Trong quá trình triển khai, những ưu điểm của mô hình này đã giúp giáo viên và học sinh tích cực, chủ động, sáng tạo trong cách học và dạy, qua đó hạn chế tối đa sự áp đặt hoặc truyền thụ kiến thức một chiều. Song, để mô hình này thực sự hiệu quả cần sự vào cuộc đồng bộ của cả học sinh, giáo viên, phụ huynh và xã hội.
Trường THCS Chu Điện, huyện Lục Nam (tỉnh Bắc Giang) có 26 lớp với 465 học sinh. Năm học 2015 – 2016 trường bắt đầu triển khai mô hình VNEN cho học sinh khối lớp 6 với 111 học sinh ở 4 lớp. Để thuận lợi cho việc triển khai mô hình, trước khi vào năm học nhà trường đã tổ chức tuyên truyền về những ưu điểm của mô hình VNEN tới phụ huynh, giáo viên và học sinh, chuẩn bị diện tích, không gian lớp học; đồng thời, nhà trường còn huy động từ nguồn xã hội hóa để trang trí lớp học, đảm bảo cho yêu cầu học theo mô hình mới.
Không gian lớp học gần gũi, thân thiện, không sắp xếp theo kiểu truyền thống mà được chia thành các nhóm với những cái tên ý nghĩa. Giờ học của nhóm luôn sôi nổi với sự hướng dẫn của nhóm trưởng, giáo viên chỉ là người hỗ trợ, hướng dẫn học sinh tự học theo nhóm, khuyến khích sự sáng tạo của các em. Với những kiến thức khó, cả nhóm cùng trao đổi nên giờ học mang tính tương tác, tạo không khí sôi nổi, thoải mái hơn. Giáo viên có thể thoải mái sáng tạo hơn trong mỗi tiết dạy của mình khiến cho mỗi giờ học không còn khô cứng.
Em Nguyễn Thanh Thảo, lớp 6A Trường THCS Chu Điện cho biết: Được học trong môi trường lớp học thân thiện, có thể thoải mái trao đổi kiến thức với bạn bè; đồng thời, lại được thay nhau hoạt động trong Hội đồng tự quản nên em thấy rất thích thú.
Cô Phan Thị Thu Hằng, giáo viên dạy môn Văn Trường THCS Chu Điện chia sẻ: Học theo mô hình VNEN giúp giáo viên chủ động trong mỗi tiết dạy, có điều kiện phát huy sự sáng tạo trong bài giảng, qua đó gần gũi, thân thiện với học sinh hơn, giáo viên có thời gian quan tâm đến từng đối tượng, hỗ trợ học sinh yếu để bất cứ học sinh nào cũng được hỗ trợ trong quá trình học tập.
Đối với học sinh, ngoài việc tự trang trí, tổ chức không gian lớp học, tổ chức bộ máy lớp học, các em tỏ ra tự tin và chủ động trong việc chiếm lĩnh kiến thức, có kỹ năng làm việc nhóm và chia sẻ những hiểu biết của mình. Đặc biệt là học sinh yếu kém có cơ hội được các bạn khá giỏi giúp đỡ. Qua đó, một tiết học theo mô hình trường học mới thường nhẹ nhàng và sôi động.
Tuy nhiên theo cô Hằng, lớp học đông, không gian lớp học chưa phù hợp, khâu đánh giá học sinh cũng rất vất vả, đặc biệt thầy cô chỉ dạy phần nhận biết trong sách giáo khoa, còn phần vận dụng các bậc phụ huynh phải trợ giúp con em mình, trong khi đó Chu Điện là địa bàn vùng nông thôn, trình độ dân trí chưa cao nên rất khó trong công tác phối hợp giữa phụ huynh và giáo viên, là những khó khăn khi dạy theo mô hình VNEN.
Thầy Đỗ Huy Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Chu Điện cho biết: Thời gian đầu mới áp dụng, nhiều phụ huynh không tin tưởng, tỏ ra nghi ngờ về chất lượng của mô hình. Nhiều giáo viên chưa hình dung được phương pháp mới nên vẫn còn bỡ ngỡ, lúng túng. Qua quá trình vừa dạy vừa tìm tòi, hiện nay giáo viên đã cơ bản nắm được tinh thần của mô hình. Ngoài ra, mô hình VNEN triển khai ở cấp THCS do không có kinh phí, các nhà trường phải chủ động về cơ sở vật chất, sách giáo khoa, phòng học cho học sinh nên dù cố gắng nhưng vẫn còn nhiều thiếu thốn. Nhà trường đã và đang triển khai công tác xã hội hóa để huy động các nguồn lực ủng hộ cơ sở vật chất cho việc triển khai mô hình. Đối với đội ngũ giáo viên, nhà trường cũng quan tâm chọn những giáo viên giàu kinh nghiệm trong giảng dạy, có tinh thần trách nhiệm cao, khả năng truyền đạt tốt để đảm nhiệm việc giảng dạy các bộ môn của lớp 6.
"Tuy còn nhiều khó khăn nhưng với những kết quả bước đầu, năm học 2016 - 2017 Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lục Nam sẽ nhân rộng mô hình VNEN tại hai trường THCS thị trấn Đồi Ngô và trường THCS Tiên Hưng; đồng thời, chỉ đạo 100% các trường THCS trên địa bàn huyện đến thăm quan, học tập, tiếp cận mô hình VNEN ở Chu Điện", Phó trưởng phòng Giáo dục Đào tạo huyện Lục Nam Vũ Thanh Hải cho biết thêm.
Năm học 2015- 2016, Bắc Giang có 14 trường THCS tham gia thí điểm thực hiện mô hình VNEN, trong đó các huyện Yên Dũng, Hiệp Hòa, Việt Yên, Lạng Giang có 2 trường/huyện; các huyện, thành phố Bắc Giang, Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Tân Yên, Yên Thế gồm 1 trường/huyện. Tổng số học sinh tham gia là 1249 lớp, tỉ lệ học sinh trung bình/lớp là 29.
Để mô hình VNEN triển khai thành công và đạt hiệu quả, Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Giang đã hướng dẫn Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố tuyên truyền, phổ biến về chủ trương, giải pháp triển khai mô hình ở cấp THCS cũng như đặc điểm, ý nghĩa của mô hình trong việc triển khai đổi mới giáo dục phổ thông đến từng cán bộ giáo viên và cha mẹ học sinh. Bên cạnh đó, tích cực tham mưu, tuyên truyền với cấp ủy, chính quyền địa phương về mô hình để thực hiện xã hội hóa giáo dục, huy động địa phương, phụ huynh cùng tham gia xây dựng mô hình. Sở Gia dục và Đào tạo tổ chức tập huấn, tham quan, học tập kinh nghiệm từ mô hình VNEN của Lào Cai cho cán bộ quản lí các Phòng Giáo dục và Đào tạo, cán bộ quản lí và giáo viên của 14 trường tham gia thí điểm mô hình. Thông qua các hoạt động kiểm tra, dự giờ và rút kinh nghiệm trực tiếp với giáo viên để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực hiện mô hình, đặc biệt là những khó khăn trong quản lí, chỉ đạo, trong việc khai thác và sử dụng tài liệu, tổ chức các hoạt động dạy học, đổi mới phương pháp.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang Trần Tuấn Nam cho rằng: Để phát huy hiệu quả của mô hình VNEN, cùng với ngành Giáo dục còn cần sự vào cuộc của cả phụ huynh và các cấp, các ngành địa phương. Thời gian tới, Sở tiếp tục nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lí, giáo viên ở tất cả các trường THCS trên địa bàn về mô hình, đặc biệt là đội ngũ cán bộ quản lí; chỉ đạo các trường cần chuẩn bị tâm thế để chủ động thực hiện đổi mới chương trình khi mô hình được nhân rộng ở diện đại trà. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền về mô hình đến nhân dân để tạo sự đồng thuận, góp phần huy động xã hội hóa giáo dục trong thực hiện mô hình. Sở cũng chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo tích cực tham mưu với UBND các huyện, thành phố tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường thực hiện mô hình và lựa chọn, điều động những giáo viên năng động, sáng tạo về công tác tại các trường tham gia thí điểm. Ngoài ra, chủ động xây dựng kế hoạch bồi dưỡng kiến thức liên môn cho giáo viên, nhất là những giáo viên được đào tạo đơn môn trong các trường sư phạm.