% sẽ bị loại”, TS Sái Công Hồng cho biết.
Theo ông Nguyễn Kim Sơn, sau kỳ thi, Trường ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ công bố phổ điểm của đợt thi và có so sánh so với năm 2015; để đánh giá tính hiệu quả của phương pháp thi này, từ đó có thể mở rộng quy mô của kỳ thi, cũng như áp dụng vào các kỳ thi khác của các cấp học. Định hướng của ĐH Quốc gia trong thời gian tới là tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực ngày càng chuyên nghiệp và thường xuyên hơn; Chuyên nghiệp từ đội ngũ coi thi, phát triển đề thi, các hoạt động chuẩn bị. Trường sẽ đẩy mạnh hoạt động đo lường đánh giá, phát triển lực lượng nghiên cứu, tiến tới thành lập một đơn vị mang tính chuyên nghiệp để đo lường đánh giá.
“Bên cạnh đó, khi xã hội đã thích ứng tốt hơn với hình thức thi này, thì dự kiến Trường ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ điều chỉnh bộ đề thi, tiến tới áp dụng phương thức thi đánh giá năng lực cho một số kỳ thi khác như thi tuyển sinh vào trường trung học, thi học sinh giỏi, Olympic”, PGS. TS Nguyễn Kim Sơn khẳng định.
Ông Sơn cho rằng hiện nay lực lượng cán bộ huy động cho kỳ thi này phải làm việc khá vất vả, vì vậy số lượng cần được tăng thêm. Bên cạnh đó, những sự cố về điện, thiên tai, đường truyền cũng phải nằm trong phương án dự phòng. Đây là yếu tố bất thường, nhưng quyết định sự thành bại của bài thi.
Kỳ vọng là vậy, tuy nhiên để mở rộng quy mô kỳ thi cũng như nhân rộng mô hình thi đánh giá năng lực, sẽ cần một quá trình không hề ngắn, nhằm “đồng bộ” hóa được các khâu của giáo dục Việt Nam, mà quan trọng nhất là việc thay đổi phương pháp học và dạy, thay đổi tư duy của người học; đều là những vấn đề không hề đơn giản. Vậy nên, trước mắt dư luận xã hội vẫn kỳ vọng vào thành công của kỳ thi đánh giá năng lực như một bước đột phá của việc tuyển chọn thí sinh vào các trường ĐH, còn những mục tiêu sau, sẽ tiếp tục phải chờ đợi.