Cách làm này phát huy hiệu quả tốt, nhất là đối với khu vực nông thôn.
Đa dạng cách thức hỗ trợ, giao bài
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Giang Biên (huyện Vĩnh Bảo) Đoàn Thị Kim Thanh cho biết, xã Giang Biên giáp ranh với tỉnh Hải Dương. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều phụ huynh phải tạm ngừng việc, thu nhập của gia đình giảm sút, do vậy họ phải cắt một số khoản chi, trong đó có tiền dành cho mạng internet. Một số gia đình, cả bố và mẹ đều không có điện thoại thông minh hoặc nhà chỉ có một cái điện thoại, nhưng cả hai con đều cần học online. Do điều kiện như vậy nên đến ngày 18/2, tỷ lệ học sinh của Trường Tiểu học Giang Biên kết nối với các phần mềm học trực tuyến mới chỉ đạt 41%.
Theo Hiệu trưởng Đoàn Thị Kim Thanh, để khắc phục tình trạng này, nhà trường đề nghị giáo viên chủ nhiệm động viên bố mẹ học sinh đưa con đến học nhóm ở nhà những bạn có phương tiện học trực tuyến. Nhà trường cũng sắp xếp lịch giảng vào buổi tối để thuận lợi cho những học sinh có bố mẹ đi làm cả ngày.
Bên cạnh đó, nhà trường sử dụng hình thức giao bài truyền thống qua Zalo hoặc gửi link để bố mẹ các em có thể xem nhờ người thân vào cuối buổi chiều. Một biện pháp nữa được áp dụng hiệu quả ở Trường Tiểu học Giang Biên là đại diện cha mẹ học sinh nhận bài từ giáo viên rồi sao chụp và phát tới từng nhà của các em không có điều kiện học trực tuyến. Với những cách làm linh hoạt như vậy, hơn 800 học sinh của Trường Tiểu học Giang Biên vẫn có thể tiếp cận được với chương trình học trong thời gian dừng đến trường do dịch COVID-19.
Tại Trường Trung học cơ sở Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Vĩnh Bảo), cũng có các biện pháp tương tự để tạo thuận lợi cho học sinh học trực tuyến. Cô giáo Lã Thị Hà, giáo viên môn Ngữ văn, cho biết, việc cài đặt các phần mềm học trực tuyến gây lúng túng cho khá nhiều phụ huynh. Sau khi rà soát vướng mắc, nhà trường sẽ có sự hỗ trợ kịp thời. Trong trường hợp mà gia đình học sinh vẫn chưa kết nối được các phần mềm thì nhà trường sẽ phân công giáo viên đến tận nhà hỗ trợ.
Biến khó khăn thành cơ hội
Ông Đỗ Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng, cho biết, đơn vị đã cấp tài khoản trên phần mềm trực tuyến Microsoft Teams 365 đến toàn bộ giáo viên và hơn 400.000 học sinh các bậc học tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên. Cùng với đó, các nhà trường sử dụng đa dạng các ứng dụng học trực tuyến và các kênh truyền thông xã hội để đảm bảo việc học tập thông suốt, hiệu quả nhất có thể.
Các buổi kiểm tra thực tế của lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tại các trường cho thấy, các thầy, cô rất cố gắng trong sử dụng công nghệ, cha mẹ học sinh cũng đều hết sức tạo điều kiện con em mình học trực tuyến từ việc tạo không gian riêng đến việc đôn đốc, nhắc nhở để các con tập trung học tập.
Theo ông Đỗ Văn Lợi, trong tuần làm việc đầu tiên của năm mới Tân Sửu, thầy và trò các nhà trường đã tiếp cận tài khoản học trực tuyến và ôn bài cũ. Bắt đầu từ ngày 22/2, ngành giáo dục Hải Phòng sẽ tổ chức dạy và học bài mới theo đúng chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng nhận định, giáo dục trực tuyến là xu thế tất yếu bên cạnh phương thức giảng dạy trực tiếp. Do đó, việc dạy học trực tuyến trong thời điểm có dịch COVID-19 sẽ là tiền đề để các nhà trường, thầy, cô giáo, học sinh, cha mẹ các em tiếp cận nhanh chóng với hình thức giáo dục này.
Chị Lê Thị Sen (đường Trần Nguyên Hãn, quận Lê Chân) có 2 con đang học lớp 7 và lớp 3, cho biết, trên lớp trực tuyến giáo viên vẫn điểm danh, chấm điểm, kiểm tra bài cũ như thương lệ nên các con luôn giữ ý thức học tập, làm bài đầy đủ. So với việc học trực tuyến vào năm 2020 thì trong đợt học này cả việc dạy và học đều bài bản, cô cùng trò đã thích ứng nhanh với điều kiện mới.