Đây là thông tin được ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ Giáo dục- Đào tạo (GD - ĐT) xác nhận với báo Tin Tức vào chiều ngày 9/5.
Lý giải về việc có sự thay đổi này, ông Mai Văn Trinh cho biết: Xét tuyển chung bằng 1 phần mềm đã được Bộ GD - ĐT thử nghiệm thực tế. Cụ thể, Bộ GD - ĐT đã chủ động xây dựng phần mềm xét tuyển chung và đã chạy thử với dữ liệu giả định. Sau khi có kết quả đăng ký xét tuyển năm 2015, tổ kỹ thuật chạy thử với số liệu thực tế. Kết quả cho thấy xét tuyển chung là hoàn toàn khả thi về mặt kỹ thuật.
Sự mệt mỏi, lo lắng của thí sinh trong ngày cuối rút, nộp hồ sơ xét tuyển đại học đợt 1 năm 2015 liệu có còn lặp lại trong năm 2016, là câu hỏi dư luận đang đặt ra với phần mềm tuyển sinh chung. Ảnh: Quý Trung |
“Theo kết quả thử nghiệm, hình thức này sẽ không ảnh hưởng quyền lợi của thí sinh, mà còn đảm bảo cho thí sinh có thể trúng tuyển vào ngành theo nguyện vọng và phù hợp kết quả thi của mình. Bên cạnh đó, việc xét tuyển chung là giải pháp kỹ thuật hỗ trợ công tác tuyển sinh tốt hơn, mà không vi phạm quyền tự chủ tuyển sinh của các trường. Phương thức xét tuyển đảm bảo công tác tuyển sinh công bằng, minh bạch, đảm bảo chất lượng tuyển sinh dựa trên nguồn lực thực tế của trường. Bên cạnh đó, Bộ GD- ĐT sẽ hỗ trợ các trường thực hiện xét tuyển chung thay vì các trường hay nhóm trường xét tuyển riêng”, ông Mai Văn Trinh khẳng định.
Phần mềm sẽ thực hiện xét tuyển trên một hệ cơ sở dữ liệu đăng ký xét tuyển duy nhất đối với tất cả các thí sinh đã đăng ký xét tuyển. Cơ sở dữ liệu này được quản trị thống nhất, được bảo mật, đảm bảo tính chính xác. Khi có kết quả xét tuyển, thí sinh trúng tuyển vào từng trường sẽ được phần mềm xác định, các trường có thể chủ động tải kết quả xét tuyển về từ hệ thống, giống như việc tải dữ liệu đăng ký xét tuyển về để xét tuyển lâu nay; mà không đòi hỏi gì thêm về hạ tầng công nghệ thông tin ở các trường.
Trả lời báo chí xung quanh những vướng mắc về phương thức này, ông Mai Văn Trinh khẳng định: “Xét tuyển tập trung thực chất là xét tuyển cho một nhóm lớn hơn nhóm GX (nhóm liên kết tuyển sinh do ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trì). Phương thức này hợp lý, bình đẳng và hiệu quả hơn so với việc các nhóm nhỏ và các trường xét tuyển riêng như trước đây. Không cần thiết phải tồn tại GX hay các nhóm xét tuyển khác nữa. Toàn quốc sẽ có một nhóm xét tuyển chung”.
Trước thông tin này, đại diện Trường ĐH Bách khoa Hà Nội - đơn vị chủ trì của nhóm xét tuyển đã được Bộ GD - ĐT phê duyệt đề án cho biết chưa nhận được văn bản chính thức nào từ Bộ GD - ĐT. Ông Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội chia sẻ: Nếu Bộ có chủ trương như vậy thì trường sẽ thực hiện. Trong ngày 9/5 khi biết thông tin, trường đã gửi email cho những trường trong nhóm xét tuyển thông báo về việc tạm dừng thực hiện và chờ chỉ đạo tiếp theo từ Bộ GD - ĐT bằng văn bản. Ông Trần Văn Tớp khẳng định, trường ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ ủng hộ chủ trương của Bộ nhưng với quyết định này nhiều trường sẽ không khỏi bất ngờ.
Theo bà Lê Thị Thu Thủy, Phó Hiệu trưởng ĐH Ngoại thương Hà Nội, trường cũng chưa nhận được văn bản chính thức của Bộ GD - ĐT. Nhưng vì trường đăng ký xét tuyển với nhóm GX với mục đích là “lọc” thí sinh để chống ảo và tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh, nên với việc tham gia vào một nhóm lớn hơn cũng không có gì khó khăn. Nguyên tắc xét tuyển vẫn tuân thủ theo những quy định mà trường thống nhất, dựa trên hai tiêu chí đã nêu ra.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo một số trường đại học thì việc để tất cả các trường tham gia vào nhóm tuyển sinh này phải chăng là Bộ GD - ĐT quá “ôm đồm” việc tuyển sinh của các trường không? Một vấn đề các trường cũng rất lo ngại đó là với 1 phần mềm xét tuyển duy nhất, lại là xét tuyển trực tuyến, thì việc nghẽn mạng có diễn ra như năm ngoái không? Những câu hỏi này vẫn đang chờ Bộ GD - ĐT trả lời trong công văn hướng dẫn sử dụng phần mềm tuyển sinh chung sẽ được ban hành sắp tới.