Năm học 2011 – 2012: Hướng tới đánh giá năng lực người học

Nội dung giảm tải chương trình phổ thông, các nhóm giải pháp chấn chỉnh tình trạng lạm thu và việc đổi mới công tác thi tốt nghiệp THPT là những điểm mới trong năm học 2011- 2012 được Bộ GD- ĐT công bố hôm qua, 31/8.

Sẽ có hướng dẫn giảm tải trước ngày 5/9

Năm học 2011- 2012, Bộ GD – ĐT sẽ giảm tải chương trình, sách giáo khoa. Cụ thể, sẽ có một lượng kiến thức nhất định, từ lớp 1 đến lớp 12 sẽ không đưa vào chương trình chính khóa dạy (nếu kiến thức trùng với các lớp khác, môn khác), hoặc chuyển thành bài đọc thêm (nếu kiến thức quá sâu, không phù hợp với trình độ nhận thức và tâm sinh lý lứa tuổi học sinh).

Học sinh lớp một Trường Tiểu học Trương Quyền (quận 3, TP.HCM) làm quen với lớp. Ảnh: Phương Vy - TTXVN


Ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD – ĐT cho biết, sau khi công bố dự thảo, Bộ đã nhận được hơn 100 ý kiến của cá nhân, tập thể bày tỏ sự đồng thuận với việc giảm tải chương trình, sách giáo khoa. Dự kiến, trước ngày 5/9 năm nay, Bộ sẽ gửi các sở GD- ĐT công văn hướng dẫn triển khai thực hiện nội dung này.

Việc giảm tải, theo Thứ trưởng Bộ GD – ĐT Nguyễn Vinh Hiển, “chính là tiền đề để xây dựng sách giáo khoa mới theo hướng giảm tải nhằm làm kiến thức tinh giản hơn. Hướng tới đánh giá năng lực người học là chính, chuyển từ cách dạy lĩnh hội kiến thức sang đánh giá năng lực của người học”.

Đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra

Theo dự báo, năm học 2011 – 2012, toàn ngành giáo dục có 3.756.00 trẻ mầm non đến trường; học sinh phổ thông có 15.140.000 em (tăng 288.000 em), trong đó tiểu học là 7.350.000 em (tăng 301.000 em), học sinh THCS 4.960.000 em (giảm 8.300 em), học sinh THPT 2.830.000 (giảm 5.000 em).

Bộ GD – ĐT nhấn mạnh đến vai trò của địa phương và việc đổi mới tổ chức các đoàn thanh kiểm tra của Bộ. Cụ thể, về các vấn đề lạm thu trong trường học, ông Bùi Hồng Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ GD – ĐT cho biết, Bộ đã vạch rõ 3 nhóm giải pháp: Tài chính minh bạch hóa thực hiện thu chi đến người học, gia đình và xã hội; phối hợp chặt chẽ với UBND các địa phương tăng cường chỉ đạo, giám sát. Đồng thời, Bộ cũng tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát để có kết quả thực tế.

Ông Phạm Mạnh Hùng, Chánh Văn phòng Bộ GD – ĐT cho biết, hiện nay các địa phương đẩy mạnh tiến độ thực hiện Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008 – 2012, nhiều trường học được xây mới và đưa vào sử dụng ngay đầu năm học. Đầu tư sửa chữa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên đảm bảo cho năm học mới bằng nhiều nguồn lực khác nhau. Đặc biệt, nhiều tỉnh có kế hoạch xây dựng nhà công vụ tại hầu hết các địa bàn để tạo điều kiện sinh hoạt và công tác của giáo viên trẻ mới ra trường, giáo viên thực hiện luân chuyển. Bên cạnh đó, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã phát hành đến các địa phương 88,3 triệu bản sách giáo khoa. Tặng sách giáo khoa con thương binh, liệt sĩ trong cả nước, mỗi em một bộ sách giáo khoa và 10 cuốn vở, tổng giá trị 13 tỉ đồng.

Còn Thứ trưởng Bộ GD – ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: “Bộ yêu cầu: Với khoản thu phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh, mức thu phải do cha mẹ học sinh quyết định trong cuộc họp phụ huynh đầu năm. Các trường không được dùng khoản thu này để hỗ trợ các hoạt động dạy học và giáo dục, khen thưởng cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường. Bộ sẽ phối hợp với địa phương trong việc thanh tra, kiểm tra vấn đề này”.

Đổi mới trong tổ chức thi tốt nghiệp THPT là một trong những mũi nhọn được quan tâm. Ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD – ĐT cho biết, Cục Khảo thí đang rà soát lại để nắm được điểm mạnh và điểm yếu trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, từ đó đưa ra phương án tổ chức thi trong kỳ thi năm tới. “Giờ này, mới chỉ có thể nói kỳ thi sẽ được tổ chức gọn nhẹ và giảm bớt tốt kém” - ông Trần Văn Nghĩa khẳng định. Bộ đang hoàn thiện mối quan hệ giữa Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp quốc gia và Ban chỉ đạo thi của các tỉnh theo hướng đảm bảo kết nối thông tin. Bộ tiếp tục thực hiện việc phân cấp tới các địa phương để phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các địa phương. Các sở sẽ chủ động việc chấm thi, chấm chéo giữa các tỉnh, đảm bảo chất lượng kỳ thi.

Ông Trần Văn Nghĩa cũng cho biết: Tháng 10/2011, Bộ GD – ĐT sẽ ban hành Quy chế thi học sinh giỏi quốc gia và sẽ có điều chỉnh theo hướng cởi mở và tạo điều kiện hơn cho học sinh so với hiện nay.

Lê Vân

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN