Đánh giá về thực trạng giao thông, trường Đại học Giao thông vận tải nêu, xu thế phát triển chung của các thành phố lớn trên thế giới bao giờ cũng hướng đến hệ thống giao thông công cộng hiện đại, thuận tiện, đặc biệt là hệ thống đường sắt đô thị. Hệ thống đường sắt đô thị có mật độ chạy tàu cao, năng lực vận chuyển lớn sẽ đáp ứng được căn bản nhu cầu đi lại của người dân khi có sự kết nối giữa các tuyến và với các loại hình giao thông công cộng khác. Hệ thống này đòi hỏi chi phí đầu tư cao cùng với yêu cầu khắt khe về kỹ thuật, quản lý khai thác và vận hành.
Đối với thế giới, hệ thống đường sắt đô thị đã có lịch sử phát triển lâu dài nhưng với Việt Nam do công nghệ đường sắt đô thị còn khá mới mẻ. Hiện nay, Việt Nam đang triển khai một số tuyến đầu tiên tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Với hệ thống này, Việt Nam chưa có kinh nghiệm trong công tác thiết kế, xây dựng, quản lý, bảo trì nên quá trình thực hiện các dự án đường sắt đô thị gặp không ít khó khăn. Đặc biệt việc lựa chọn giải pháp phù hợp với các đô thị ở Việt Nam là một vấn đề phức tạp thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước.
Với tình hình này, công tác đào tạo nâng cao năng lực của đội ngũ nhân sự cho ngành là rất cần thiết, cần có một định hướng đúng đắn từ các cơ quan quản lý nhà nước và sự phối hợp chặt chẽ của các trường đại học để đáp ứng được yêu cầu về nguồn nhân lực cho ngành này trong thời gian tới.