Lo nghẽn mạng khi xét tuyển trực tuyến đầu cấp

Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyển sinh vào các lớp đầu cấp nhằm nâng cao tính minh bạch trong công tác tuyển sinh, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh và phụ huynh học sinh sẽ là xu hướng sẽ được các địa phương triển khai trong năm học 2015 - 2016. Ở một số địa phương, công việc này đã được lên kế hoạch từ trước đó và nỗi lo lớn nhất hiện nay vẫn là hạ tầng công nghệ thông tin.


Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyển sinh các lớp đầu cấp là một trong những điểm mới của hướng dẫn triển khai nhiệm vụ công nghệ thông tin năm học 2015 - 2016 mà Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) vừa công bố. Trong đó, Bộ đã yêu cầu các Sở GD - ĐT xây dựng mô hình giáo dục điện tử (e - education), trường học điện tử (e - school), với các cấu phần chủ yếu dựa trên công nghệ trực tuyến Internet. Theo đó, các trường cần cung cấp các dịch vụ công trực tuyến phục vụ phụ huynh và học sinh như: Các loại mẫu đơn, (thí dụ như đơn xét tuyển vào lớp đầu cấp và công khai danh sách đăng ký, kết quả xét tuyển), thông báo miễn phí điểm học tập và rèn luyện qua cổng thông tin. Không sử dụng hệ thống nhắn tin thu phí qua điện thoại di động như lâu nay và ứng dụng sổ, sách điện tử, thay vì in ấn.

Xét tuyển trực tuyến sẽ khắc phục được tình trạng xếp hàng như những mùa tuyển sinh vừa qua.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Cường, Trưởng phòng Công nghệ thông tin, Sở GD - ĐT Hà Nội cho biết: Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyển sinh đầu cấp sẽ giải quyết được nhiều tồn tại của tuyển sinh trong những năm gần đây, đặc biệt là với những trường có tỷ lệ đăng ký đông, giải quyết được tình trạng xếp hàng trắng đêm như 4 - 5 năm trước đây, công khai được thông tin rút - nộp hồ sơ để người nhà và thí sinh tiện theo dõi mức điểm cao - thấp, chỉ tiêu tuyển sinh... Sở GD - ĐT Hà Nội đã dự định áp dụng trong mùa tuyển sinh vào tháng 6/2015 ở các lớp đầu cấp. Tuy nhiên, do phần mềm chưa hoàn chỉnh, nếu vội áp dụng ngay sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh, nên chưa áp dụng. Đặc biệt là việc xét tuyển ĐH, CĐ vừa qua cũng là một bài học về hạ tầng công nghệ để Sở rút kinh nghiệm.

Ông Nguyễn Trọng Cường cho rằng: “Để xây dựng hạ tầng thông tin này, Sở GD - ĐT Hà Nội sẽ đứng ra làm đầu mối và tập trung dữ liệu. Do việc này còn liên quan đến việc hộ khẩu và cư trú, nên không thể giao cho các trường thực hiện được. Sau khi Sở hoàn tất phần mềm, dữ liệu, sẽ đưa về các trường. Lúc này, một giáo viên tin học đã được tập huấn sẽ được giao triển khai tại trường. Để có một hạ tầng tốt, Sở GD - ĐT sẽ phối hợp với một số đơn vị uy tín như: Trung tâm dữ liệu Thành phố Hà Nội, Trung tâm điện tử Hanel hoặc các đơn vị uy tín như: FPT, VNPT hỗ trợ về đường truyền”.

Cũng theo ông Nguyễn Trọng Cường, đến nay, các công việc đang trong quá trình hoàn thiện. Dự kiến tháng 1/2016, Sở sẽ tiến hành tập huấn cho các trường.” Điều chúng tôi lo ngại nhất vẫn là hạ tầng để có thể bảo đảm thông tin luôn luôn thông suốt ngay cả lúc lượng người truy cập cao”, ông Nguyễn Trọng Cường nhấn mạnh.

Đại diện phòng Công nghệ thông tin, Sở GD - ĐT Đà Nẵng cho biết: “Việc tuyển sinh đầu cấp từ trước đến nay của Đà Nẵng vốn không quá áp lực và chỉ tập tập trung vào một vài trường có tỷ lệ thí sinh đăng ký đông. Tuy nhiên, việc xét tuyển trực tuyến này cũng giải quyết khá nhiều thủ tục hành chính bấy lâu nay vốn được xem là rườm rà. Sở đã có văn bản hướng dẫn chi tiết tới các phòng GD - ĐT trong việc triển khai công nghệ thông tin. Song song với đó, Sở cũng lên kế hoạch xây dựng phần mềm đảm bảo dữ liệu và hạ tầng công nghệ thông tin”.

Việc triển khai công nghệ thông tin trong tuyển sinh đầu cấp nhằm giải quyết những tồn tại trong tuyển sinh bấy lâu nay. Tuy nhiên, để có một hạ tầng công nghệ thông tin tốt đòi hỏi nhân lực, vật lực và thời gian để địa phương thử nghiệm. Lãnh đạo một số địa phương cho rằng, quan trọng nhất là đường truyền ổn định.

Lê Vân
Họp báo công khai thông tin tuyển sinh vào lớp 6
Họp báo công khai thông tin tuyển sinh vào lớp 6

Sau khi nhận được các phương án tuyển sinh của các trường THCS, Sở Giáo dục và đào tạo sẽ mời các chuyên gia đóng góp ý kiến để chọn ra phương án xét tuyển.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN