Cô giáo Phạm Thị Tố Vui hướng dẫn học sinh khiếm khuyết trong giờ lên lớp. |
Thầm lặng với mong mỏi giúp đỡ, dạy dỗ đàn em thân yêu ở vùng khó khăn, cô là người đầu tiên của tỉnh Long An được đề nghị phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân.
Năm 1990, cô Phạm Thị Tố Vui phải bỏ dở giảng đường đại học, theo gia đình từ Hưng Yên vào định cư vùng biên giới Thạnh Hóa. Tại đây, cô cảm nhận được tình yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ của người dân địa phương. Cũng nơi đây, cô Vui bao giờ cũng canh cánh nỗi buồn bởi những đứa trẻ không được học hành đến nơi, đến chốn vì trường rất xa, phải đi lại bằng xuồng gần nửa ngày và thiếu giáo viên.
Năm 1991, dịp may đến với cô khi Trường Trung học Sư phạm Đồng Tháp Mười chiêu sinh giáo viên dạy nơi vùng sâu của tỉnh và cô trúng tuyển vào ngành. Qua 2 năm được đào tạo nghiệp vụ sư phạm, cô Vui tình nguyện trở về Thuận Bình công tác - nơi mà cô từng ấp ủ ước mơ dạy học sinh.
Cô Vui tâm sự: "Mặc dù khó khăn nhưng học sinh rất chăm học. Chính sự ngây thơ hồn nhiên của các em cộng với tinh thần ham học đã làm cho tôi cảm thấy yêu trường, yêu nghề thêm yêu các em hơn. Do đó, tôi quyết tâm ở lại vì suy nghĩ làm cách nào đó để cho các em biết được kiến thức, biết được chữ và các em tiếp tục được học lên".
Trong suốt quá trình dạy học của mình, cô Tố Vui luôn tự tìm tòi, nghiên cứu và học hỏi kinh nghiệm để tìm ra những biện pháp, phương pháp tạo hứng thú học tập cho học sinh. Cô đã áp dụng một số biện pháp như: Tổ chức dạy và học có hiệu quả, tạo không khí vui vẻ, đoàn kết, thân thiện, cởi mở giữa giáo viên với học sinh, giữa học sinh với học sinh...
Cô luôn quan tâm, dành thời gian uốn nắn, sửa chữa, kèm cặp, động viên khuyến khích các em trong học tập; tổ chức nhiều hoạt động, thay đổi các hình thức dạy học, cuốn hút học sinh tham gia vào các hoạt động học tập cũng như các phong trào thi đua do Trường, Đoàn, Đội phát động. Ngoài giáo dục đạo đức, tác phong, cô còn hướng học sinh phát triển một cách toàn diện.
Đặc biệt, trong lớp có một học sinh bị khuyết tật là em Nguyễn Thị Anh Đào chậm phát triển trí tuệ, cô đã dành nhiều thời gian quan tâm giúp đỡ. Đến nay, việc học và thực hiện nề nếp của Anh Đào có nhiều chuyển biến tích cực.
Nói về cô chủ nhiệm của mình, em Trần Hoàng Nhật Lan, lớp 5 cho biết: Cô Vui rất tận tụy với chúng em. Với những bài học khó trong sách, cô dạy các phương pháp đơn giản và dạy bảng điện tử với những màu sắc dễ hiểu, dễ học bài.
Để phục vụ cho công tác giảng dạy, cô luôn đổi mới phương pháp giảng dạy, đi đầu trong phong trào ứng dụng công nghệ thông tin trong soạn giảng ở nhà trường. Các tiết dự giờ, thao giảng, sinh hoạt cụm đều được cô soạn giảng bằng giáo án điện tử, làm cho các tiết học trở nên phong phú hơn, chất lượng học tập của học sinh được nâng lên.
Đặc biệt, cô đã mạnh dạn áp dụng phương pháp bàn tay nặn bột được tập huấn vào giảng dạy các môn Tự nhiên và Xã hội ở lớp 2,3 và Khoa học ở lớp 4, 5 góp phần làm cho học sinh hứng thú, tích cực học tập, bước đầu có thói quen nghiên cứu khoa học, biết đưa ra các ý tưởng, giả thuyết và tiến hành các thí nghiệm chứng minh và tự rút ra kiến thức, nắm chắc, hiểu sâu, nhớ lâu nội dung bài học.
Cô giáo Phạm Thị Tố Vui (ngoài cùng bên trái) chia sẻ kinh nghiệm sáng kiến trong đồ dùng dạy học với các đồng nghiệp. |
Cô còn thực hiện nhiều đề tài sáng kiến kinh nghiệm, được Hội đồng khoa học cấp huyện, cấp tỉnh đánh giá cao như đề tài “Rèn kĩ năng chia số thập phân - Toán lớp 5”, “ Một số biện pháp nâng cao hiệu quả dạy Tập đọc cho học sinh lớp 5”, “Ứng dụng chương trình PowerPoint trong dạy học một số môn học: Toán, Tiếng Việt, Khoa học - Lịch sử, Địa lý, Đạo đức ở lớp 5”... Đến nay, cô đã thực hiện 12 sáng kiến kinh nghiệm góp phần nâng cao hiệu quả giảng dạy và giáo dục ở một số môn học.
Cô Trần Thị Thu Uyên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thuận Bình, nhận xét: Cô Phạm Thị Tố Vui luôn là người sáng tạo những cái mới và đưa ra những ý kiến nổi bật để đồng nghiệp theo đó hoàn thành nhiệm vụ được giao. Trong những đề tài sáng kiến kinh nghiệm, cô luôn chọn những đề tài mới, tâm huyết tìm tòi, sáng tạo để phổ biến trong toàn trường hoặc ra toàn huyện, tỉnh. Mọi công tác, phong trào cô đều luôn đi đầu, không ngại khổ, động viên những giáo viên gặp khó khăn cố gắng vươn lên.
Với thành tích trong giảng dạy, cô Phạm Thị Tố Vui đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở 13 năm; hai năm liền chiến sĩ thi đua cấp tỉnh. Cô được tặng Bằng khen của Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bằng khen Chính phủ và danh hiệu Nhà giáo Ưu tú vào năm 2012. Đặc biệt, với đóng góp của cô, năm 2017 cô được UBND tỉnh, ngành Giáo dục Long An đề nghị Nhà nước công nhận danh hiệu Nhà giáo Nhân dân.
Theo ông Nguyễn Thanh Tiệp - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Long An, cô Phạm Thị Tố Vui là một giáo viên vùng sâu, vùng xa nhưng cô có nhiều nỗ lực, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở đơn vị trường học nơi cô công tác, được học sinh và phụ huynh rất tín nhiệm.
Nói về cảm nhận của mình, khi được Hội đồng thi đua của tỉnh đề nghị xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, cô Tố Vui, cho biết: "Là một giáo viên công tác ở vùng sâu, vùng xa, tôi cảm thấy rất vinh dự và tự hào được cấp trên quan tâm và đề nghị phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, nên càng thấy trách nhiệm của mình cao hơn. Tôi mong muốn được đem hết tâm huyết của mình để cống hiến cho sự nghiệp giáo dục ở địa phương, nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường".