Mối lo sau ngày khai trường

Một tuần sau ngày khai giảng, “điệp khúc” tiền trường chất chứa những tâm tư của không ít phụ huynh vẫn lặp lại tại một số trường trên địa bàn Hà Nội. Bên cạnh đó, một số quy định thống nhất vở, đồ dùng của trường chưa được phụ huynh tỏ tường.

Nóng chuyện lạm thu

Sau ngày khai trường và sau ngày họp phụ huynh đầu tiên, những khoản đóng góp được nhà trường thông báo tới từng gia đình. Nhiều bảng danh sách dài dằng dặc các khoản phải đóng, trong đó có những khoản đọc qua đã thấy như “cãi nhau”, nhưng phụ huynh vẫn phải cắn răng đóng góp.

Trường tư, những khoản thu chồng chéo

Trong công văn mới nhất mà Sở GD – ĐT Hà Nội công bố có một mục dành cho các cơ sở GD – ĐT ngoài công lập. Trong đó ghi rõ: “Các cơ sở GD - ĐT ngoài công lập được tự quyết định mức thu học phí, phải thông báo công khai mức học phí cho từng năm học (đối với giáo dục mầm non và phổ thông), công khai cho từng năm học và dự kiến cả khoá học (đối với giáo dục nghề nghiệp) đồng thời phải thực hiện quy chế công khai đối với các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân do Bộ GD - ĐT quy định”.

Những khoản đóng góp đầu năm học đã trở thành một gánh nặng của phần lớn phụ huynh học sinh.


Vì được tự quyết định thu - chi, nên không ít trường tư thục đã đề ra những mức thu khiến không ít phụ huynh băn khoăn.

Một phụ huynh (xin được giấu tên) cho biết, khi cho con (22 tháng tuổi) nhập học vào trường mầm non tư thục Việt Đức (phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội), gia đình chị nhận được bản thông báo về các khoản phí phải đóng trong đầu năm học. Cụ thể, tiền cơ sở vật chất: 500.000 đồng/cháu/năm (mua giường, gối, chăn, màn, thìa, bát...), tiền xây dựng: 450 nghìn đồng/cháu/năm, tiền nhập trường: 200.000 đồng/cháu, học phí: 900.000 đồng/cháu/tháng, tiền học phẩm: 350.000 đồng/cháu/năm (mua đồ dùng, đồ chơi), tiền ăn: 24.000 đồng/cháu/ngày, tiền điện: 50.000 đồng/cháu/tháng, tiền nước: 15.000 đồng/cháu/tháng. Mỗi cháu còn phải mua một bộ đồng phục với giá 125.000 đồng/bộ. Phụ huynh này cho biết: “Chất lượng vải rất xấu, nếu mua ngoài chỉ chừng vài chục nghìn. Do áo phông rộng, váy dài chạm gót chân nên hầu như cháu nhà tôi không bao giờ mặc. Khi thắc mắc với cô giáo thì được giải thích là việc mặc đồng phục do Phòng Giáo dục quy định?”.

Rồi phụ huynh này băn khoăn: “Năm nào phụ huynh cũng phải nộp tiền xây dựng và tiền cơ sở vật chất, trong khi giường, chăn, màn… của các cháu đâu phải năm nào cũng thay”.

Cũng trong bản thông báo nộp tiền, có một số khoản tăng so với năm học trước (như học phí tăng 200.000 đồng/tháng, tiền học phẩm từ 240.000 đồng tăng lên 360.000 đồng/tháng. Nhưng các phụ huynh chỉ biết khi nhận được thông báo nộp tiền. Một số một phụ huynh gửi con tại trường cho biết: “Những khoản thu này tự “cãi nhau”, đã có tiền cơ sở vật chất, sao lại còn tiền xây dựng, lại thêm tiền điện, tiền nước.

Trong buổi trao đổi với báo chí, một người tự nhận là đại diện trường mầm non Việt Đức đã cung cấp danh sách những khoản thu đầu năm học mà học sinh vào trường phải đóng. Trong đó không hề ghi khoản phí xây dựng và đồng phục mà trường đã thu của phụ huynh học sinh. Tuy nhiên, một nhân viên ngồi cạnh đó đã “lỡ lời” đề cập đến khoản xây dựng trường, liền bị vị đại diện trường phủ nhận: “Khối công lập còn không thu tiền xây dựng thì trường tư thục sao thu của học sinh?!”.

Bà Hoàng Thị Kim Phượng, Phó trưởng phòng GD – ĐT quận Long Biên khẳng định: “Phòng GD – ĐT quận không hề chỉ đạo cho các trường may đồng phục cho học sinh bậc mầm non (kể cả khối công lập và tư thục). Trường nào nói với phụ huynh như vậy là hoàn toàn sai.

Đây chỉ là một trong những trường thu những khoản thu khiến phụ huynh còn băn khoăn. Nhiều phụ huynh có con đi học ở trường tư thục cũng chia sẻ rằng mình vẫn phải đóng tiền xây dựng dù “trụ sở trường chính là nhà riêng của hiệu trưởng”. Chị Thanh Hương (phường Ngọc Lâm, quận Long Biên) chia sẻ: “Con nhà mình đầu năm nào cũng phải đóng khoản tiền xây dựng là 1 triệu đồng/năm. Có trường còn gọi khoản thu xây dựng là khoản thu cơ sở vật chất đầu năm”.

Theo tìm hiểu, không ít trường tư thục trên địa bàn Hà Nội đưa ra quy định nộp tiền xây dựng trường. Trong một chủ đề “Trường mẫu giáo tư thục bắt đóng tiền xây dựng đầu năm học” trên diễn đàn www.webtretho.com.vn, một phụ huynh có nickname muadong2005 cho biết, chị có con 27 tháng tuổi đang học ở một trường tư thục trên phố Bùi Xương Trạch, Thanh Xuân, Hà Nội phải đóng khoản xây dựng trường là 500 nghìn đồng/năm. Phụ huynh này thấy bất hợp lý bởi trường phải thuê nhà, thuê giáo viên, và các khoản này đã được tính vào các khoản thu hàng tháng rồi. Còn nickname Hongtrang06 có 2 em học mầm non ở Khu đô thị Linh Đàm thì than thở: Khoản tiền xây dựng trường và tiền đầu năm học mà 2 con chị phải đóng lên tới hơn 10 triệu đồng!

Phụ huynh không được bàn bạc

Ngay đầu năm học, Sở GD - ĐT Hà Nội đã có yêu cầu chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục cũng như các trường phải báo cáo số liệu thu - chi học phí, lệ phí và các khoản đóng góp của phụ huynh học sinh. Theo đó, các trường phải công khai mức học phí được quy định. Đối với những khoản đóng góp được thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh học sinh để thực hiện một số nhiệm vụ thay cha mẹ học sinh trong công tác nuôi, dạy học sinh như: Tiền ăn, tiền chăm sóc bán trú, tiền nước uống... , nhà trường phải thỏa thuận với phụ huynh học sinh về chủ trương, công khai mức thu, nội dung chi đảm bảo nguyên tắc thu đủ bù chi.

Tuy nhiên, tình trạng phụ huynh học sinh không có quyền bàn bạc vẫn diễn ra ở một số trường mầm non. Một phụ huynh (xin được giấu tên) có con đang theo học tại trường ở quận Ba Đình cho biết, tiền hỗ trợ bán trú là 200.000 đồng/tháng - tăng gấp đôi so với năm trước, nhà trường có giải thích do trượt giá. Quỹ hội phụ huynh học sinh của trường là 100.000 đồng - tăng gấp đôi so với năm ngoái. Quỹ hội phụ huynh học sinh của lớp là 300.000 đồng/học kỳ I. Các khoản phụ phí này đã được liệt kê thành danh sách đưa tới từng phụ huynh học sinh trong buổi họp đầu năm và các bậc cha mẹ chỉ việc “tự nguyện” ký.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN