Nền giáo dục Việt Nam đang đứng trước đòi hỏi “Đổi mới căn bản, toàn diện đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” như Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) đã nêu. Để đáp ứng được yêu cầu đó, riêng giáo dục phổ thông đã có quá nhiều việc phải làm. Trong bối cảnh hiện nay, một mâu thuẫn, giống như là bài toán khó, được đặt ra: Cần đổi mới đồng bộ và toàn diện nhưng không cào bằng, không đánh đồng tất cả.
Có nghĩa là từ thực tiễn giáo dục Việt Nam, cần phải suy nghĩ, phân tích để xác định được một số mắt xích trọng yếu - các yếu tố chịu tải căng nhất và có vai trò quyết định chi phối guồng quay của bộ máy giáo dục. Tác động vào mắt xích đó sẽ làm rung chuyển toàn bộ hệ thống, tạo ra sự biến đổi lớn, phát triển nhanh và hiệu quả cao. Với cách nhìn đó, Nghị quyết Trung ương 8 xác định “Đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập là khâu đột phá”.
Những hạn chế đáng kể trong đánh giá, thi cử
Đã có khá nhiều tài liệu tổng kết và nêu lên những tồn tại về đánh giá thi cử của nhà trường phổ thông trong thời gian qua.
Một là: Nhận thức về đánh giá kết quả học tập trên cả hai phương diện lý luận và thực tiễn của nhà trường phổ thông Việt Nam chưa đầy đủ, còn nhiều thiên lệch cần điều chỉnh, cập nhật, nâng cao. Chẳng hạn: Coi đánh giá kết quả học tập của học sinh chỉ là cho điểm, xếp loại và cho lên lớp; giáo viên chỉ chú trọng hoàn thành các đầu điểm kiểm tra theo văn bản của cấp trên, không coi trọng đánh giá để cải thiện kết quả học tập; chỉ chú ý đánh giá kết quả cuối cùng, ít chú ý sử dụng kết quả đánh giá thường xuyên, đánh giá cả quá trình vào cải thiện chất lượng dạy học. Do quan niệm “thi gì, học nấy” nên giáo viên chỉ tập trung vào dạy và đánh giá những gì giúp học sinh đối phó với các kỳ kiểm tra, thi cử. Không hình thành và rèn luyện phương pháp học tập và tư duy, coi nhẹ ứng dụng, nên kết quả dẫn đến tình trạng học tủ, học lệch, học vẹt...
Hai là: Đánh giá kết quả học tập của nhà trường Việt Nam chưa bảo đảm tính khách quan, khoa học. Từ lý luận đến thực tiễn đều cho thấy việc đánh giá kết quả học tập chưa được xây dựng thành một bộ tiêu chí và tính chuyên nghiệp còn rất thấp. Cụ thể, đánh giá còn bị chi phối nhiều yếu tố chủ quan, cảm tính, kể cả định tính lẫn định lượng, nhất là đối với các môn khoa học xã hội. Các hình thức và phương pháp đánh giá còn đơn điệu, chủ yếu là đánh giá tổng kết; trong đánh giá tổng kết chủ yếu là hình thức viết; coi nhẹ các kĩ năng khác, ít chú ý đánh giá thực hành. Ngay cả thi viết thì đề bài cũng chủ yếu yêu cầu tái hiện, sử dụng trí nhớ nhiều hơn là vận dụng và đòi hỏi sáng tạo... Công cụ đánh giá, phương pháp và kỹ thuật xử lý kết quả còn lạc hậu. Nguồn lực phục vụ cho kiểm tra đánh giá vừa thiếu, vừa chưa đồng bộ, làm hạn chế việc áp dụng các hình thức kiểm tra đánh giá hiện đại.
Những hạn chế trên đây là một lực cản đáng kể cho việc thực hiện đổi mới mục tiêu, chương trình và phương pháp dạy học trong nhà trường phổ thông.
Cần mạnh dạn đổi mới
Đánh giá, thi cử là khâu cuối cùng của quá trình dạy và học, nhưng là khâu hết sức quan trọng, nếu không muốn nói là quan trọng nhất trong quá trình ấy. Ở Việt Nam và các nước có nền giáo dục nặng về “ ứng thí” khoa cử, bằng cấp, thì vấn đề đánh giá, thi cử càng cần tập trung chú ý, xem xét.
Thực tế giáo dục các nước cho thấy, nhìn vào nội dung, quy trình và công cụ đánh giá, có thể hiểu và hình dung được chất lượng giáo dục của nước đó. Coi trọng nghiên cứu, đổi mới và đầu tư vào đánh giá là một trong những giải pháp chủ chốt tạo nên thương hiệu của một cơ sở giáo dục, một nền giáo dục.
Hiện trạng đánh giá trong nhà trường phổ thông Việt Nam vừa nêu, dẫn đến những hệ quả rất xấu: Giáo dục chạy theo thành tích, không rèn luyện được tính trung thực; nhiều học sinh phổ thông còn thụ động trong việc học tập; khả năng sáng tạo và năng lực vận dụng tri thức đã học để giải quyết các tình huống thực tiễn cuộc sống còn hạn chế; chưa đáp ứng đầy đủ mục tiêu đặt ra của Luật Giáo dục là "Giúp học sinh phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản, phát triển năng lực cá nhân, tính năng động và sáng tạo...”.
Có thể nói, nếu không đổi mới đánh giá thì mọi cố gắng thay đổi mục tiêu, nội dung và phương pháp dạy học đều không có hiệu quả. Đây chính là lý do tại sao coi đánh giá là một mắt xích trọng yếu. Thay đổi đánh giá sẽ có tác động hết sức lớn vào việc dạy và học trong nhà trường phổ thông. Tuy nhiên, với thực tiễn Việt Nam, khó có thể cùng một lúc thay đổi toàn bộ tất cả mọi phương diện của vấn đề kiểm tra, đánh giá, vì thế cần biết đột phá vào một vài khâu trọng yếu. Trước mắt, cần chú trọng khắc phục hai phương diện sau: Một là, khắc phục và hạn chế vai trò của cảm tính trong đánh giá. Hiện nay đánh giá quá trình và đánh giá trên lớp học chưa được coi trọng, cần phải điều chỉnh.
Nhưng các hình thức này rất dễ bị chi phối cảm tính vì hoàn toàn phụ thuộc vào cá nhân giáo viên. Trước thực trạng đời sống khó khăn của giáo viên, các tiêu cực xã hội dễ chi phối tình cảm yêu ghét, khinh trọng trong đánh giá, nhận xét... Đây là một thực tế cay đắng, không thể không nhìn thấy. Giải pháp ở đây chỉ có thể là một mặt nâng cao đời sống cho giáo viên, mặt khác đề cao, giáo dục lòng tự trọng trong đạo đức làm thầy cùng với các biện pháp quản lí nhẹ nhàng mà hữu hiệu.
Hai là, đổi mới thi cử, tuyển sinh mà trước hết là đổi mới việc ra đề thi, phương pháp xử lí kết quả và sử dụng kết quả. Đây là biện pháp nằm trong tay các cơ quan chuyên môn, quản lý và chỉ đạo dạy học; có nghĩa là hoàn toàn có thể chủ động làm được, đầy tính khả thi. Cần làm rõ cho giáo viên, học sinh, phụ huynh và xã hội biết: Đánh giá, thi cử không chỉ tập trung vào kiểm tra xem học sinh học cái gì (nội dung) mà quan trọng hơn là kiểm tra học sinh đó học như thế nào, có biết vận dụng không (phương pháp học, cách học, năng lực). Định hướng này buộc đề thi không thể chỉ kiểm tra trí nhớ (kiến thức) mà phải yêu cầu vận dụng tổng hợp các tri thức và kỹ năng; coi trọng thực hành, kiểm tra được năng lực sáng tạo...
Đi đôi với việc đổi mới cách ra đề thi - kiểm tra, cần có biện pháp ngăn chặn sự can thiệp thô bạo của các cá nhân hoặc cơ quan hành chính, địa phương vào công tác đánh giá và điều chỉnh kết quả đánh giá, thi cử của nhà trường. Theo chúng tôi, trước mắt hãy cứ làm tốt hai khâu vừa nêu trên. Đề ra nhiều mà thiếu tính khả thi, không thực hiện được hoặc thực hiện không tốt, hệ quả sẽ rơi vào tình trạng chỉ là nói suông, dẫn tới mất nhiều hơn được.
Trong lịch sử phát triển giáo dục Việt Nam, chương trình giáo dục phổ thông hiện hành là một chương trình có nhiều điểm tiến bộ rõ rệt so với các chương trình trước đó. Về lý thuyết, hầu như tất cả các thành tố của một chương trình giáo dục đều đã được chú ý, từ mục tiêu, nội dung, phương pháp đến kiểm tra, đánh giá... Tuy nhiên sau hơn 10 năm triển khai, cho đến nay thực trạng giáo dục vẫn đang đặt ra nhiều vấn đề cấp bách cần khắc phục, cần “đổi mới căn bản, toàn diện”. Dường như nhiều tuyên ngôn rất đúng và hay về mục tiêu, định hướng đổi mới Chương trình và sách giáo khoa phổ thông sau Nghị quyết 40 Quốc hội khóa X (2000) vẫn chưa thực hiện được; nhiều tư tưởng rất tiến bộ nhằm đổi mới phương pháp dạy học chưa được vận dụng trong dạy và học hàng ngày...
Một trong những nguyên nhân chính của tình trạng vừa nêu là do chúng ta chưa thực sự mạnh dạn đổi mới đánh giá, kiểm tra, thi cử. Nói đúng hơn những định hướng tốt đẹp về đổi mới đánh giá vừa qua vẫn mới chỉ là lý thuyết. Mặc dù mấy năm qua, trong thực tiễn việc đổi mới đánh giá đã bắt đầu có những thay đổi theo chiều hướng tích cực, nhưng về cơ bản vẫn nằm trong hệ hình cũ. So với các thành tố mục tiêu, nội dung và phương pháp, phương tiện dạy học; thì kiểm tra, đánh giá là phương diện ít đổi mới và còn nhiều bất cập hơn cả. Không những thế nó còn là vật cản của việc đổi mới phương pháp, nội dung và làm sai lệch cả mục tiêu đề ra ban đầu.
Thế nên, đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá chính là một mắt xích trọng yếu cần đột phá của đổi mới giáo dục phổ thông.
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống