Đề thi tuân thủ quá trình nghiêm ngặt và đảm bảo sự công bằng, được dư luận đánh giá cao. Đó là khẳng định của lãnh đạo Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) trong buổi họp tổng kết chiều 4/7.
Giảm áp lực cho xã hội
Theo thống kê của Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia, cả nước có 120 cụm thi (Hội đồng thi), gồm: 50 cụm thi tốt nghiệp do sở GD- ĐT chủ trì và 70 cụm thi đại học do trường đại học (ĐH) chủ trì; với 1.452 điểm thi; 31.292 phòng thi; huy động 81.153 cán bộ, giáo viên phổ thông, giảng viên ĐH tham gia tổ chức kỳ thi.
Kỳ thi được đánh giá là an toàn và tạo được sự đồng thuận của toàn xã hội. |
Tỷ lệ học sinh tới dự thi rất cao, đạt gần 99% (môn toán 99,11%, ngoại ngữ 96%, ngữ văn 99,03%, vật lý 98,7%, địa lý 98,65%, hóa học 98,47%, lịch sử 96,%). Bộ đã thành lập 14 đoàn thanh tra cùng các đoàn thanh tra, kiểm tra của các Sở GD- ĐT và các trường ĐH chủ trì cụm thi, đến thanh tra, kiểm tra các điểm thi, nhất là ở khâu coi thi; kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm, hỗ trợ các Hội đồng thi thực hiện đúng quy chế.
Theo đánh giá của lãnh đạo Bộ GD- ĐT, cụm thi do trường ĐH chủ trì được tổ chức ở tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong thời gian tổ chức 3 chung, cả nước có 3 cụm thi quốc gia, sau đó tăng lên 4 cụm. Năm 2015, Bộ đã tổ chức cụm thi quốc gia, năm 2016 cả nước có 70 cụm thi do trường ĐH chủ trì được tổ chức ở tất cả các tỉnh, thành. Đây là một thách thức lớn đối với Bộ GD-ĐT. Nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc mạnh mẽ của các địa phương, sự hỗ trợ của các bộ, ngành, trách nhiệm cao của các trường ĐH, các Sở GD - ĐT; nên kỳ thi đã được tổ chức thành công.
“Những hoạt động tiếp sức mùa thi, hội đồng thi tạo điều kiện cho thí sinh, giúp đỡ lẫn nhau trong dự tuyển từ nơi này tới nơi khác hết sức cảm động. Như chuyện thầy cô giáo nấu cơm cho thí sinh ở huyện miền núi Quảng Ngãi. Không thể kể hết những việc làm đầy ý nghĩa, cảm động của nhân dân trong đợt thi vừa rồi”, lãnh đạo Bộ GD - ĐT chia sẻ. |
Với số lượng cụm thi phân bổ đều trong cả nước như năm nay, thí sinh được thi tại địa phương mình, gần nhà, giảm tốn kém chi phí, giảm áp lực, do đó các em làm bài tự tin hơn. Tỷ lệ thí sinh đến dự thi rất cao. Kỳ thi tổ chức nghiêm túc nhưng nhẹ nhàng, không gây căng thẳng với thí sinh. Đặc biệt, do số lượng thí sinh ở mỗi cụm thi không cao, nên các trường đã có thể sử dụng những cơ sở tốt nhất làm điểm thi, còn các địa phương có điều kiện huy động sự hỗ trợ của các tổ chức đoàn thể về điều kiện ăn ở cho thí sinh và người nhà.
Theo thống kê của Ban chỉ đạo thi thì với sự tham gia của gần 75.000 tình nguyện viên; nhiều địa phương, các tổ chức và nhân dân đã hỗ trợ chỗ ở miễn phí, suất ăn miễn phí cho thí sinh và người nhà với số lượng vượt xa so với nhu cầu. Các địa phương tổ chức đưa đón thí sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo đến các điểm thi… “Tất cả đã tạo nên tình cảm ấm áp, môi trường thân thiện giúp thí sinh yên tâm làm bài tốt hơn”, đại diện Bộ GD - ĐT nhận xét.
Đặc biệt, quán triệt Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương, nhất là các địa phương có các huyện, xã miền núi, hải đảo đã quan tâm sâu sát đến những thí sinh là người dân tộc thiểu số, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn; không có học sinh vì hoàn cảnh khó khăn hay giao thông cách trở không đến được trường thi.
Đề thi đảm bảo hai mục đích
Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, với tính chất đề thi hai mục đích (vừa xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa xét tuyển ĐH, CĐ) Bộ đã làm rất kỹ khâu ra đề, từ việc soạn thảo, in sao đề thi, vận chuyển và bảo quản đề thi. Cán bộ soạn thảo đề thi là giảng viên các trường ĐH, CĐ, nghiên cứu viên các viện nghiên cứu, giáo viên trường phổ thông nắm vững chương trình THPT, am hiểu về công tác xây dựng ma trận đề thi, có năng lực biên soạn, biên tập câu hỏi thi.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục khẳng định: “Đề thi đã đạt được yêu cầu của kỳ thi, không đánh đố, nội dung thuộc chương trình phổ thông chủ yếu lớp 12, vừa sức thí sinh, có tính phân loại cao. Đặc biệt, nhóm các câu hỏi vận dụng và vận dụng cao, điều này có thể cải thiện được phổ điểm, giúp cho các trường ĐH, CĐ tuyển sinh được thuận lợi, nhất là các trường top trên. Theo đánh giá ban đầu của các chuyên gia, dư luận trong và ngoài ngành giáo dục, đề thi năm nay tạo tâm lý thoải mái, hứng thú, sáng tạo cho thí sinh khi làm bài thi. Có nhiều nội dung liên hệ với thực tiễn, đồng thời có tính phân hóa cao, đáp ứng được mục tiêu hai kỳ thi vừa xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ”.
Với những kết quả đạt được từ năm 2016, Bộ GD- ĐT sẽ tổ chức hội thảo với sự tham gia của các chuyên gia giáo dục để lấy ý kiến về việc tuyển sinh ĐH, CĐ thời gian tới, trên cơ sở tôn trọng Luật Giáo dục đại học.
Trả lời câu hỏi của PV báo Tin Tức về trích dẫn hai câu thơ trong bài “Tiếng Việt” của nhà thơ Lưu Quang Vũ trong đề thi ngữ văn được Bộ khẳng định tuân thủ bản gốc, nhưng trong cuốn “Ôn tập môn ngữ văn” chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia do PGS TS Đỗ Ngọc Thống chủ biên, bản mà thí sinh tiếp cận nhiều hơn, thì từ dùng vẫn là “đất cày”, liệu có ảnh hưởng đến bài thi của thí sinh không; ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD - ĐT cho biết: Với việc đổi mới thi cử, thì đề thi năm nay được ra theo định hướng đánh giá năng lực thường xuyên, câu hỏi trong đề thi là những câu hỏi học sinh ngoài kiến thức trong sách giáo khoa, phải có sáng tạo, kỹ năng, hiểu biết xã hội. Với một đề thi “mở” như vậy nên khi xây dựng đáp án, thì cũng là đáp án mở, không phải cho điểm cố định như trước đây. Đáp án có một số gợi ý, nội dung mang tính chất chìa khóa, đáp ứng được mục tiêu của câu hỏi. Bên cạnh đó, cuốn sách mà Bộ dùng làm dữ liệu là cuốn sách gốc, có thể dễ dàng tìm thấy tại tất cả thư viện trên cả nước. Vì vậy sẽ không ảnh hưởng gì đến bài thi của thí sinh. |