Tỷ lệ giáo viên, học sinh mắc COVID-19 gia tăng đã khiến nhiều cơ sở giáo dục đối mặt với những thách thức khi triển khai dạy học kết hợp trực tiếp và trực tuyến. Tuy nhiên, các địa phương đều đang nỗ lực để thích ứng linh hoạt, duy trì tối đa việc mở cửa trường học, đồng thời, nhanh chóng điều chỉnh sang học trực tuyến khi cần thiết.
Giao quyền chủ động cho các trường
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Sở đã có văn bản giao quyền chủ động cho hiệu trưởng các trường trong việc quyết định hình thức dạy học phù hợp và linh hoạt trong thời kỳ bình thường mới. Vì vậy, khi trong một lớp học có số học sinh là F0, F1 chiếm từ 50% trở lên, hiệu trưởng các trường phải linh hoạt chuyển qua hình thức dạy học online cho lớp đó.
UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản hướng dẫn kiểm soát dịch trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn, trong đó nêu kịch bản xử trí đối với trường hợp phát hiện nhiều F0 tại cơ sở giáo dục.
Nếu trong cùng một ngày, lớp học phát hiện từ 2 F0 trở lên, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của nhà trường căn cứ vào kết quả điều tra dịch tễ để quyết định hình thức học tiếp theo của các học sinh còn lại trong lớp. Nếu trong cùng một ngày, cơ sở giáo dục phát hiện từ 2 lớp có F0 trở lên, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cấp quận, huyện căn cứ vào kết quả điều tra dịch tễ để quyết định hình thức học tiếp theo của trường.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai, sau hơn 2 tuần tổ chức dạy và học trực tiếp (từ ngày 14/2 đến ngày 2/3), toàn tỉnh ghi nhận gần 11.000 học sinh, giáo viên mắc COVID-19. Do số ca mắc tăng cao, nhiều lớp học ở Đồng Nai phải chuyển sang dạy và học trực tuyến.
Hiện gần 10.000 học sinh ở hơn 160 lớp học (từ cấp Tiểu học đến Trung học Phổ thông) tại nhiều trường trên địa bàn Đồng Nai học trực tuyến. Để tạo thuận lợi cho học sinh tiếp thu kiến thức khi không thể đến lớp, ngành Giáo dục Đồng Nai đã phát trực tuyến tiết dạy trực tiếp để các em học tại nhà, giao bài qua nhóm trên mạng xã hội, tập hợp số học sinh không thể tham gia học trực tiếp để dạy học trực tuyến.
Thống kê của Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ tỉnh Bạc Liêu cho thấy, kể từ khi địa phương chính thức cho học sinh trở lại trường học trực tiếp, tính đến chiều 2/3, toàn tỉnh đã có 1.171 học sinh và 186 giáo viên mắc COVID-19.
Hiện tỷ lệ đi học trở lại của các khối lớp Tiểu học, Trung học Cơ sở và Trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu là hơn 95%. Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ đã hướng dẫn cho các trường học nếu lớp học nào có số F1 hơn 50%, lớp học đó sẽ chuyển sang học trực tuyến.
Với Đà Nẵng, các cơ sở giáo dục đang khắc phục mọi khó khăn để chuyển đổi linh hoạt phương thức dạy học phù hợp. Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng, sau hai tuần triển khai dạy học trực tiếp, sĩ số học sinh đến lớp ở cấp Tiểu học khoảng 41%, khối Trung học Cơ sở khoảng 65%, còn lại học trực tuyến.
Tại Hà Nội, trong tuần qua, tỷ lệ học sinh đi học trực tiếp giảm mạnh từ trên 90% xuống 75,4% ở bậc Trung học Phổ thông và 77,2% ở bậc Trung học Cơ sở. Học sinh Tiểu học ở 18 huyện, thị xã trước khi có quy định tạm ngừng đến trường cũng chỉ có gần 79% đến trường. Các trường Trung học Phổ thông ở Hà Nội đang tìm cách thích ứng để duy trì dạy và học linh hoạt, vừa đảm bảo phòng, chống dịch, vừa cung cấp kiến thức cho học sinh trong thời gian học trực tiếp tại trường. Trong đó, một số trường Trung học Phổ thông trên địa bàn Hà Nội đã thông báo, nếu một lớp có hơn 50% học sinh là F0 và F1 sẽ chuyển hoàn toàn sang học trực tuyến.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng, sau 3 tuần mở cửa trường học, tỷ lệ học sinh đến trường học trực tiếp đã ngày một tăng, có những trường đạt trên 70%. Tuy nhiên, cấp Tiểu học, Mầm non, tỉ lệ học sinh đi học trực tiếp vẫn tăng chậm. Các trường học đang áp dụng linh hoạt hình thức dạy học trực tiếp, trực tuyến. Quan điểm nhất quán của ngành Giáo dục Hải Phòng là các trường học luôn được mở cửa sẵn sàng và học sinh luôn được chăm sóc đầy đủ.
Không cứng nhắc khi tổ chức dạy học
Có thể thấy, việc mở cửa trường học trở lại trong bối cảnh dịch phức tạp là nỗ lực rất lớn của các địa phương, của toàn ngành giáo dục, các nhà trường và giáo viên. Hiện nay, số ca mắc COVID-19 là giáo viên tăng cao đã khiến nhiều nhà trường gặp khó khăn khi tổ chức dạy trực tiếp. Nhiều giáo viên F0 vẫn duy trì việc dạy online. Bên cạnh đó, việc giảng dạy cùng lúc hai hình thức "online – offline" cũng là thách thức với các thầy cô giáo để đảm bảo chất lượng.
Không chỉ vậy, một số cơ sở giáo dục đang thực hiện theo phương châm dù lớp chỉ còn vài học sinh, thậm chí còn một học sinh vẫn học trực tiếp bình thường. Trước thực tế này, nhiều ý kiến cho rằng, việc mở cửa trường học là cần thiết nhưng không nên cứng nhắc.
Cô Văn Thùy Dương, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở -Trung học Phổ thông Lương Thế Vinh (Hà Nội) chia sẻ: Việc tổ chức dạy học trực tiếp nhằm mục đích để học sinh có cơ hội giao lưu, trao đổi nhiều hơn với thầy cô, bạn bè. Nhưng nếu một lớp 40 em, chỉ còn vài em có thể đến lớp, không khí lớp học cũng bị "chùng xuống", chất lượng học tập không còn thực sự hiệu quả.
Vì vậy, theo cô Văn Thùy Dương, việc quyết định học trực tiếp hay trực tuyến với từng lớp học cần sự linh hoạt, ứng biến phù hợp của lãnh đạo các nhà trường. Dù áp dụng bất cứ hình thức nào,chủ thể là học trò cũng cần được quan tâm, chăm sóc đầu tiên.
Cô Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Yên Hòa (Hà Nội) đồng quan điểm cho rằng: Tinh thần quyết tâm đến trường là đúng, tuy nhiên, cần căn cứ vào thực tế để phù hợp với từng nhà trường. Thử hình dung mỗi lớp có 50 em, khi 49 em đã phải học trực tuyến, tại sao phải cố để tổ chức dạy trực tiếp một cách máy móc. Chỉ vài học sinh trên lớp, không khí học cũng rệu rã.
Hiện Trường Trung học Phổ thông Yên Hòa có hơn 200 học sinh F0, hơn 600 học sinh là F1; 22 lớp có trên 50% học sinh trong diện F0, F1. Việc tổ chức dạy học rất vất vả vì nhiều giáo viên là F0 nên không đủ giáo viên đứng lớp và vẫn phải dạy trực tuyến để đảm bảo đủ người.
Do đó, trong trường hợp nhiều học sinh phải học trực tuyến, việc linh hoạt chuyển tất cả sang học trực tuyến vẫn hoàn toàn phù hợp, đảm bảo chất lượng. Bởi, không giống như trước, các bài giảng được thiết kế phù hợp với cách thức học trực tuyến, giờ đây khi kết hợp "on - off", những học sinh không đến trường ít nhiều sẽ bị hạn chế trong việc tiếp thu bài giảng theo giáo án dạy trực tiếp của giáo viên.
Mới đây, báo cáo tại phiên giải trình về vấn đề dạy học trong bối cảnh dịch COVID-19 do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định, việc mở cửa trường học, đưa trẻ em quay lại trường là mong muốn, nguyện vọng của giáo viên, phụ huynh, học sinh và của toàn xã hội. Ngành Giáo dục rất quyết tâm và có sự phối hợp tốt của các địa phương, nhưng tâm lý lo ngại của phụ huynh còn bộn bề, ngổn ngang.
Sau khi chỉ đạo toàn ngành mở cửa trường học, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đi kiểm tra tình hình triển khai tại các địa phương. Qua những chuyến kiểm tra này có thể thấy, các địa phương rất quan tâm xây dựng kịch bản, lộ trình, tổ chức diễn tập, chuẩn bị các điều kiện với quyết tâm đưa học sinh trở lại trường học tập.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, đây là thời điểm ngành Giáo dục đứng trước thách thức chưa từng có, thách thức lớn và dịch bệnh ngày càng phức tạp. Có nhiều vấn đề phát sinh chưa có tiền lệ, phải ứng phó linh hoạt, bao quát. Liệu có phương án nào đầy đủ, toàn diện, đáp ứng được mọi khâu, mọi nhẽ lúc này không? Theo Bộ trưởng, bây giờ khó có phương án nào đáp ứng được toàn diện như vậy, nên chúng ta phải chọn phương án khả dĩ hơn. Việc quay lại trường học sẽ ảnh hưởng, nhưng đây là tình thế buộc phải thích ứng.
Vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: Ngành Giáo dục tiếp tục nhất quán chỉ đạo đưa học sinh quay trở lại trường học, dẫu đang có nhiều băn khoăn nhưng đó là xu thế chung và cần xác định về tư tưởng, đưa học sinh quay trở lại trường học là tất yếu, không thể khác. Trên thực tế, mặc dù dịch bệnh phức tạp, một số nơi phải quay lại học trực tuyến nhưng ở nhiều địa phương, lộ trình đưa học sinh đi học trực tiếp vẫn đang được tiếp tục.