Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, để chuẩn bị tốt các điều kiện đón học sinh trở lại trường, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh chuẩn bị chu đáo về cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ, đặc biệt là các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, đảm bảo an toàn cho học sinh và cán bộ, giáo viên.
Nhiều ngày qua, Lai Châu không có ca bệnh thứ phát trên địa bàn, đây là điều kiện thuận lợi để học sinh yên tâm tựu trường. Hiện các trường đang tập trung chuẩn bị tốt các điều kiện, khắc phục khó khăn, sẵn sàng cho ngày khai giảng năm học mới.
Những ngày trung tuần tháng 8, tại xã biên giới Dào San, huyện Phong Thổ, mưa kéo dài gây sạt lở nhiều tuyến đường dẫn từ trung tâm xã đến các bản. Thế nhưng, các thầy, cô giáo nơi đây vẫn khắc phục khó khăn, đến từng nhà học sinh để thông báo lịch tựu trường và vận động học sinh ra lớp.
Thầy giáo Trần Văn Duy, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Dào San, huyện Phong Thổ chia sẻ: Năm học 2021 - 2022, trường có hơn 700 học sinh chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, Dao, Hà Nhì. Nhờ nỗ lực công tác vận động, đến nay, 100% các phụ huynh đã ký cam kết cho học sinh ra lớp đúng thời gian. Về điều kiện cơ sở vật chất trường lớp, nơi ăn ở bán trú của học sinh và các biện pháp phòng chống dịch cũng được nhà trường chuẩn bị xong.
“Tuy nhiên, năm học này, trường thiếu 9 giáo viên. Để khắc phục, nhà trường đang đề nghị Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, UBND huyện Phong Thổ bổ sung số lượng giáo viên còn thiếu nhằm đảm bảo chất lượng giảng dạy. Ngoài ra, do không đủ 50% số lượng học sinh bán trú, nên tới đây nhà trường phải chuyển đổi mô hình trường. Tuy vậy, năm học này nhà trường vẫn còn 245 em học sinh bán trú, nên cán bộ, giáo viên vẫn phải thực hiện nhiệm vụ như một trường bán trú. Đó cũng là khó khăn khi các thầy, cô thực hiện nhiệm vụ mà chế độ lại không có”, thầy Duy cho biết thêm.
Tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Dào San, những ngày này các thầy cô đang tích cực vệ sinh trường, lớp, nhà ăn đảm bảo sạch sẽ, thông thoáng và chuẩn bị các thiết bị y tế, trong phòng chống dịch như nước sát khuẩn tay, khẩu trang.
Thầy giáo Nguyễn Văn Đạc, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Dào San cho hay: Để học sinh ra lớp đạt tỷ lệ cao, từ đầu tháng 8, cán bộ, giáo viên đã đến tất cả các bản để vận động học sinh ra lớp. Về điều kiện về cơ sở vật chất ở các điểm bản tương đối đảm bảo, riêng ở trung tâm còn khó khăn do đông học sinh, dẫn tới phòng học. Cùng đó, nhà trường cũng thiếu nhiều giáo viên trong năm học này. Khắc phục khó khăn, bước đầu nhà trường đã dồn các em học sinh cùng khối và một lớp để bố trí đủ giáo viên dạy học.
Năm học này nhà trường cũng gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất lớp học do việc thực hiện chủ trương sáp nhập trường và đưa học sinh về trung tâm đã dẫn tới tình trạng thừa lớp học ở điểm trường lẻ, thiếu lớp học ở trung tâm. Năm học 2021 - 2022, toàn trường có gần 1.000 học sinh, dự kiến bố trí 36 lớp, bởi không đủ lớp học nên nhà trường phải bố trí tất cả các phòng học chức năng làm lớp học.
Năm học 2021 - 2022, huyện biên giới Phong Thổ đã sáp nhập 65 trường xuống còn 48 trường, với hơn 900 lớp học và trên 23 nghìn học sinh. Trong hè 2021, có hơn 500 phòng học bán kiến cố và phòng học tạm đã được các trường sửa chữa, khắc phục sẵn sàng cho năm học mới. Dù đã sáp nhập trường, lớp để khắc phục tình trạng thiếu nhân lực giảng dạy, thế nhưng đến nay huyện Phong Thổ vẫn cần hơn 130 giáo viên mới đáp ứng đủ công tác giảng dạy cho năm học.
Theo ông Phan Như Thắng, Phó phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phong Thổ, ngay từ đầu năm học, Phòng đã chỉ đạo các đơn vị trường học trên địa bàn chuẩn bị tốt các điều kiện cơ sở vật chất cho năm học mới. Đến thời điểm này, số lượng phòng học tạm đã được các đơn vị khắc phục. Đối với tình trạng thiếu nhân lực, ngành cũng đã tham mưu với UBND huyện để thông báo hợp đồng giáo viên. Tuy nhiên, số lượng chưa thể đáp ứng được do 2 năm gần đây UBND tỉnh Lai Châu chưa tổ chức tuyển dụng. Khắc phục tình trạng này, với bậc học mầm non, Phòng đã huy động học sinh ở bản về trung tâm để dồn lớp. Còn các trường chuẩn Quốc gia hoặc những trường đủ giáo viên học 2 buổi trên ngày, Phòng sẽ tăng cường giáo viên đến các trường còn thiếu.
Năm học 2021-2022, toàn tỉnh Lai Châu có hơn 150 nghìn học sinh các cấp học, trong đó có khoảng 30 nghìn học sinh bán trú. Đến nay, phòng học tạm đã được các địa phương và các nhà trường chủ động khắc phục, bảo đảm đủ lớp học cho học sinh. Đối với tình trạng thiếu gần 700 giáo viên so với định mức học sinh, chính quyền các địa phương đang tiếp nhận hồ sơ hợp đồng và thực hiện dồn lớp cùng khối; đồng thời bố trí giáo viên dạy tăng tiết để đảm bảo chất lượng giảng dạy cho năm học.
Ông Đinh Trung Tuấn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu cho biết: Thời điểm này, cơ bản 100% cán bộ, giáo viên và học sinh đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cho năm học mới. Ngay sau ngày tựu trường và các hoạt động trong ngày khai giảng, Sở sẽ thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch; yêu cầu các đơn bị bố trí, sắp xếp chương trình phù hợp, thích ứng với điều kiện thực tế trong bối cảnh dịch bệnh, hướng tới một năm học chất lượng, an toàn.
Theo khung kế hoạch, học sinh ở bậc từ mầm non, đến trung học phổ thông có 35 tuần thực học; ở hệ Giáo dục thường xuyên có 32 tuần thực học. Năm học 2021 - 2022 sẽ kết thúc trước ngày 31/5/2022.