Bộ cần làm rõ về kỳ thi THPT 2020
Ngày 22/4, trao đổi với PV báo Tin tức, PGS TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng đào tạo trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội cho biết, trường ủng hộ phương án thi THPT 2020 mà Bộ GD&ĐT đưa ra trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, Bộ cũng nên làm rõ hơn, khẩn trương đưa ra chi tiết về phương án này, mục đích của kỳ thi ra sao, để phụ huynh, học sinh có những bước chuẩn bị.
PGS TS Bùi Đức Triệu nhấn mạnh: Đối với các trường đại học sẽ không có nhiều thay đổi; học sinh, phụ huynh đừng quá lo lắng về kỳ tuyển sinh riêng của đại học.
“Phương án thi mà Bộ GD&ĐT đang xin ý kiến là phương án tốt nhất, đảm bảo tính ổn định cao nhất cho thí sinh. Đồng thời, phù hợp với Luật giáo dục đã có hiệu lực. Chỉ có một vài thay đổi nho nhỏ phù hợp với tình hình thực tế. Phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2020 chỉ là thay đổi tên chứ không phải thay đổi bản chất của kỳ thi. Bản chất của kỳ thi này vẫn là để đánh giá quá trình học phổ thông, xét tốt nghiệp, là cơ sở để các trường đại học, cao đẳng xét tuyển. Tôi cho rằng tính chất “quốc gia” của kỳ thi vẫn thể hiện rõ”, PGS TS Bùi Đức Triệu nói.
PGS TS Bùi Đức Triệu khẳng định: Trường chỉ tổ chức tuyển sinh riêng khi không có kỳ thi mang tính chất quốc gia. Hiện nay, kỳ thi tốt nghiệp THPT thể hiện bản chất “quốc gia” như: Chính phủ chỉ đạo, đề chung, hệ thống giám sát như 5 năm qua; chỉ có sự thay đổi về điều kiện như giảm tải chương trình, giảm tải môn. Điều này Bộ GD&ĐT cần làm rõ, là dù mức độ đề dễ, nhưng vẫn là đề chung và vẫn có thể đánh giá, phân loại được.
Vấn đề tỷ lệ nguồn tuyển theo hình thức nào, sẽ được trường ĐH Kinh tế Quốc dân họp bàn cụ thể.
“Như mọi năm trường chủ yếu lấy nguồn tuyển là từ kết quả thi THPT quốc gia. Chiều 22/4, Hội đồng tuyển sinh nhà trường ĐH Kinh tế Quốc dân sẽ họp bàn cụ thể hơn về việc này”, PGS TS Bùi Đức Triệu cho biết.
Còn theo TS Trần Khắc Thạc, Phó trưởng phòng đào tạo, ĐH Thuỷ lợi cho biết: Phương án kỳ thi THPT phải giải đáp được những băn khoăn của học sinh, người học được gì sau kỳ thi này? Sau khi tham gia kỳ thi THPT thì có phải tham gia các kỳ thi khác hay không? Nếu chỉ để có bằng tốt nghiệp THPT không thôi thì có nên tổ chức không?
TS Trần Khắc Thạc đề xuất, cơ quan quản lý cần có phương án cụ thể, rõ ràng để tổ chức kỳ thi đạt được mục tiêu cho toàn hệ thống giáo dục. Đặc biệt, không gây rối loạn về tâm lý, định hướng của học sinh; cũng không gây rối loạn về cách thức xét tuyển vào đại học, cao đẳng nghề... khi những khó khăn về dịch COVID-19 vẫn đang hiện hữu.
Trường đại học phải có phương án chi tiết ứng phó
Chia sẻ với phóng viên báo Tin tức, GS Hoàng Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết: Trường đang có phương án tuyển sinh trình ĐH Quốc gia Hà Nội, dựa vào 3 nguồn tuyển chính: 10 - 15% nguồn tuyển thẳng lấy từ học sinh trường chuyên, được giải quốc tế, quốc gia, chứng chỉ quốc tế...; 30% nguồn tuyển dành cho xét tuyển học bạ và kết quả thi THPT; khoảng 50- 60% là dùng kết quả thi THPT kết hợp kỳ thi ĐH Quốc gia Hà Nội.
Theo GS Hoàng Anh Tuấn, về kỳ thi THPT năm 2020, Bộ đã công khai khẳng định giảm tải chương trình, có mức độ phân hoá nhất định trong bài THPT. Việc tổ chức thi giao cho địa phương thì các địa phương phải có trách nhiệm. Đặc biệt, với những rắc rối của 2 năm trước, thì địa phương càng cần làm với sự nghiêm túc cao nhất. "Tôi cho rằng không nên quá bi quan, hoài nghi về công tác ra đề cũng như công tác chấm thi của kỳ thi THPT năm nay", GS Hoàng Anh Tuấn nói.
Các trường đại học nên có tính toán và đánh giá tình hình phù hợp. Điều quan trọng nhất là các trường hãy phân tích kỹ đặc thù ngành của mình để có phương án tốt nhất, đặc biệt là cho thí sinh. Ví dụ, những khối, trường có đặc thù về mặt kỹ thuật như Y dược, Điện tử, Vi mạch, Hàng không vũ trụ… có thể đặt thêm bài thi cho kỳ thi đảm bảo chất lượng đầu vào.
"Những ngành mang tính phổ quát hơn như khối khoa học xã hội cũng phải tự phân định ngành của mình ra, từ đó quyết định tỷ lệ bài thi chuyên biệt cao đến đâu. Như thế đỡ cho các trường, cho thí sinh, tạo sự chia sẻ đồng thuận giữa nhà trường và phụ huynh học sinh, tránh tình trạng thông tin nhiễu loạn, gây hoang mang”, GS Hoàng Anh Tuấn nói.
Với những kỳ thi mang tính phân hoá thì các trường cũng nên tính toán đến các từ khoá của các ngành học gần để liên kết tuyển sinh. Ví dụ, nhóm các trường, khối ngành tuyển sinh riêng. Điều này rất nhân văn vì đảm bảo tiết kiệm, an toàn cho học sinh, phụ huynh và xã hội.
Hiện nay, một số trường đã nhanh chóng họp bàn về phương án tuyển sinh nhằm ứng phó với tình hình mới. Tuy nhiên, lãnh đạo một số trường đại học vẫn mong Bộ GD&ĐT cần sớm làm rõ về tính chất của kỳ thi THPT năm 2020, tránh gây hoang mang cho học sinh.