Chiều 4/6, sau khi kết thúc môn thi cuối cùng của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển, Trưởng Ban Chỉ đạo thi đã chủ trì cuộc họp báo thông báo về công tác thi tốt nghiệp THPT năm 2013.
Các thí sinh trao đổi sau khi hoàn thành môn thi Ngoại ngữ với hình thức thi trắc nghiệm, tại Hội đồng thi Trường THPT Việt Đức (Hà Nội). Ảnh: Minh Quyết - TTXVN. |
Thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Các trường hợp vi phạm quy chế của thí sinh, giám thị và cán bộ phục vụ thi được phát hiện và xử lý kịp thời, đảm bảo sự nghiêm minh của kỳ thi. Số thí sinh vi phạm quy chế thi bị xử lý kỷ luật đình chỉ thi là 49 (do mang tài liệu, điện thoại di động vào phòng thi); số cán bộ bị đình chỉ làm công tác phục vụ thi là 2 người, do mang điện thoại di động vào khu vực thi. Năm 2012, số thí sinh bị đình chỉ là 27 em và số giám thị vi phạm là 8 người.
Năm nay, toàn quốc có 64 đơn vị tổ chức thi (gồm 63 Sở Giáo dục và Đào tạo và Cục Nhà trường - Bộ Quốc phòng), gồm 2.296 Hội đồng coi thi; huy động 142.361 cán bộ, giáo viên tham gia coi thi. Tổng số thí sinh đăng ký dự thi là 946.064 (trong đó, có 854.355 thí sinh giáo dục THPT và 91.709 thí sinh giáo dục thường xuyên). Số thí sinh đến dự thi ngày thi cuối của Kỳ thi là 942.549 đạt 99,63%.
Ban Chỉ đạo thi của Bộ đã tổ chức các đoàn kiểm tra đột xuất, không báo trước tại một số tỉnh, thành phố như Ninh Bình, Hải Dương, Hà Nam, Thái Bình…, kịp thời phát hiện và yêu cầu khắc phục những thiếu sót, hạn chế trong công tác chỉ đạo thi và coi thi. Qua kiểm tra cho thấy, tại một số hội đồng vẫn còn có hiện tượng một số cán bộ coi thi chưa kiên quyết và kịp thời nhắc nhở thí sinh thực hiện các quy định, còn để một số thí sinh trao đổi bài trong phòng thi hoặc vứt bỏ tài liệu sau buổi thi ở sân trường, cổng trường ảnh hưởng xấu đến vệ sinh, mỹ quan môi trường giáo dục.
Nhìn chung, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2013 đã diễn ra trật tự, an toàn, nghiêm túc và đúng quy chế. Các địa phương đều đã tích cực chủ động trong công tác tổ chức thi như tỉnh Bắc Giang đã có phương án tách học sinh THPT Đồi Ngô (Bắc Giang), thi chung với trường khác để tránh tiêu cực.
Tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi liên quan tới quy chế mới về sử dụng máy ghi âm, ghi hình không thu phát trực tiếp, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: Tác dụng của quy định này là nhằm tạo hành lang pháp lý để bảo vệ người chống tiêu cực chứ không phải trút gánh nặng kiểm tra giám sát lên vai thí sinh. Nhiệm vụ chính của thí sinh vẫn là làm bài thi tốt, quy chế mới chỉ góp phần khiến giám thị có trách nhiệm hơn với công tác của mình.
Về thông tin “lộ đề thi văn” như một số phương tiện thông tin đại chúng có nêu, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định không có chuyện “lộ đề”, việc đề thi vô tình trùng khớp với một vài câu trong đề ôn luyện của giáo viên cho học sinh thi thử là hoàn toàn bình thường do đề thi tốt nghiệp THPT nằm trong chương trình giáo dục phổ thông. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng khẳng định, đề thi các môn thi được bảo mật an toàn tuyệt đối trong tất cả các khâu từ soạn thảo, in sao đến vận chuyển tới các Hội đồng coi thi, các phòng thi và thí sinh. Đề thi năm nay có nội dung nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12; phù hợp chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình; phù hợp với thời gian làm bài; kiểm tra được kiến thức cơ bản và năng lực vận dụng kiến thức; có khả năng phân hoá được trình độ thí sinh. Đề thi môn Ngữ văn và Địa lí được ra theo hướng mở, gắn với thực tiễn đời sống chính trị - xã hội và yêu cầu kiến thức liên bộ môn.
Sau khi kết thúc kỳ thi, việc chấm hậu kiểm sẽ được tiến hành để đảm bảo công bằng cho các thí sinh. Năm 2012, việc chấm lại đã được tiến hành ở 16 điểm, năm nay có thể sẽ mở rộng hơn nữa.
Sự phối hợp tổ chức thi được đảm bảo chặt chẽ, đồng bộ, tích cực và có hiệu quả giữa các ngành hữu quan với ngành Giáo dục trong công tác tổ chức thi; đã cung cấp điện, nước ổn định cho tất cả các Hội đồng coi thi; đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt trước và trong các ngày thi; bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm; an ninh trật tự tại các khu vực tổ chức thi; không để xảy ra ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn, ...
Ở nhiều địa phương, cùng với chính quyền các cấp, các đoàn thể, các tổ chức xã hội đã có nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ tổ chức thi. Ví dụ: UBND tỉnh Ninh Bình chỉ đạo ưu tiên điện sinh hoạt trong giai đoạn học sinh lớp 12 ôn tập thi tốt nghiệp THPT; UBND Thành phố Đà Nẵng tạm dừng xe tải hoạt động trên các tuyến phố nội thành vào thời gian diễn ra các buổi thi; Sở GD&ĐT Thừa Thiên - Huế phối hợp với Hội Chữ thập đỏ của tỉnh quyên góp mua hơn 2.000 suất cơm trưa phát miễn phí cho thí sinh có hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa dự thi; UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo bố trí chỗ ăn, ở cho thí sinh là người dân tộc thiểu số trong thời gian thi; nhiều trường phổ thông trong toàn quốc cử nhân viên thường trực nấu ăn, chăm sóc sức khỏe cho thí sinh trong các ngày thi...
Ngọc Anh