Tối 18/11, sau khi ghi nhận ca mắc COVID-19 tại Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám (thành phố Thanh Hóa), Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Thanh Hóa đã phối hợp với nhà trường khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Lực lượng chức năng đã tổ chức test nhanh kháng nguyên cho toàn bộ giáo viên và học sinh trong trường; lấy mẫu gộp xét nghiệm RT-PCR với 50% giáo viên và học sinh. Đến sáng 26/11, trường đã ghi nhận 29 trường hợp F0; thực hiện chuyển cách ly tập trung 122 trường hợp F1 gồm 3 lớp (5A, 5C, 5D). Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch, nhà trường đã cho toàn bộ học sinh nghỉ học trực tiếp và chuyển sang học trực tuyến.
Cô giáo Dương Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám cho biết, ngay sau khi phát hiện có học sinh dương tính với SARS-CoV-2, từ ngày 19/11, nhà trường cho học sinh tạm nghỉ học và thực hiện cách ly tại nhà. Để bảo đảm chương trình không bị gián đoạn, nhà trường tổ chức cho các em học trực tuyến từ ngày 22/11 cho đến khi có thông báo mới. Những học sinh là F0 được điều trị ở các cơ sở y tế, toàn bộ học sinh F1 ở các khu cách ly đều được học trực tuyến để đảm bảo chương trình, kế hoạch năm học.
“Xác định đây là thời điểm rất khó khăn của cả thầy và trò, nhà trường đặc biệt quan tâm công tác ổn định tâm lý, tư tưởng. Theo đó, thông qua hệ thống tin nhắn edu, Ban giám hiệu nhà trường thường xuyên động viên, chia sẻ cùng thầy và trò ổn định tâm lý, tiếp tục thực hiện phương án dạy và học online đạt kết quả; đặc biệt là với các thầy cô và học sinh đang trong các khu cách ly tập trung. Đến nay, về cơ bản, tâm lý của cán bộ, giáo viên và học sinh ổn định và bắt nhịp với việc học online tương đối tốt...”, cô Dương Thị Thu Hà, Hiệu trưởng nhà trường cho biết thêm.
Liên quan đến ổ dịch tại Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám, các lực lượng chức năng đã truy vết được 249 trường hợp F2, trong đó có 230 học sinh và 19 cán bộ, giáo viên Trường Tiểu học Ba Đình (thành phố Thanh Hóa). Để đảm bảo thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, nhà trường tổ chức cho toàn bộ học sinh là F2 học trực tuyến tại nhà, có 4 lớp đang triển khai hiệu quả và bắt kịp chương trình. Bên cạnh đó, nhà trường chỉ đạo các tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch, nội dung ôn tập, ngân hàng bài tập, đề gửi qua hòm thư điện tử, zalo để học sinh theo dõi nghiên cứu bài học, ôn tập. Giáo viên nhà trường đã linh hoạt sáng tạo trong việc sử dụng các phần mềm, ứng dụng hỗ trợ các hoạt động giáo dục như phần mềm LMS, Zoom... để tổ chức dạy học trực tuyến. Ngoài ra, chủ động phối hợp với phụ huynh học sinh cùng vào cuộc để chương trình đạt hiệu quả cao.
“Đối với các lớp đang tổ chức dạy học trực tiếp, nhà trường nâng cấp độ phòng dịch lên mức cao nhất; phối hợp với Trung tâm Y tế thành phố tiến hành phun khử khuẩn toàn bộ khuôn viên trường vào ngày nghỉ cuối tuần; đồ dùng bán trú, chăn, gối, bát, đũa… được khử khuẩn thường xuyên. Các lớp vận động, huy động nguồn xã hội hóa để trang bị các máy xịt khuẩn và đo thân nhiệt tự động. Thời gian ăn bán trú của học sinh được bố trí linh hoạt để đảm bảo việc giãn cách, tránh tập trung đông người một lúc; việc tuân thủ quy định “5K” được thực hiện nghiêm túc…”, cô giáo Nguyễn Thị Kim An, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ba Đình chia sẻ.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Thanh Hóa, các ổ dịch ở trường học đều là những điểm dịch phức tạp, có tốc độ lây lan nhanh, nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên diện rộng là rất lớn. Từ ổ dịch Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám, nhiều trường học trên địa bàn thành phố Thanh Hóa đã ghi nhận những học sinh, giáo viên có liên quan như Trường Trung học Cơ sở Lý Tự Trọng, Trường Tiểu học Quảng Tâm, Trường Tiểu học Lê Văn Tám, Trường Tiểu học Đông Vệ 2... Trường Trung học Cơ sở Lý Tự Trọng ghi nhận một học sinh dương tính với SARS-CoV-2 (là anh trai của trường hợp F0 tại Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám).
Trước thực trạng trên và nhận định về tình hình dịch bệnh trong trường học, ông Trần Văn Thức, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa cho biết, quan điểm của ngành tại thời điểm này là các đơn vị trường phải linh hoạt trong tổ chức dạy và học; tùy theo cấp độ, ảnh hưởng của dịch có thể thực hiện dạy, học trực tiếp hoặc trực tuyến; hoặc kết hợp giữa dạy, học trực tiếp và trực tuyến. Các nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch phù hợp với thực tiễn và “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” theo tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP.
Ngoài kế hoạch ứng phó với dịch COVID-19 đã triển khai, ngành yêu cầu các cơ sở giáo dục thực hiện thường xuyên việc test sàng lọc COVID-19 đối với học sinh và cán bộ, giáo viên; kích hoạt các tổ giám sát an toàn phòng, chống dịch tại trường học, nhân viên y tế, thành viên tổ giám sát phải chú ý ghi chép đầy đủ nhật ký theo dõi sức khỏe của học sinh, giáo viên, nhân viên trong trường.
Ngành tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm những trường học không tuân thủ, không chấp hành các quy định phòng, chống dịch. Hiện nay, các trường sử dụng hiệu quả thời gian dạy học trực tiếp với phương châm “Dạy chắc, học chắc và bảo đảm tiến độ chương trình”, quyết tâm hoàn thành xuất sắc “mục tiêu kép”, vừa nâng cao chất lượng dạy và học, vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả…