Trong đợt kiểm tra, giám sát thu chi đầu năm, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhắc nhở các đơn vị không nên ấn định mức thu đối với các khoản thu theo thỏa thuận trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh, không gộp chung quỹ do cha mẹ học sinh đóng góp với quỹ tài trợ do một số mạnh thường quân thực hiện.
Tuy nhiên, trong đợt giám sát vừa qua của Ủy Ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh tại một số trường trên địa bàn TP Hồ Chí Minh về triển khai thực hiện các khoản đóng góp theo quy định và quỹ do ban đại diện cha mẹ học sinh thực hiện, vẫn còn tồn tại các khoản đóng góp ấn định mặc dù thu trên tinh thần tự nguyện.
Theo đó, năm học 2017 – 2018, đại hội ban đại diện cha mẹ học sinh Trường THPT Nguyễn Hiền (quận Tân Bình) quyết định đưa ra mức đóng góp cho quỹ ban đại diện cha mẹ học sinh là 3 triệu đồng/lớp và không cào bằng. Theo đó, ủy quyền cho thủ quỹ nhà trường thu và quản lý, còn thường trực là ban đại diện cha mẹ học sinh quyết định các khoản chi. Riêng quỹ tài trợ, năm nay nhà trường không thực hiện vận động.
Lo sợ phụ huynh không tự nguyện đóng góp, nhiều trường đã đưa ra mức thu chung cho các khoản đóng tự nguyện. |
Lý giải cho việc đưa ra mức đóng góp cụ thể cho từng lớp, thầy Nguyễn Cảnh Tân, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hiền, cho rằng nếu để tự nguyện thì rất khó thực hiện. Theo đó, quỹ được sử dụng cho hành chính của ban đại diện cha mẹ học sinh trường, chi thưởng cho học sinh có thành tích trong học tập, rèn luyện, tham gia các kỳ thi học sinh giỏi...
Tương tự, tại trường THPT Thủ Thiêm (quận 2), nhà trường cũng đưa ra mức thu tự nguyện 300.000 đồng mỗi học sinh. Trong đó, 100.000 đồng là quỹ hoạt động ban đại diện cha mẹ học sinh và 200.000 đồng là quỹ tài trợ trường học.
Theo giải thích của ông Nguyễn Tấn Tài, Hiệu trưởng trường THPT Thủ Thiêm, ban đại diện cha mẹ học sinh ấn định khoản thu nhằm thu đủ chi, bởi nếu tự nguyện thì sẽ có nhiều phụ huynh học sinh không đóng. Riêng đối với các học sinh diện chính sách, các em được miễn đóng góp để giảm khó khăn.
Trước đó, trong buổi làm việc với đoàn khảo sát Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh, báo cáo của trường Tiểu học Nguyễn Thái Học (quận 1) cho biết trong năm học 2017 - 2018, mỗi phụ huynh học sinh phải đóng 250.000 đồng nhằm phục vụ cho công trình hỗ trợ hoạt động dạy học trị giá hơn 164 triệu đồng và công trình hỗ trợ hoạt động giáo dục trị giá 52 triệu đồng.
Theo ông Chu Cao Nguyên, Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh của trường Tiểu học Nguyễn Thái Học, 250.000 đồng là khoản thu thỏa thuận với phụ huynh học sinh, mạnh thường quân trên tinh thần đóng góp tự nguyện nhằm tăng cường cơ sở vật chất trường lớp, hỗ trợ hoạt động dạy học, hoạt động giáo dục tại trường.
Các trường vẫn còn lúng túng trong việc quản lý nguồn quỹ đóng góp tự nguyện của phụ huynh học sinh. |
Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Văn Tú, Phó Trưởng phòng kế hoạch tài chính Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, lưu ý ban đại diện cha mẹ học sinh không nên ấn định khoản thu thỏa thuận khi đã thực hiện trên tinh thần tự nguyện.
Bên cạnh đó, bà Triệu Lệ Khánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, việc đưa ra mức đóng góp cho quỹ ban đại diện cha mẹ học sinh 3 triệu đồng/lớp tại trường THPT Nguyễn Hiền là không được phép, mặc dù mức thu này không cao. Các khoản đóng góp phải hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện, không được quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân và phải đạt được sự đồng thuận của phụ huynh học sinh.
"Trước khi vận động thu thỏa thuận, ban đại diện cha mẹ học sinh phải họp bàn, xây dựng kế hoạch, dự toán các khoản thỏa thuận, sau đó thông tin đầy đủ, chi tiết đến tất cả phụ huynh học sinh rồi tiến hành vận động, tránh trường hợp vận động trước rồi mới dự toán chi. Quỹ của ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ sử dụng chăm lo cho học sinh, không nên chi cho nhân viên giám thị", bà Triệu Lệ Khánh lưu ý thêm.
Kết thúc đợt giám sát, đoàn giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh còn cho rằng, bên cạnh việc ấn định các mức thu tự nguyện vẫn có những trường chưa phân biệt rạch ròi nội dung, mục đích, yêu cầu của Thông tư 55 về điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh và Thông tư 29 về vận động tài trợ, quản lý sử dụng tài trợ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, dẫn đến sử dụng quỹ vận động, tài trợ chưa đúng mục đích.
Trước những thiếu sót này, tại các buổi làm việc, các trưởng đoàn giám sát đều lưu ý ban đại diện cha mẹ học sinh nên nghiên cứu kỹ hai Thông tư này để làm tốt vai trò hơn nữa. Song song đó, nhà trường cũng phải có trách nhiệm giám sát hoạt động thu, chi để đảm bảo công khai, minh bạch, sử dụng đúng mục đích, đạt được sự đồng thuận của phụ huynh học sinh.