Núp bóng diễn đàn
Nhiều diễn đàn trao đổi học tập, hỗ trợ học liệu được sinh viên lập ra nhằm hỗ trợ nhau mùa dịch. Nhưng đến kỳ thi, những diễn đàn như thế này trở thành nơi các sinh viên hỏi về dịch vụ làm bài tập thuê, thi hộ. Có những diễn đàn lên đến hàng chục nghìn lượt theo dõi.
Những bài đăng đều có từ khoá mà “chỉ sinh viên mới hiểu”. Chẳng hạn, một tài khoản MQ đăng nội dung: “Mình cần sp môn Toán CC. Sáng 15/1, chỉ cần điểm qua môn, không cọc trước, có điểm bank tiền luôn sau lúc làm bài. Ai nhận ib ạ. Cảm ơn!”. “Sp” được viết tắt bằng từ “support” (hỗ trợ). Hoặc “Cần tìm người làm báo cáo thực tập kế toán”… Những dòng trạng thái này liên tục được đăng trên diễn đàn “SV Hỗ trợ HH TH”. Diễn đàn công khai này lên tới hơn 22.400 thành viên. Nếu nhận hỗ trợ vào giờ thi, sinh viên sẽ gửi đề cho bên dịch vụ làm giúp và chuyển lại qua các thiết bị thông minh.
Số lượng người theo dõi những diễn đàn hỗ trợ học tập liên tục tăng vào dịp này. Bởi nhiều sinh viên cho biết đây là thời điểm sinh viên làm dự án học tập, báo cáo và thi kết thúc môn.
Việc trao đổi thi hộ, làm đồ án hộ cũng diễn ra nhộn nhịp tại diễn đàn "Hỗ trợ học tập - Làm tiểu luận, báo cáo, luận văn, bài tập lớn, đồ án". Diễn đàn có gần 8.000 lượt theo dõi này có những dòng trạng thái "người tìm việc" như: "Nhận sp (support - hỗ trợ) toán cao cấp, xác xuất thống kê... Cam kết uy tín, bảo mật. Được kiểm tra năng lực kiến thức. Không nhận cọc, sp xong mới thanh toán". Những dòng trạng thái với nội dung tương tự khá nhiều trong diễn đàn nêu trên.
Có cung ắt có cầu nhưng cũng nảy sinh việc lừa đảo, không ít sinh viên kêu “bị lừa” khi đã chuyển tiền cho người thi hộ nhưng đến ngày thi không nhận được lời giải như đã hứa. Một tài khoản Yu Yu viết: “Lừa đảo mọi người ạ. Cọc tiền xong block mình luôn, do gấp quá mình không check kỹ nên mất tiền oan, quan trọng là không có bài tập chứng khoán để nộp”…
Trường đại học tăng các giải pháp
Học online đã diễn ra hai năm, những chiêu thức này của sinh viên đã được các trường đại học nắm bắt. Ở một số trường, việc đưa nhiều phương thức kiểm tra cuối kỳ được nhà trường đặt ra. Chẳng hạn, Học viện Ngân hàng áp dụng bốn hình thức thi: Sinh viên nộp tiểu luận/bài tập lớn, thi vấn đáp, thi viết tự luận, thi online trên phầm mềm trực tuyến iTest.
Theo đại diện Học viện Ngân hàng, sinh viên gửi bài tiểu luận theo hình thức trực tuyến. Ở phần thi vấn đáp, hai giảng viên tham gia hỏi. Toàn bộ quá trình thi được ghi âm, ghi hình. Với thi viết tự luận, thí sinh làm bài ra giấy trước sự giám sát trực tuyến từ cán bộ coi thi. Ở những môn theo hình thức này, giảng viên sẽ chuẩn bị ngân hàng câu hỏi đủ lớn để bộ phận khảo thí bốc ngẫu nhiên. Mỗi phòng thi có 30 sinh viên, được giám sát bởi hai cán bộ. Khi nộp bài, sinh viên scan bản viết tay. Trường hậu kiểm ngẫu nhiên, đối chiếu chữ viết tay với các bài thi trước đó và với tờ khai sinh viên khi vào trường. Nếu có dấu hiệu bất thường, trường có chế tài xử lý, như đình chỉ học tập 1 năm.
Còn với hình thức thi trực tuyến, phần mềm sẽ có một số tính năng chống gian lận như cảnh báo khi người thi mở trình duyệt khác; tự động chụp màn hình của thí sinh vào nhiều thời điểm ngẫu nhiên và lưu hệ thống. Trường hợp sinh viên thoát ra hoặc truy cập tài liệu trong quá trình thi nhiều khả năng sẽ bị phát hiện.
Ở một số trường khác thì xét kết quả học kỳ I bằng cả quá trình học. Trường Đại học RMIT Việt Nam là ví dụ. Trường đánh giá sinh viên thông qua các bài tập cá nhân, bài tập nhóm trong suốt học kỳ thay vì tổ chức kỳ thi kết thúc học kỳ thông thường.
Nhiều trường sử dụng giải pháp là tăng nặng các hình thức xử phạt nếu phát hiện sinh viên gian lận. Mới đây Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh) đình chỉ thi 78 sinh viên trong kỳ thi trực tuyến học kỳ II năm học 2020-2021.
Tuy nhiên, những hình thức này mới chỉ làm giảm phần nào việc gian lận thi cử theo hình thức online. Bởi việc sử dụng công nghệ của sinh viên hiện nay vẫn hết sức tinh vi. Việc thi online như như hiện nay vẫn phụ thuộc vào ý thức của sinh viên.