Đảm bảo hạ tầng công nghệ
Nhiều chuyên gia đã nhấn mạnh, để có thể triển khai dạy và học trực tuyến hiệu quả, việc đảm bảo hạ tầng công nghệ thông tin thống nhất là rất quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp và đáng kể tới tiến độ, chất lượng học tập. Hạ tầng máy chủ, mạng internet, tốc độ đường truyền, băng thông và hệ thống các phần mềm có đáp ứng khả năng truy cập, lưu trữ các nguồn tài nguyên học tập, các dữ liệu phục vụ giảng dạy và học tập hay không sẽ đóng vai trò quan trọng trong nâng cao chất lượng đào tạo trong các trường đại học và cao đẳng khi triển khai phương pháp học tập này.
Theo Thạc sĩ Lê Thị Mỹ An, Trường Đại học An Giang (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), nếu hạ tầng công nghệ được đảm bảo, thông suốt, quá trình dạy và học trực tuyến với sự hỗ trợ của công nghệ truyền thông đa phương tiện, những bài giảng có tích hợp text, hình ảnh minh họa, âm thanh sẽ làm tăng thêm tính hấp dẫn, thuyết phục của bài học. Thông qua đó, người học được sự hỗ trợ nhanh chóng và đầy đủ từ đa dạng kênh, hệ thống tài liệu được lưu trữ trên hệ thống giúp người học có thể truy xuất các thông tin hỗ trợ quá trình học nhanh chóng và đầy đủ. Bên cạnh đó, các chức năng trò chuyện, tương tác với học viên, giảng viên và quản trị viên hệ thống giúp người học giải quyết được nhiều thắc mắc một cách nhanh chóng.
Giáo sư Nguyễn Trọng Hoài, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, cơ sở đào tạo cần quản lý việc sử dụng có hiệu quả hạ tầng công nghệ thông tin, thực hiện bảo mật, bảo trì hệ thống các thiết bị phần cứng, phần mềm để việc sử dụng ổn định, an toàn, hiệu quả, đảm bảo triển khai việc dạy và học trực tuyến được thông suốt. Bên cạnh đó, các trường cần nghiên cứu, phát triển, cập nhật công nghệ mới đáp ứng nhu cầu của người sử dụng thông qua những biện pháp cụ thể như: tổ chức giám sát thường xuyên việc sử dụng hạ tầng công nghệ thông tin. Các cơ sở xây dựng đội ngũ cán bộ quản trị và phát triển phần mềm có trình độ chuyên nghiệp để nghiên cứu, phát triển nâng cấp hệ thống; định kỳ tổ chức đánh giá việc khai thác, sử dụng hệ thống thiết bị phần cứng, phần mềm để kịp thời có giải pháp sử dụng hiệu quả hơn, phù hợp với sự phát triển của công nghệ thông tin và duy trì nguồn kinh phí hợp lý để bảo trì, đầu tư nâng cấp chất lượng hệ thống.
Để nâng cao hiệu quả của việc dạy và học trực tuyến, theo Giáo sư Nguyễn Trọng Hoài cần nâng cao vai trò lãnh đạo của cơ sở giáo dục và người dạy trong giáo dục trực tuyến; tăng cường sự lãnh đạo của cơ sở giáo dục trong việc dạy - học - thi - quản trị trực tuyến; hỗ trợ các chương trình thí điểm giáo dục trực tuyến; phát triển các khóa đào tạo giúp người dạy làm chủ quá trình dạy và học trực tuyến; thúc đẩy các nghiên cứu về giáo dục trực tuyến; tài trợ các trung tâm nghiên cứu về giáo dục trực tuyến và xây dựng các kế hoạch giáo dục trực tuyến tại trường.
Giảng viên và người học đều cần có kỹ năng phù hợp
Khác với phương pháp giảng dạy truyền thống, giảng dạy trực tuyến đòi hỏi giảng viên phải có một số kỹ năng phù hợp, đặc biệt là kỹ năng ứng dụng, tích hợp công nghệ thông tin trong xây dựng, thiết kế bài giảng, chương trình và có kỹ năng tương tác với người học thông qua các thiết bị công nghệ. Từ thực tế giảng dạy, Thạc sĩ Lê Thị Mỹ An, Trường Đại học An Giang (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) lý giải: Vì tương tác giao tiếp ở đây là gián tiếp, chủ yếu thông qua “bàn phím”, sinh viên rất khó hiểu được ý tưởng cũng như cảm xúc của giảng viên khi trao đổi cùng họ. Do đó, tính kiên trì và khả năng đọc suy nghĩ, cảm xúc người khác được đánh giá cao ở những giảng viên giảng dạy trực tuyến. Giảng viên cần có sự sáng tạo và linh hoạt trong cách diễn đạt ngôn từ, hướng tới sự truyền đạt hiệu quả ý tưởng, khơi dậy cảm xúc cho người học. Việc thiết kế chương trình, tài liệu khóa học, xây dựng kịch bản khung khóa học một cách hợp lý.
Cũng theo Thạc sĩ Lê Thị Mỹ An, kỹ năng sử dụng công nghệ và ngoại ngữ thành thạo là một yêu cầu tất yếu đối với giảng viên dạy trực tuyến. Nếu như giảng viên giảng dạy theo hình thức truyền thống chỉ cần am hiểu nắm bắt sử dụng công nghệ ở một mức tối thiểu nào đó là có thể hoàn thành nhiệm vụ, giảng viên giảng dạy theo phương pháp này phải có kiến thức và kỹ năng về sử dụng công nghệ khá thuần thục (ít nhất là với hệ thống vận hành hiện tại), tạo môi trường khuyến khích sự tương tác giữa giảng viên và sinh viên.
Cùng với đó, sinh viên phải đáp ứng kỹ năng về tin học và ngoại ngữ để đảm bảo việc học trực tuyến đạt kết quả cao. Chưa kể, nếu đã học trực tuyến các gói tài liệu học tập không chỉ giới hạn trong những phiên bản Tiếng Việt mà còn được mở rộng ra các trang web và tài liệu nước ngoài. Vì vậy, trau dồi và rèn luyện hai kỹ năng này đối với người học là yêu cầu không thể thiếu khi học trực tuyến. Ngoài ra, sinh viên còn phải rèn thêm các kỹ năng mềm như kỹ năng gợi vấn đề, giải quyết vấn đề, thảo luận nhóm, trình bày, thuyết trình.
Sinh viên Nguyễn Văn Thiện, Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh chia sẻ: Việc học trực tuyến đòi hỏi người học phải có kiến thức nhất định về công nghệ thông tin, đặc biệt là kỹ năng trong việc sử dụng máy tính và khai thác nguồn tài liệu số trên mạng. Kỹ năng này với đa số sinh viên hiện nay là không khó. Bên cạnh đó, với phương pháp học trực tuyến, người học không trực tiếp lên lớp nên chất lượng tiếp thu phụ thuộc rất lớn vào khả năng tự học, tinh thần tự giác, sự linh hoạt chủ động của người học. Với phương pháp này, mỗi sinh viên phải có tính chủ động rất cao trong việc nghiên cứu tài liệu, tích cực tương tác với giáo viên cũng như tương tác với những người học khác để tiếp nhận kiến thức, tích cực tham gia thảo luận. Có như vậy, việc học trực tuyến mới đạt hiệu quả cao.