Ngày 28/1, tại Hà Nội, trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương đã tổ chức lễ khai giảng các khóa đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ và trao bằng tốt nghiệp thạc sĩ năm 2015. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên, trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương mở ngành đào tạo Tiến sĩ chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc, cũng là trường đầu tiên trên cả nước đào tạo Tiến sĩ chuyên ngành này.
Phát biểu tại buổi lễ, GS.TSKH Phạm Lê Hòa, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương cho biết: Năm 2012 đã đánh dấu một bước ngoặt lớn của trường, đó là trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo trình độ Thạc sĩ, chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc. Đây là một bước phát triển của nhà trường để khẳng định vị thế đào tạo cán bộ, giáo viên, nhà nghiên cứu,… trong lĩnh vực âm nhạc, nghệ thuật. Và chỉ ba năm sau – năm 2015, nhà trường tiếp tục được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo trình độ tiến sĩ chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc. Đồng thời, trường cũng được cấp phép đào tạo trình độ thạc sĩ chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học bộ môn Mỹ thuật. Đây là thành quả nỗ lực và cố gắng của toàn thể cán bộ, giảng viên, nhân viên nhà trường. Điều này đã thêm một lần nữa khẳng định sự phát triển của nhà trường trong lĩnh vực đào tạo nói chung và đào tạo trình độ sau đại học nói riêng. Việc mở các khóa đào tạo thạc sỹ và tiến sĩ của trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương cũng góp phần cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao cho lĩnh vực nghệ thuật của Việt Nam.
Là đơn vị đầu tiên đào tạo chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương coi trọng việc mời các chuyên gia hàng đầu về chuyên ngành lý luận âm nhạc của Việt Nam đến giảng dạy; đồng thời, cập nhật các chương trình đào tạo tiên tiến cùng ngành ở nước ngoài để áp dụng vào giảng dạy.
Năm 2015, trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương đã tổ chức 2 kỳ tuyển sinh đào tạo trình độ sau đại học là thạc sĩ và tiến sĩ ở các chuyên ngành: Lý luận và phương pháp dạy học Âm nhạc; Lý luận và phương pháp dạy học bộ môn Mỹ thuật và chuyên ngành Quản lý Văn hóa. Tổng số thí sinh trúng tuyển là 234 người, trong đó có 209 học viên cao học và 25 nghiên cứu sinh.