Các địa phương sẵn sàng để tổ chức một kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, vì quyền lợi tốt nhất của thí sinh.
Những ngày qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thành lập 5 đoàn kiểm tra do các Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo làm Trưởng đoàn, để kiểm tra công tác tổ chức kỳ thi tại một số địa phương trọng điểm và vùng sâu xa, khó khăn trên toàn quốc như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Lai Châu, Nam Định, Quảng Ninh, Hà Nam, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Vĩnh Long, Cần Thơ…
Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập 10 đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị kỳ thi tại: Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Hà Giang, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hải Dương, Thái Bình, Bình Thuận, Đồng Nai, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Khánh Hòa, Phú Yên, Đà Nẵng, Quảng Nam, Long An, Đồng Tháp, Hậu Giang và Bạc Liêu.
Qua kiểm tra cho thấy, các địa phương đều đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án tổ chức thi trong tất cả các khâu, từ in sao đề thi, vận chuyển đề thi đến chuẩn bị địa điểm thi, cơ sở vật chất, công tác hậu cần…
Một trong những vấn đề được lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đặc biệt lưu ý trong quá trình kiểm tra, đó là công việc liên quan đến đề thi. Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn, các sai sót khác có thể tầm ảnh hưởng không quá lớn, nhưng đề thi chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng ảnh hưởng đến kỳ thi trên toàn quốc. Vì vậy, việc nhắc nhở là cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh thiết bị công nghệ ngày càng phát triển tinh vi.
Việc in sao đề thi được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao cho các địa phương thực hiện tại một địa điểm an toàn, biệt lập và được lực lượng Công an kiểm tra, bảo vệ nghiêm ngặt đến khi hết giờ làm bài môn cuối cùng của Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông.
Các thành viên tham gia công tác in sao đề thi phải cách ly hoàn toàn với bên ngoài. Trong trường hợp cần thiết và được sự đồng ý bằng văn bản của Chủ tịch Hội đồng ra đề thi hoặc Trưởng Ban in sao, các thành viên mới được liên lạc với bên ngoài bằng điện thoại cố định, mở loa ngoài và có ghi âm dưới sự giám sát của bảo vệ, công an.
Về quy trình, trước khi in sao chính thức, Ban in sao cần đọc soát đề thi gốc, kiểm tra bản in thử và so sánh hai bản với nhau. Nếu phát hiện sai sót hoặc còn nghi vấn, phải báo cáo cho Chủ tịch Hội đồng thi để đề nghị Ban Chỉ đạo cấp quốc gia xử lý.
Đề thi được in sao lần lượt từng môn và từng phòng thi. Những bản in thử và hỏng được thu lại, bảo quản theo chế độ tài liệu tối mật.
Sau khi in đủ số lượng đề của mỗi phòng và cho vào túi chứa, Ban in sao phải ghi đầy đủ thông tin gồm điểm thi, số phòng, tên bài thi và số lượng đề bên ngoài túi. Ngoài ra, mỗi điểm thi sẽ có một túi chứa đề thi dự phòng cho từng môn thi. Các túi chứa đề dự phòng và chính thức được đóng gói, niêm phong, do Trưởng Ban in sao quản lý.
Với công tác vận chuyển và bảo quản đề thi, các túi đề thi được bảo quản trong hòm, tủ hoặc két sắt được khóa, niêm phong và bảo vệ 24/24 bởi công an. Chìa khóa do Trưởng Ban vận chuyển và bàn giao đề thi giữ, sau đó bàn giao cho các trưởng điểm thi. Tại đây, đề thi được bảo quản trong các tủ riêng biệt, có khóa và niêm phong. Khu vực bảo quản đề thi có camera giám sát liên tục, công an túc trực 24/24.
Trong quá trình kiểm tra công tác chuẩn bị tổ chức thi tại một số tỉnh, thành phố, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ luôn nhấn mạnh: Cần xác định tầm quan trọng và ý nghĩa của kỳ thi không chỉ để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp Trung học Phổ thông mà còn là căn cứ để nhiều cơ sở giáo dục đại học sử dụng xét tuyển, do đó, kỳ thi phải tổ chức hết sức chặt chẽ, công bằng, bảo đảm quyền lợi cho người học.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ lưu ý Ban Chỉ đạo thi của các tỉnh, thành phố tiếp tục rà soát lại các khâu của công tác chuẩn bị, đặc biệt chú ý tới chuẩn bị về nhân sự sao cho đảm bảo số lượng, chất lượng và có các phương án dự phòng.
Đối với chuẩn bị cơ sở vật chất, cần lưu ý những điểm thi giáp với nhà dân hay những công trình đang xây dựng nhằm bảo vệ an ninh cho từng điểm thi.
Ngoài ra, các địa phương cần kiểm tra, rà soát lại các khâu dự phòng trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh bất thường. Chú ý đến việc hỗ trợ các thí sinh có điều kiện khó khăn hoặc có nhu cầu cần giúp đỡ, không để các thí sinh gặp khó khăn về phương tiện đi lại, chỗ ăn ở mà phải bỏ thi.