Lớp học quân dân mang con chữ đến với xóm trọ nghèo

Gần 10 năm nay, lớp học tình thương dành cho con em lao động khó khăn ở huyện Bến Lức (tỉnh Long An) đã mang con chữ, kiến thức cho hàng trăm em nhỏ đang theo cha mẹ ở trọ, không có điều kiện đến trường.

Chú thích ảnh
Giờ học buổi tối của cô Lê Thị Kim Ánh tại lớp học tình thương khu phố 8, thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, Long An. 

Lớp học này nằm trong khu nhà trọ Duy Quý, thuộc khu phố 8, thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, đã hoạt động từ năm 2011 đến nay, đang duy trì nuôi dưỡng ước mơ trưởng thành cho hàng trăm trẻ em là con của công nhân, lao động nghèo.

Mỗi năm, lớp học tình thương này có khoảng 30 – 35 em đăng ký. Sĩ số học sinh dao động khi ba mẹ các em chuyển chỗ làm. Lớp học có 3 buổi, buổi sáng do các tình nguyện viên dạy; buổi chiều do các chú bộ đội biên phòng Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Bến Lức, Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An, phụ trách dạy; buổi tối do cô Lê Thị Kim Ánh (giáo viên trường Tiểu học Thuận Đạo, Bến Lức về hưu) đảm nhiệm.

Em Nguyễn Văn Hải, năm nay 11 tuổi, có 4 anh em cùng học ở lớp học tình thương này. Hàng ngày, ba mẹ đi làm, 4 anh em miệt mài đến lớp. Hải cùng anh trai là Đông 12 tuổi, em gái tên Thơ năm nay 10 tuổi, học lớp 3. Em gái nhỏ nhất tên Hạnh 7 tuổi học lớp 1. Hải cho biết “Con đã học ở đây được 3 năm. Con được học môn Toán, Tiếng Việt. Con rất vui vì được học cái chữ, để giỏi hơn, để thành người tốt, có ích cho xã hội”.

Lớp học tình thương ở khu nhà trọ Duy Quý hoàn toàn miễn phí từ quần áo, đến sách vở cho các em. Tùy vào trình độ, các em được dạy kiến thức từ lớp 1 đến lớp 5, không phân lớp theo độ tuổi vì nhiều học sinh đã quá tuổi mới đi học. Nhiều em ngoài giờ ở nhà phụ giúp ba mẹ việc gia đình, đi bán vé số, còn được đến lớp học chữ nên cảm thấy rất phấn khởi. Gia đình anh Trần Út có 2 con nhỏ. Hai vợ chồng làm thuê, thu nhập mỗi tháng khoảng 5-6 triệu đồng. Tiền thuê nhà và sinh hoạt gia đình, anh chị chỉ đủ cho cháu nhỏ đi học mẫu giáo. Cháu lớn được học lớp tình thương đã giảm bớt gánh nặng cho anh chị. “Vừa chuyển tới đây, được các chú bộ đội giới thiệu có lớp học, chúng tôi vui lắm. Vì bé không phải ở nhà, mà đã được đến trường như bao học sinh khác. Đi học gần nhà tiện đi lại, bé vui lắm, ngày nào về cũng khoe có các chú quân hàm xanh dạy, lại có bạn cùng trang lứa để chơi”, anh Trần Út chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Lới (74 tuổi), chủ khu nhà trọ Duy Quý cho biết, cách đây gần 10 năm, ông xây hàng chục phòng trọ cho người lao động thuê. Thấy trẻ em trong khu trọ không có điều kiện đến lớp, ông rất "xót" cho gia cảnh các công nhân nơi đây. Hình ảnh các em nhỏ nhặt gạch để viết chữ, con số trên nền đất đã lẩn quẩn trong đầu ông. Với suy nghĩ làm sao để những đứa trẻ này được học chữ, lớn lên không sa vào con đường xấu, ông Lới liền dành 1 phòng trọ làm phòng học và may mắn gặp cô giáo Tiểu học vừa nghỉ hưu Lê Thị Kim Ánh.

Chú thích ảnh
Bộ đội đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Bến Lức (Long An) dạy học cho các em.

Năm 2013, bộ đội Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Bến Lức cũng tham gia dạy các em, nên lớp học không còn lo thiếu giáo viên. Với tâm niệm chỉ có học mới tiến bộ được, ông Nguyễn Văn Lới vui vẻ cho biết: “Niềm vui rất lớn của chúng tôi là mỗi ngày thấy các em đến lớp đông đủ. Lớp học không hạn chế các em trong khu nhà trọ hay ở nơi khác đến. Nhiều em lên cấp 2 được vào trường công học tiếp vì lớp học có liên kết với trường Tiểu học Thuận Đạo cấp bằng tốt nghiệp Tiểu học cho các em”.

Thị trấn Bến Lức có nhiều khu công nghiệp - là địa bàn kinh tế trọng điểm của tỉnh Long An. Rất đông người dân từ nơi khác đến đây làm ăn, sinh sống. Số lượng con em nghỉ học, theo gia đình không được đến trường khá đông. Bộ đội Biên phòng cửa khẩu cảng Bến Lức ngoài nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự khu vực cụm cảng, còn phân công 2-3 cán bộ, chiến sĩ tham gia giảng dạy tại lớp học tình thương.

Mỗi khi thấy các em nhỏ đi bán vé số hay ở nhà, các chú bộ đội đều quan tâm, "mời" các em đến lớp học tình thương. Nhiều người lao động mới chuyển đến đều biết lớp học này. “Chúng tôi thấy đây một phần là trách nhiệm tham gia phát triển văn hóa xã hội địa phương, góp phần mang con chữ đến cho trẻ em nghèo khó khăn. Lớp học mang ý nghĩa nhân văn cao. Chúng tôi mong các mạnh thường quân quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ về tinh thần vật chất, nhất là nơi sinh hoạt, học hành cho các em được khang trang hơn, điều kiện đầy đủ hơn”, Thượng tá Chung Văn Hai, Chính trị viên Bộ đội Biên phòng cửa khẩu cảng Bến Lức chia sẻ.

Bài và ảnh: Đức Hạnh (TTXVN)
Những lớp học được đặt tên các hòn đảo thân yêu của đất nước
Những lớp học được đặt tên các hòn đảo thân yêu của đất nước

Thay vì gọi tên các lớp học 6A, 6C, 9A…, thầy cô và trò Trường Trung học Cơ sở Kim Liên, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An đặt tên cho các lớp theo tên những hòn đảo, đá: Sinh Tồn, Nam Yết, Sơn Ca, Vành Khăn, Song Tử Tây… để khẳng định chủ quyền quốc gia Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN