Theo đó, học kỳ 1 của các cấp bắt đầu từ 14/8 đến 31/12/2017 và học kỳ 2 từ 2/1 đến 25/5/2018. Trong đó, học sinh ở bậc tiểu học sẽ có 18 tuần thực học tại học kỳ 1 và 17 tuần thực học ở học kỳ 2, thời gian còn lại dành cho các hoạt động khác. Đối với học sinh ở bậc THCS, THPT và học viên hệ giáo dục thường xuyên có 19 tuần thực học ở học kỳ 1 và 18 thực học tại học kỳ 2, thời gian còn lại dành cho các hoạt động khác.
Để đảm bảo chỗ học cho trẻ đến trường TP Hồ Chí Minh đã đưa vào sử dụng nhiều phòng học mới trong năm học 2017 -2018. |
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, năm học này, thành phố tăng hơn 59.000 học sinh so với năm học trước. Số học sinh tăng nhiều nhất ở cấp mầm non và tiểu học, tập trung tại các quận 12, Gò Vấp, Bình Tân, Thủ Đức và các huyện ngoại thành: Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi. Do đây là khu vực đang trong giai đoạn độ thị hóa nhanh nên tình trạng dân số tăng cơ học cao.
Để đảm bảo đủ chỗ học cho trẻ trong độ tuổi đến trường, ngành giáo dục TP Hồ Chí Minh đã tích cực chuẩn bị cơ sở vật chất, sẵn sàng đón học sinh đến trường. Theo đó, dự kiến số phòng học đưa vào sử dụng trong năm học mới này là 1.479 phòng.
Cùng với việc đưa vào sử dụng các phòng học mới, việc sửa chữa nhỏ và mua sắm trang bị cơ sở vật chất và đồ dùng dạy học cũng đã được triển khai. Cụ thể, đối với các trường thuộc khối quận, huyện đã được cấp hơn 163 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị và hơn 275 tỷ đồng phục vụ sửa chữa nhỏ. Đối với các trường THPT, Trung tâm giáo dục thường xuyên trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh được đầu tư khoảng hơn 25 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị và hơn 60,6 tỷ đồng để sửa chữa cơ sở vật chất.
Trong khi nhiều địa phương tăng mức học phí trong năm học mới thì TP Hồ Chí Minh vẫn giữa nguyên mức thu học phí của các trường công lập cho năm học mới 2017 - 2018.