Chỉ với 370.000 đồng cho 16 buổi học, trên 200 học viên của “Lớp học tiếng Anh vì cộng đồng” do thầy Nguyễn Tự Sánh tổ chức, đã cùng vượt qua chứng “ngại nói tiếng Anh” thật nhanh chóng.Cái tâm của người thầySinh năm 1990, Nguyễn Tự Sánh hiện là giảng viên khoa tiếng Anh trường ĐH Hà Nội (Thanh Xuân, Hà Nội). Từng đạt điểm Ielts 8.0 và là du học sinh Italy với học bổng toàn phần của trường Università degli Studi di Torino (Italy), ngoài dạy ở trường, thầy Sánh đã tham gia đào tạo tại trung tâm riêng trên 50 khóa về phát âm, giao tiếp và hỗ trợ nhiều hoàn cảnh khó khăn, nhưng ham học hỏi.
Thầy Sánh gắn bó với học viên như một người anh lớn. |
Dù đã giúp đỡ được nhiều học viên tại trung tâm của mình, nhưng thầy Sánh luôn trăn trở mong muốn mở một lớp học ít học phí nhất có thể, nhằm tạo cơ hội cho nhiều bạn trẻ nâng cao kỹ năng sử dụng ngoại ngữ. Tháng 9/2014, thầy chia sẻ ý tưởng này đến các học viên ở trung tâm, đồng nghiệp, bạn bè và may mắn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của mọi người. Tháng 10/2014, nhiều học viên của trung tâm tiếng anh PEC, các thành viên dự án tình nguyện “Cơm 3000” đã chung sức giúp đỡ thầy Sánh thực hiện dự án lớp học vì cộng đồng. Trong 15 ngày, 50 tình nguyện viên cùng thầy đã tổ chức 2 đợt tuyển sinh và mở ra chuỗi 10 lớp học cho 200 người.
Chuỗi “Lớp học tiếng Anh vì cộng đồng” gồm ba cấp độ: Phát âm, giao tiếp cơ bản và giao tiếp nâng cao. Trong đó giáo trình “Phát âm” và “Giao tiếp cơ bản” do thầy Sánh và đồng nghiệp phối hợp soạn ra. Ngay từ khi tuyển sinh, thầy đã chú ý phân loại trình độ để sắp xếp học viên theo từng cấp độ, nhu cầu. Đặc biệt đối với nhóm học viên đang đi làm, thầy chú trọng nâng cao kỹ năng giao tiếp cơ bản để họ có thể ứng dụng ngay trong công việc. Lớp học rất coi trọng kỷ luật. Chị Như Nguyệt (phó ban phụ trách dự án) cho biết: “Nếu học viên nghỉ quá 2 buổi hoặc không làm bài tập 3 buổi sẽ không được tiếp tục theo học”.
Một buổi tuyển sinh cho lớp học Vì cộng đồng. |
Sĩ số của lớp học chênh lệch lớn, có lớp dưới 15 học viên và có lớp trên 40 học viên, do các lớp buổi tối thường đông hơn hẳn. Anh Đỗ Hoàng Tú (Tây Hồ, Hà Nội) học viên của lớp Giao tiếp 58 đánh giá: “So với học ở các trung tâm dao động 5 - 7 triệu đồng cho một khóa học, các học viên ở đây chỉ phải đóng 370.000 đồng/khóa học 16 buổi. Hơn nữa, ngoài thầy giáo, các bạn còn được các trợ giảng hướng dẫn tận tình để không còn ngại nói tiếng Anh”. Chỉ qua 3 buổi học, lớp Giao tiếp 58 đã tạo được môi trường sôi nổi, các học viên không sợ sai mà mạnh dạn nói chuyện bằng tiếng Anh để cùng nhau sửa phát âm.
Còn nhiều khó khăn
Khó khăn lớn nhất mà thầy Sánh gặp phải là vấn đề chi phí. Chuỗi 10 lớp học được chia thành 3 địa điểm tại trường THCS Tô Hoàng (Hai Bà Trưng), trường THPT Quang Trung (đường Láng, Đống Đa) và tại số 12 ngõ 36 Triều Khúc (Thanh Xuân, Hà Nội). Anh Mạnh Cường (tình nguyên viên dự án) cho biết: “Chi phí thuê địa điểm khá nặng, ở trường Quang Trung phải thuê 250.000 đồng/ngày, ở trường Tô Hoàng là 230.000 đồng/ngày”. Ở cơ sở trường THPT Quang Trung, dự án đầu tư thêm thiết bị giảng dạy như 2 máy chiếu, 4 bộ loa đài để tạo điều kiện tốt nhất cho học viên học tập. Bên cạnh đó, để đảm bảo chất lượng giáo viên, thầy Sánh chấp nhận mức phí cao hơn để mời những giáo viên tốt đến giảng dạy. Chi phí cho giảng viên cũng từ 300.000 - 500.000 đồng/buổi. Giáo viên của lớp hoàn toàn là người Việt nhưng đều có điểm Ielts từ 7.0 trở lên và có kinh nghiệm giảng dạy.
Xuất thân từ gia đình nông dân, thầy Nguyễn Tự Sánh luôn thấu hiểu những khó khăn mà các học viên phải đối mặt. Bên cạnh việc mở chuỗi lớp học vì cộng đồng, thầy còn thường xuyên dạy tình nguyện ở các trại trẻ mồ côi. Thầy Sánh chia sẻ: “Nếu dự án này thành công, tôi rất muốn mở thêm được các lớp học về tiếng Trung, Nhật, Hàn và công nghệ thông tin cho các bạn trẻ”.
Linh Chi