Con đường trở lại trường học vẫn nhiều khó khăn
Mới đây, toàn bộ học sinh cấp 2 mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn xã Ninh Hải (Ninh Giang, Hải Dương) phải dừng đến trường do địa phương ghi nhận một ca dương tính SARS-CoV-2. Theo báo cáo của UBND Hải Dương, bệnh nhân cùng 3 người cùng trọ đi ôtô đến ga tàu Biên Hoà (Đồng Nai) rồi lên tàu SE8 về ga Hà Nội, sau đó di chuyển về nhà tại xã Ninh Hải. Bệnh nhân đến trạm y tế địa phương để khai báo và cách ly tại nhà 14 ngày. Ngay sau đó, lực lượng chức năng xác định có 5 trường hợp F1, 29 trường hợp F2 của bệnh nhân này. Các trường hợp đang chờ lấy mẫu xét nghiệm và cách ly theo quy định.
Còn tại Hà Giang, sau khi có thông tin về các trường hợp học sinh có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 cùng các ca nghi nhiễm (trong đó có 1 học sinh lớp 2) tại phường Ngọc Hà (TP.Hà Giang), UBND Thành phố Hà Giang quyết định cho học sinh các trường THCS, tiểu học và mầm non trên địa bàn thành phố nghỉ học bắt đầu từ ngày 27/10 cho đến khi có thông báo mới. Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Giang cũng cho các trường THPT trên địa bàn thành phố nghỉ học từ ngày 27/10. Riêng học sinh Trường Phổ thông dân tộc Nội trú tỉnh thực hiện ăn, học tại trường.
Ngày 26/10, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Nam Trà My (Quảng Nam) ghi nhận 159 trường hợp dương tính SARS-CoV-2, chủ yếu là học sinh. Huyện Nam Trà My (Quảng Nam) đã cho học sinh nghỉ học khẩn cấp để truy vết F0.
Cũng trong tuần qua, một số tỉnh xuất hiện ổ dịch mới như Nam Định, Quảng Ninh, Thanh Hoá, Quảng Bình. Những địa phương này đều cho học sinh nghỉ học.
Tại Hà Nội, mặc dù nhiều vùng trên địa bàn ở cấp độ 1, 2 của phòng chống dịch COVID-19 nhưng thành phố vẫn chưa cho học sinh trở lại trường. Tuy nhiên, Hà Nội cũng ban hành hướng dẫn chi tiết với các cơ sở giáo dục trên địa bàn về việc chuẩn bị cho học sinh trở lại trường học.
Tại TP Hồ Chí Minh, TP bắt đầu cho học sinh huyện Cần Giờ tới trường. Cùng với đó, TP triển khai việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho học sinh, nhiều trường gấp rút dọn dẹp, khử khuẩn để đón học sinh trở lại trường.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, tính đến ngày 25/10, cả nước đã có 23 tỉnh, thành phố đón học sinh đến trường học trực tiếp. Tuy nhiên, danh sách địa phương cho học sinh đến trường trực tiếp sẽ liên tục diều chỉnh trong thời gian này khi tình trạng xuất hiện F0 khiến việc học tập không ổn định.
Chưa tổ chức kiểm tra định kỳ khi chưa có thời gian củng cố kiến thức
Thời gian gần đây, Bộ GD&ĐT đã liên tục ban hành các hướng dẫn về việc học sinh trở lại trường cũng như việc linh hoạt trong kiểm tra đánh giá giữa kỳ.
Mới đây, đăng đàn trả lời về việc mở cửa trường học, PGS TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho biết, các nhà trường khi cho học sinh đi học trở lại cần rà soát, đánh giá kết quả học tập của học sinh để sau đó ôn tập, củng cố, bổ sung kiến thức cho phù hợp với từng đối tượng. Nhà trường cần bổ sung những nội dung kiến thức còn thiếu kết hợp với ôn tập, củng cố những nội dung phù hợp với nhóm học sinh không có điều kiện học trực tuyến, nhất là các học sinh không tiếp cận được truyền hình, học sinh chuyển trường do phải di chuyển nơi cư trú để phòng, tránh dịch bệnh.
Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn cụ thể để bảo đảm học sinh có chung mặt bằng kiến thức sau khi đi học trở lại. Các nhà trường cần sử dụng hiệu quả thời gian học sinh được đến trường để tiếp tục tổ chức dạy học trực tiếp các nội dung cơ bản, cốt lõi theo các văn bản hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học của Bộ.
Bộ GD&ĐT cũng lưu ý, các cơ sở giáo dục luôn sẵn sẵn sàng phương án chủ động, linh hoạt chuyển trạng thái từ trực tiếp sang trực tuyến nếu có bất thường xảy ra.
Còn với việc kiểm tra, đánh giá định kỳ theo hình thức trực tuyến, ông Nguyễn Xuân Thành cho biết, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 09 quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên, quy định rõ về kiểm tra, đánh giá trong dạy học trực tuyến. Bộ GD&ĐT cho phép người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông quyết định lựa chọn hình thức kiểm tra, đánh giá định kỳ theo quy định của Bộ GD&ĐT, bảo đảm việc kiểm tra, đánh giá, chính xác, công bằng, khách quan, trung thực. Đồng thời, nhấn mạnh việc tránh gây áp lực cho học sinh, chưa tổ chức kiểm tra định kỳ ngay khi chưa có thời gian củng cố kiến thức.