Hội giảng năm nay có sự tham gia của 28 Trường Cao đẳng thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; 83 nhà giáo sẽ trình giảng về 36 nghề, thuộc 8 lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Đây là lần thứ 3 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội giảng nhằm tôn vinh các nhà giáo Giáo dục nghề nghiệp có chuyên môn, nghiệp vụ, có trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức, tâm huyết, yêu nghề, vì sự đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Hội giảng cũng là diễn đàn để các nhà giáo trao đổi, học tập kinh nghiệm, nâng cao trình độ, nghiệp vụ, phương pháp giảng dạy… qua đó, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhằm từng bước xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.
Phát biểu tại Lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam yêu cầu, cùng với việc tập trung đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo có trình độ kỹ năng nghề thành thạo, hiệu quả, các trường nghề cần tiếp tục dành nguồn lực để đầu tư trang thiết bị dạy nghề hiện đại phục vụ rèn luyện tay nghề cho học sinh, sinh viên. Các trường nghề cần hoàn thiện các chuẩn và chuẩn hóa nhà giáo, chú trọng kinh nghiệm thực tiễn và năng lực nghề nghiệp trong kỷ nguyên số, phương pháp dạy học hiện đại, tích hợp các kỹ năng cốt lõi: kỹ năng mềm, kỹ năng số, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị, các trường cần phối hợp, kết nối với doanh nghiệp, với đội ngũ nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề đủ năng lực để cùng tham gia đào tạo. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng lấy người học là trung tâm, khuyến khích học sinh, sinh viên chủ động học tập, nghiên cứu, phát huy tính sáng tạo; đồng thời bồi dưỡng tình yêu nghề, góp phần xây dựng người nông dân thời đại mới, chuyên nghiệp, có kiến thức, kỹ năng và thái độ tích cực đối với các nghề nông nghiệp. Ngoài ra, cần đa dạng hóa các phương thức tổ chức đào tạo linh hoạt, hiệu quả; chú trọng đầu tư các nguồn lực đối với các nghề trọng điểm cấp độ ASEAN và quốc tế.
Qua 3 lần tổ chức, Hội giảng là một hoạt động hết sức ý nghĩa và thiết thực để thực hiện đổi mới, nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngành nông nghiệp, phát triển nông thôn. Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định là một trong ba đột phá chiến lược, là tiền đề quan trọng để nâng cao trình độ sản xuất, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh và bảo đảm phát triển bền vững của ngành. Mục tiêu đến năm 2030, bình quân mỗi năm đào tạo nghề cho khoảng 1,5 triệu lao động nông thôn trên cả nước. Tỷ lệ lao động nông nghiệp được đào tạo đạt trên 70%... nhằm từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến năm 2025 và định hướng tới năm 2030.
Hội giảng diễn ra từ ngày 10-14/9, tại Trường Cao đẳng Lương thực – Thực phẩm (đường Lê Hữu Trác, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng). Trong quá trình diễn ra Hội giảng, Ban Tổ chức cũng tổ chức khu giới thiệu và trưng bày các sản phẩm thực hành, các mô hình giáo dục, sản phẩm khoa học công nghệ, nông sản thực phẩm của các trường và các đơn vị doanh nghiệp hợp tác với các nhà trường...