Theo TS Vũ Thị Kim Hoa, Phó trưởng ban đào tạo, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, mùa tuyển sinh năm nay, bên cạnh môn Toán và các môn Khoa học xã hội; Học viện đã đưa
môn Vật lý
, tổ hợp môn Khoa học tự nhiên vào xét tuyển.
Như vậy, năm nay những thí sinh học chuyên về các môn Khoa học tự nhiên sẽ có cơ hội hội xét tuyển vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Lý giải về điều này, TS Vũ Thị Kim Hoa cho biết: Quan điểm giáo dục là phát triển con người toàn diện, nên Học viện chú trọng tuyển sinh dựa trên kết quả thi các môn học cơ bản của THPT như: Ngữ văn, tiếng Anh, Toán, Vật lý… để tạo điều kiện cho các thí sinh học đều các môn được vào học các ngành học tại Học viện, qua đó giúp các em phát huy tốt khả năng của mình, không hạn chế khả năng của người học.
"Đối với chuyên ngành Báo chí, bên cạnh các kiến thức về Khoa học xã hội, các em cũng rất cần có kiến thức cơ bản về Khoa học tự nhiên để có thể thu thập thông tin, phân tích thông tin, xử lý thông tin... Đặc biệt là để giải quyết các vấn đề có liên quan đến các lĩnh vực Khoa học tự nhiên. Những học sinh giỏi về Toán, Vật lý vào học ngành Báo chí đều có tư duy logic rất tốt và điều này rất cần thiết cho người làm báo", TS Vũ Thị Kim Hoa nhấn mạnh.
Năm nay, Học viện Báo chí và Tuyên truyền sẽ tuyển sinh 6 chuyên ngành báo chí: Phát thanh, Truyền hình, báo in, báo điện tử, quay phim và báo ảnh. Bên cạnh việc xét tuyển các tổ hợp môn theo quy định, Học viện còn tổ chức thêm bài thi năng khiếu báo chí gồm 2 phần.
Phần thứ nhất là trắc nghiệm với thời gian là 30 phút (tổng số là 3 điểm). Phần này kiểm tra kiến thức tổng thể của thí sinh về Lịch sử, Địa lý, Ngữ văn và Giáo dục công dân.
Phần thứ hai là bài tự luận, gồm 2 câu. Câu thứ nhất (3 điểm) đánh giá năng lực xử lý, biểu đạt thông tin và sử dụng ngôn ngữ trong xây dựng, hoàn thiện văn bản. Dạng thức đề thi có thể là: Cung cấp một văn bản báo chí có lỗi sai (về quan điểm chính trị, cấu trúc văn bản, về tính logic, về văn phong, về cách sử dụng ngôn từ…) yêu cầu thí sinh sửa chữa và hoàn thiện văn bản theo cách của mình. Ngoài lỗi sai về quan điểm chính trị, những nội dung còn lại như lỗi cấu trúc văn bản lỗi logic, văn phong, cách sử dụng ngôn từ là các kiến thức đã học trong chương trình phổ thông.
Câu hai (4 điểm) sẽ đánh giá năng lực phát hiện vấn đề và thể hiện quan điểm cá nhân. Dạng thức đề thi có thể là: Cung cấp thông tin về một vấn đề, một sự kiện, yêu cầu thí sinh viết một bài luận tối đa là 500 từ. Phần thi này là đòi hỏi thí sinh phải có tính sáng tạo, biết phát hiện vấn dề và giải quyết vấn đề cùng cách lập luận mới mẻ, hấp dẫn.