Ngày thứ hai của kỳ thi THPT Quốc gia:

Số thí sinh vi phạm quy chế tăng đột biến

Bước vào ngày thi thứ hai kỳ thi THPT quốc gia 2015, hơn 1 triệu thí sinh trên cả nước làm bài với hai môn thi ngữ văn và vật lý. Nhiều thí sinh có tâm trạng thoải mái sau khi kết thúc, hình ảnh người lính Trường Sa, Hoàng Sa, hội chứng vô cảm được đưa vào đề thi văn đã tạo nhiều cảm hứng cho các em.

334 thí sinh vi phạm

Kết thúc ngày thi thứ hai, số thí sinh vi phạm quy chế thi tăng đột biến so với ngày đầu tiên. Lỗi vi phạm chủ yếu do mang điện thoại di động vào phòng thi.
Tại cụm thi ĐH Sư phạm Hà Nội, tỷ lệ thí sinh đến dự thi môn văn đạt 98,62%. Cuối buổi thi có 26 thí sinh bị đình chỉ thi, tăng vọt so với ngày đầu tiên.

Những vấn đề thời sự vào trong đề thi tiếp tục tạo sự hứng thú cho thí sinh. Ảnh: Lê Vân


Ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD – ĐT cho biết: Kết thúc môn ngữ văn, tổng số thí sinh đăng ký dự thi là 9,013 em; tỉ lệ thí sinh dự thi đạt 99.03%. Số thí sinh bị kỷ luật là 320, trong đó khiển trách là 9 em; cảnh cáo 13, đình chỉ 298. Kết thúc môn vật lý, tổng số thí sinh đăng ký dự thi là 471.394 em; trong đó 98.26% đến thi. Số thí sinh bị kỷ luật là 14, đình chỉ 14 em. Như vậy, tổng số thí sinh vi phạm ngày thi thứ hai 334 thí sinh, gấp hơn 7 lần so với ngày thi đầu tiên. Những thí sinh này vừa không được tốt nghiệp và không được xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.

Thông tin từ Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia cho biết: Tính đến thời điểm kết thúc môn văn chưa có sự cố đáng tiếc nào xảy ra. Qua phản hồi từ nhiều điểm thi thì đề thi văn được đánh giá là hay và có độ phân hóa tốt. Đường dây nóng của Ban chỉ đạo thi thì cũng đã nhận một số cuộc gọi nhưng không phải là những vấn đề bất thường mà chủ yếu là các cuộc gọi chia sẻ về công tác thi cử.

Nhiều vấn đề thời sự vào đề thi

Thí sinh tại hai điểm thi lớn của cả nước là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều có chung nhận định: Đề thi năm nay có nội dung vừa sức, không bắt thí sinh phải học thuộc lòng nhiều không thách đố và cho các em cơ hội thể hiện sự sáng tạo trong tư duy. Bên cạnh đó phần nghị luận xã hội và phần bài đọc đều đề cập đến những vấn đề rất gần gũi với học sinh.

Tại điểm thi ĐH Bách Khoa (Hà Nội), thí sinh Phương An (học sinh trường Hoàng Văn Thụ, Hà Nội) nhận xét: “Đề thi năm nay mang tính thời sự cao, câu hỏi nghị luận xã hội về kỹ năng sống khá khó, nên em không lấy được nhiều dẫn chứng thực tế lắm. Những vấn đề thời sự vào trong đề thi văn không còn xa lạ nữa, đây cũng là một phần khiến bài thi của em thêm đầy đặn khi thể hiện cái nhìn của mình về vấn đề thời sự”.

Những thí sinh đầu tiên rời khỏi phòng thi tại điểm thi ĐH Bách khoa Hà Nội.


Cùng chung tâm trạng với thí sinh ở Hà Nội, nhiều thí sinh tại một số địa điểm thi như ĐH Quốc Gia TP Hồ Chí Minh, ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh, ĐH Sài Gòn cho biết khá thích thú với những vấn đề đặt ra trong đề thi môn ngữ văn.

Tại hội đồng thi trường ĐH Sài Gòn, khi vừa hết 2/3 thời gian, nhiều thí sinh đã nộp bài về sớm. Thí sinh Cao Thị Hoài, Trung tâm Giáo dục thường xuyên Quận 6, thi tại Hội đồng thi ĐH Sài Gòn cho biết: “Em thích nhất câu 4 trong phần I hỏi về tình cảm của chúng em với người lính đảo. Đây là câu hỏi hay, tạo nhiều hứng thú cho em khi làm bài. Câu hỏi đã giúp chúng em thể hiện tình cảm thương mến với những lính ngày đêm canh giữ biển đảo của Tổ quốc. Em thật sự cảm động về sự hy sinh cao cả của người lính”.

Chia sẻ về đề thi ngữ văn, thầy Nguyễn Phi Hùng, Tổ trưởng Tổ Văn, trường THPT Anhxtanh Hà Nội cho biết: “Cấu trúc đề thi giống với đề thi minh họa của Bộ GD- ĐT nên không gây bất ngờ cho thí sinh. Nội dung đề thi không giới hạn trong phạm vi kiến thức sách giáo khoa, mà chú trọng đến kỹ năng đọc hiểu văn bản, làm văn và hiểu biết xã hội của học sinh. Đề thi đã thể hiện được rõ định hướng của Bộ GD - ĐT, chuyển từ kiểm tra kiến thức sang đánh giá kỹ năng. Cách ra đề này hạn chế được cách học vẹt, học tủ, khuyến khích học sinh thể hiện quan điểm, ý kiến cá nhân trước các vấn đề xã hội”. Cũng theo thầy Hùng, với đề thi này, học sinh chăm học và nắm chắc kỹ năng, kiến thức có thể đạt điểm 6, 7; điểm giỏi có thể sẽ nhiều hơn năm ngoái.

Với đề vật lý, thầy Đào Tuấn Đạt, trường THPT Anhxtanh Hà Nội cho rằng đề thi có tính phân loại rõ rệt: “Đề thi có 40% các câu hỏi lý thuyết, 60% là bài toán. Các câu hỏi lý thuyết và bài toán rất dễ, chỉ cần áp dụng một phương trình vật lý và chỉ cần qua một vài phép biến đổi toán học đơn giản có thể tìm ra đáp số. Học sinh trung bình có thể dễ dàng được 5- 6 điểm.

“Có khoảng 10% các câu hỏi thật sự là “thách thức” với học sinh, chỉ dành cho những em thực sự giỏi”, thầy Đạt nhấn mạnh.

Theo thầy Đạt, đề thi như vậy là hợp lý cho cả hai mục đích xét tốt nghiệp và xét tuyển vào đại học.
Lê Vân
Cơm miễn phí 'tiếp sức' cho sĩ tử mùa thi
Cơm miễn phí 'tiếp sức' cho sĩ tử mùa thi

Để giảm bớt chi phí sinh hoạt cho sĩ tử và người nhà, tại các địa điểm đã xuất hiện hàng chục điểm phát cơm miễn phí của Câu lạc bộ Cơm 5.000 đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN