Ngày 18/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) công bố dự thảo quy chế kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) quốc gia và tuyển sinh ĐH - CĐ 2015, nhằm tiếp tục lấy ý kiến để hoàn thiện. Nhiều thông tin quan trọng về kỳ thi như ngày thi, thang điểm, cách tính điểm ưu tiên... đã được quy định trong quy chế.
Thang điểm không ảnh hưởng đến việc tuyển sinh
Theo dự thảo quy chế kỳ thi THPT quốc gia 2015, điểm của kỳ thi này sẽ được chấm theo thang điểm 20, các ý nhỏ được chấm điểm lẻ đến 0,25 điểm, không quy tròn điểm từng bài thi. Việc chấm thi sẽ tuân thủ theo hướng dẫn chấm, đáp án của Bộ GD - ĐT. Cụ thể, quy trình sẽ là thư ký Ban chấm thi giao túi bài thi đã dọc phách và phiếu chấm cho trưởng môn chấm thi. Trưởng môn chấm thi tập trung toàn bộ cán bộ chấm thi để quán triệt quy chế thi, thảo luận hướng dẫn chấm, chấm chung ít nhất 10 bài thi tự luận mỗi môn để rút kinh nghiệm, thống nhất cách vận dụng hướng dẫn chấm; sau đó tổ chức chấm thi theo quy trình chấm hai vòng độc lập tại hai phòng chấm riêng biệt.
Bài thi của các thí sinh sẽ được chấm theo thang điểm 20. |
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD - ĐT, cho biết: Việc sử dụng thang điểm 20 thay cho thang điểm 10 sẽ không ảnh hưởng đến việc tuyển sinh của các trường. Với nhóm thí sinh xét tuyển dựa trên kết quả một kỳ thi lẫn kết quả học tập, nhà trường có thể có quy đổi ra thang điểm 20 cho phù hợp, tùy theo cách làm của từng trường.
“Theo quy định, Dự thảo quy chế kỳ thi THPT quốc gia đưa ra nhằm tiếp tục nhận góp ý từ dư luận và sau 45 ngày sẽ chính thức có hiệu lực. Như vậy, trước Tết, hai quy chế chính thức sẽ được ban hành, để nhà trường, học sinh chủ động trong việc ôn tập”. Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Vinh Hiển |
Về cách tính điểm đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn -PV), ông Mai Văn Trinh cho biết, dù kết quả của kỳ thi THPT Quốc gia hay kết quả từ việc tuyển sinh riêng, vẫn phải quy định các ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng. Cụ thể, các trường ĐH tuyển sinh riêng thì quy định theo đề án tuyển sinh riêng; còn với trường sử dụng kết quả kỳ thi quốc gia chung, sau khi có kết quả thi, Bộ GD - ĐT sẽ dựa trên mức điểm và sử dụng các thuật toán để quy định ngưỡng điểm sàn cụ thể.
Do nâng thang điểm quy đổi của các môn từ 10 lên 20, nên ngưỡng tối thiểu điểm liệt của thí sinh sẽ nâng từ 1 điểm trở xuống lên thành 2 điểm trở xuống. Điểm ưu tiên tối đa xét tốt nghiệp THPT là 4 điểm, nay tăng lên là 8 điểm. Công thức điểm xét tốt nghiệp là: Tổng điểm 4 bài thi + Tổng điểm khuyến khích, chia cho 8. Sau đó lấy kết quả cộng với điểm trung bình lớp 12. Điểm xét tốt nghiệp được lấy đến 2 chữ số thập phân, do phần mềm máy tính tự động thực hiện.
Ông Mai Văn Trinh cũng cho biết, đề thi của kỳ thi THPT quốc gia phải đạt các yêu cầu: Nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12, đảm bảo phân loại được trình độ của thí sinh, vừa đáp ứng yêu cầu cơ bản (để tốt nghiệp THPT) và yêu cầu nâng cao (để tuyển sinh ĐH, CĐ), đồng thời đảm bảo tính chính xác, khoa học và tính sư phạm. Lời văn, câu chữ phải rõ ràng, không có sai sót.
Sẽ thi vào tháng 7
Quyết định ban đầu của Bộ GD - ĐT, kỳ thi THPT quốc gia sẽ được tổ chức vào các ngày 9 - 12/6/2015. Tuy nhiên, do nguyện vọng của đông đảo học sinh và các nhà trường là muốn tổ chức kỳ thi THPT quốc gia vào đầu tháng 7, giống như thời gian tổ chức kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ những năm trước đây, nên kỳ thi THPT quốc gia dự kiến sẽ diễn ra các ngày 1 - 4/7/2015.
“Điều này sẽ tạo sự ổn định tâm lý cho học sinh, phụ huynh và có thêm thời gian để các em ôn tập, hệ thống hóa kiến thức, chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi. Mặt khác, cũng giúp cho các sở GDĐT không phải thay đổi kế hoạch năm học đã công bố từ đầu năm, trong đó có việc tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT”, ông Mai Văn Trinh cho biết.
Một điểm nữa là thí sinh thi tốt nghiệp THPT không phải nộp lệ phí thi. Trước đây, các thí sinh phải thi tốt nghiệp THPT trong 3 ngày, thi tuyển sinh ĐH, CĐ mỗi đợt 3 ngày. Như vậy, thông thường thí sinh sẽ mất 6 ngày (nếu thi tốt nghiệp và 1 đợt ĐH), 9 ngày (nếu thi tốt nghiệp và 2 đợt ĐH), 12 ngày (nếu thi tốt nghiệp, 2 đợt ĐH và 1 đợt CĐ). Nay các em chỉ thi 4 ngày, nên giảm được chi phí dự thi.
Trong kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD - ĐT chủ trương duy trì ổn định các mức thu lệ phí như năm 2014, không tăng thêm mức thu để không gây khó khăn cho thí sinh và gia đình. Theo đó, thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia lấy kết quả chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT không phải nộp lệ phí; thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia lấy kết quả để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ phải nộp lệ phí tuyển sinh tính theo số môn thí sinh đăng ký dự thi với mức thu giữ ổn định như năm 2014.
Lê Vân