Số lượng thí sinh vi phạm kỷ luật trường thi vẫn rất cao. Vấn đề biển đảo tiếp tục vào đề địa lý tạo cơ hội cho thí sinh được thể hiện những hiểu biết xã hội và lòng yêu nước.Biển đảo tiếp tục làm nóng trường thiNgày thi thứ 3 của kỳ thi các thí sinh trải qua 2 môn thi địa lý (sáng) và hóa học (chiều). Trong khi đề địa lý được đánh giá là khá dễ, thì đề thi hóa khiến nhiều thí sinh chật vật.
Thí sinh thi môn địa lý tại Cụm thi số 8 - Trường Học Viện Nông Nghiệp Việt Nam. Ảnh: Quý Trung - TTXVN |
Tại địa điểm thi trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội), nhiều thí sinh tự tin bài thi môn địa sẽ được 7 - 8 điểm. Thí sinh Hải Yến (trường THPT Tô Hiệu, Thường Tín, Hà Nội) cho biết: “Đề thi địa năm nay tương đối dễ, nếu nắm chắc kiến thức là có thể hoàn thành được bài thi. Phần cuối đề thi với câu hỏi về biển đảo và nhà máy thủy điện là nội dung khá khó, tuy nhiên do trước đó khi ôn thi em đã chú trọng câu hỏi biển đảo, nên em tự tin là mình làm được. Cô giáo của em cũng khuyên là nên xem nhiều chương trình thời sự để có những kiến thức xã hội vận dụng vào bài thi. Em nghĩ với bài thi này điểm của em sẽ tốt”. Còn tại điểm thi trường ĐH Khoa học tự nhiên, thí sinh Trần Thị Tuyết Nhung (THPT chuyên Biên Hòa, Hà Nam) lo lắng: "Câu cuối về biển đảo rất hay và mang tính thời sự, đề bám sát thực tế và chương trình học, nên em nghĩ sẽ nhiều bạn đạt điểm cao".
Ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục khảo thí và kiểm định chất lượng, Bộ GD - ĐT cho biết: Trong buổi thi môn địa lý, tổng số thí sinh đăng ký dự thi: 7.631; tổng số thí sinh dự thi: 2.156, đạt tỷ lệ: 98.59%. Còn ở môn hóa, tổng số thí sinh đăng ký 460.895, tổng số thí sinh dự thi 452.149. Tổng số thí sinh bị kỷ luật của cả hai buổi thi: 188, trong đó khiển trách: 14; cảnh cáo: 7, đình chỉ 167. Và không có cán bộ coi thi nào bị kỷ luật. |
Với tâm trạng phấn khởi, thí sinh Minh Đức học sinh Trung tâm Giáo dục thường xuyên Hóc Môn, dự thi tại điểm thi trường ĐH Công nghiệp TP Hồ Chí Minh (Gò Vấp) chia sẻ: Đề thi môn địa lý tương đối dễ, có khoảng 80% số câu hỏi chỉ cần nhìn vào Allat, vận dụng kiến thức từ bên ngoài là có thể làm bài được, chỉ có 20% là những câu học thuộc bài. Riêng ở câu 4 chứng minh nước ta có điều kiện tự nhiên phát triển ngành kinh tế biển và giải thích tại sao khai thác tài nguyên biển có ý nghĩa trong việc phát triển kinh tế biển và bảo vệ Tổ quốc, thì đòi hỏi thí sinh bên cạnh những kiến thức trong sách vở đã được học, còn phải biết vận dụng kiến thức xã hội đặc biệt là theo dõi về tình hình thời sự. Đối với em câu này không quá khó vì em sinh ra ở miền sông nước, nên em biết được tầm quan trọng của khai thác tài nguyên biển. Với đề địa này em nghĩ mình làm khoảng 80%, đây là môn thi em xét tuyển vào đại học”.
Với môn hóa học, ghi nhận tại điểm thi trường ĐH Bách Khoa (Hà Nội), sau khi kết thúc thời gian làm bài, nhiều thí sinh ra về với tâm trạng, không được vui vẻ, hồ hởi như buổi thi sáng. Tuy nhiên vẫn có những thí sinh tỏ ra khá tự tin. Thí sinh Ánh Dương (học sinh trường THPT Việt Đức) cho biết: “Em thấy đề thi hóa có sự phân loại rõ, nửa đầu là những câu hỏi dễ dành cho các bạn có sức học trung bình khá, còn ở nửa sau, câu hỏi khó hơn nhiều để học sinh giỏi thể hiện khả năng tư duy của mình. Em tự tin mình làm tốt 80% bài thi này”. Còn thí sinh Vũ Văn Chức (điểm thi ĐH Thủy Lợi) nhận định: "Em làm bài tạm ổn, được khoảng 60%, đề thế này là dễ hơn so với các năm trước em làm, vừa sức và ít câu đánh đố thí sinh, nói chung rất dễ để được từ 6 - 7 điểm".
Dễ hơn đề minh họaĐánh giá về đề thi địa lý, cô Phùng Thanh Thảo, tổ trưởng tổ Xã hội, trường THPT Anhxtanh Hà Nội cho biết: “Đề thi đáp ứng được các yêu cầu của đổi mới, hợp lý cả về kiến thức và kỹ năng, thích hợp để xét tốt nghiệp và xét tuyển vào đại học. Đề có cấu trúc như đề thi minh họa, nhưng được sắp xếp lại, rõ ràng mạch lạc hơn. Câu 1, kiến thức nằm hoàn toàn trong SGK, thí sinh không cần phải tư duy để trả lời. Câu 2, câu trả lời dựa hoàn toàn vào Atlat, các em chỉ cần thành thạo kĩ năng đọc bản đồ đã có thể trả lời rất dễ dàng và đây là câu “ăn điểm” tuyệt đối cho các em. Phần đề về biển đảo là vấn đề xã hội đang rất quan tâm. Bên cạnh đó bảo vệ biển đảo đã được ra trong đề thi môn văn học nên đây là nội dung không gây bất ngờ cho các em và dễ dàng cho các em “ăn điểm”.
Còn thầy Nguyễn Thành Sơn, tổ trưởng tổ Hóa, trường THPT Anhxtanh Hà Nội cho biết: “Đề thi hóa có 60% câu hỏi lý thuyết, 40% bài tập tính toán. 30% các câu hỏi thuộc chương trình lớp 10, 11 và 65% câu hỏi thuộc chương trình lớp 12. Trong đó 30 câu đầu (chiếm 60%) rất dễ, chỉ yêu cầu kiến thức cơ bản, nhìn qua có thể làm được ngay nên học sinh trung bình dễ dàng đạt 5 - 6 điểm. 20% còn lại có mức độ khó tăng dần đáp ứng được yêu cầu phân hóa cho mục đích tuyển sinh đại học, trong đó có 5 câu câu hỏi thực sự khó khiến học sinh mất nhiều thời gian để tìm được hướng giải. Với đề thi này, học sinh khá có thể được 8, 9 điểm, nhưng điểm 10 sẽ khó khăn.
“So với đề minh họa thì các câu cơ bản dễ hơn. Phần bài tập có độ khó tương đương. Đề thi đáp ứng được hai yêu cầu tốt nghiệp và xét tuyển đại học”, thầy Sơn đánh giá.