Học sinh lớp 12, trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) trong giờ thực hành môn Vật lý. Ảnh: Quý Trung/TTXVN |
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 là một kỳ thi có nhiều đổi mới, đặc biệt trong việc áp dụng 8/9 môn thi theo hình thức trắc nghiệm. Điều này, cũng gây nên nhiều xáo trộn cho giáo viên và học sinh tại các trường trung học phổ thông ở Nghệ An trong quá trình dạy và học.
Từ sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo chuyển từ hình thức thi tự luận sang hình thức thi trắc nghiệm đối với các môn thuộc tổ hợp môn thi khoa học xã hội (bao gồm sử, địa, giáo dục công dân), số lượng thí sinh đăng ký các môn này ở Nghệ An cao hơn những năm trước.
Em Trần Thị Quỳnh Anh, học sinh lớp 12 C3 cho biết: “Ngày trước, học sinh thường ngại không chọn các môn thi xã hội vì phải học thuộc nhiều. Bây giờ, nếu thi theo trắc nghiệm, các môn xã hội có thể dễ hơn vì nếu không thuộc bài, học sinh có thể tự suy theo hiểu biết. Trong khi đó, các môn tự nhiên lại đòi hỏi kết quả chính xác, khó ăn điểm”.
Trong khi học sinh đang khá hào hứng với hình thức thi mới thì giáo viên và các nhà trường vẫn đang phải "đau đầu" với cách dạy và cách học theo hình thức trắc nghiệm, nhất là khi điểm thi của các môn này chưa được như kỳ vọng.
Cô giáo Nguyễn Thị Thu Huyền - giáo viên dạy bộ môn lịch sử của lớp 12C1, Trường THPT Nam Đàn 2 cho biết, trong kỳ thi thử vừa rồi, dù là lớp chọn nhưng chỉ khoảng 60% học sinh đạt điểm trên trung bình, số em đạt điểm 7,8 chỉ chiếm số lượng rất nhỏ. Đưa ra lý do, cô nói: "Dù đã triển khai dạy học theo hình thức trắc nghiệm hơn 1 học kỳ, nhưng chúng tôi vẫn còn nhiều khó khăn bởi chưa có nhiều tài liệu tham khảo. Học sinh còn nhiều lúng túng trong cách làm bài, phân bố thời gian hợp lý.
Chúng tôi phải tự nghiên cứu đề thi minh họa, lên đề cương cho các bài học và tập ra đề thi theo hình thức mới cho học sinh làm. Thường thì với các câu hỏi nhận biết, thông hiểu thì không quá khó vì kiến thức ở trong sách giáo khoa. Nhưng với câu hỏi vận dụng và vận dụng cao thì không dễ dàng vì ra câu hỏi nhưng cần phải có đáp án chính xác…".
Từ năm học này, để giúp học sinh làm quen với cách thi mới, các bài kiểm tra và bài thi học kỳ I của Trường THPT Nam Đàn 2 đều được thi theo hình thức trắc nghiệm. Kết quả đánh giá cuối học kỳ chỉ có 242/396 em có bốn môn thi đạt từ điểm 5 trở lên.
Qua năm đầu tiên thi theo hình thức trắc nghiệm, thầy giáo Lê Văn Quyền – Phó Hiệu trưởng trường THPT Nam Đàn 2 cho biết: "Việc thi theo hình thức trắc nghiệm giúp chúng tôi đánh giá học sinh thực chất hơn, hạn chế được tình trạng học sinh quay cóp. Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Một phần bởi giáo viên chưa có nhiều kinh nghiệm, đặc biệt là trong cách ra đề. Học sinh thì còn tâm lý chủ quan, cho rằng thi trắc nghiệm dễ ăn điểm. Từ kết quả này, nhà trường cũng đã phân tích những mặt yếu, mặt mạnh và đã thống nhất điều chỉnh cách dạy học theo hướng không chỉ tập trung kiến thức trọng tâm mà còn nâng cao kỹ năng làm bài cho học sinh.
Nhà trường cũng yêu cầu giáo viên cần tăng cường đổi mới phương pháp và hình thức dạy học, áp dụng các phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực, đổi mới nội dung, phương thức kiểm tra, đánh giá theo hướng kết hợp tự luận và trắc nghiệm khách quan. Từ đó, giúp học sinh trang bị được kiến thức, kỹ năng một cách vững chắc; vận dụng kiến thức, kỹ năng một cách linh hoạt, sáng tạo".
Tại trường THPT Lê Hồng Phong, huyện Hưng Nguyên, kết quả thi cuối học kỳ 1, năm học 2016 – 2017 cũng thấp hơn so với dự kiến. Tuy nhiên, đón nhận thông tin này, ban giám hiệu nhà trường không lấy đó làm buồn. Ngược lại, điều đó đã giúp giáo viên và học sinh nhà trường nhìn nhận đúng thực tế để nỗ lực, cố gắng hơn trong thời gian tới.
Nhìn lại 5 tháng dạy và học theo hình thức mới, thầy giáo Trương Tô Hoài, giáo viên dạy Địa lý của trường THPT Lê Hồng Phong cho biết: “Riêng với môn địa, trước đây, quá trình dạy có từng chủ đề, chủ điểm riêng, học sinh có nhiều câu rất dễ ăn điểm, đặc biệt là các câu hỏi liên quan đến kỹ năng. Hiện kiến thức trải dài, đòi hỏi học sinh phải đọc nhiều, học nhiều, khi làm bài phải biết phân bổ thời gian hợp lý, khó có thể khoanh vùng để học tủ”.
Trường THPT Lê Hồng Phong năm nay có 287 học sinh lớp 12; trong đó có 2/3 học sinh thi để xét vào các trường đại học, cao đẳng. Theo cô giáo Hồ Thị Hà, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lê Hồng Phong, để giúp học sinh ôn thi hiệu quả, ngay từ đầu năm nhà trường đã phổ biến cho phụ huynh, học sinh về những nét mới của Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017. Đồng thời, cũng giúp các em hướng nghiệp và chọn, ôn thi các môn phù hợp với năng lực.
Quá trình dạy học, nhà trường chủ trương bám sát chương trình sách giáo khoa. Bên cạnh đó, tổ chức dạy nâng cao đối với những học sinh dự kiến thi để lấy kết quả vào các trường đại học và phụ đạo thêm cho những học sinh trung bình yếu. Đây là năm đầu tiên thi theo hình thức trắc nghiệm nên nhà trường bên cạnh dạy kiến thức còn dạy các em thêm kỹ năng làm bài, tổ chức nhiều kỳ thi thử để các em làm quen với cách thi mới…
Thực tế cho thấy, với học sinh lớp 12 việc thay đổi hình thức thi mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra trong năm 2017 là khá gấp. Vì vậy, thời gian qua tất cả các trường phổ thông ở Nghệ An đang cố gắng tìm các phương án dạy và học sát chương trình và đúng đối tượng để học sinh có đủ kiến thức và kỹ năng bước vào kỳ thi. Mặc dù vậy, vì đây là năm đầu tiên thi theo tổ hợp môn thi (khoa học xã hội và khoa học tự nhiên), năm đầu tiên thi theo hình thức trắc nghiệm (toán, lịch sử, địa) và cũng là năm đầu tiên đưa môn giáo dục công dân vào môn thi nên quá trình chuẩn bị gặp không ít khó khăn.
Phổ biến nhất là chưa có nhiều tài liệu tham khảo, đề thi minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra chưa bao quát hết chương trình nên giáo viên gặp nhiều bỡ ngỡ khi ra đề. Về phía học sinh, để đáp ứng yêu cầu của hình thức thi trắc nghiệm, ngoài việc cố gắng bao quát kiến thức, học sinh còn phải làm quen với kiểu đề mới và học các kỹ năng làm bài nhanh nên còn nhiều lúng túng.
Thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cũng đã có nhiều văn bản hướng dẫn cho các nhà trường tổ chức dạy và học cho học sinh lớp 12 trong năm học 2016 – 2017, trong đó yêu cầu các nhà trường dạy học đủ chương trình, đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng. Đồng thời, tổ chức dạy học và ôn tập phù hợp đúng với đối tượng, mục đích thi của học sinh, chú trọng phương pháp học, ôn tập và rèn luyện kỹ năng làm bài theo đặc thù của từng môn thi. Cùng với đó, tăng cường công tác biên soạn câu hỏi, bài tập có nội dung, hình thức phù hợp với kỳ thi THPT quốc gia để sử dụng trong quá trình dạy học, kiểm tra tra đánh giá; xem xét đánh giá tài liệu tham khảo để có ý kiến tư vấn học sinh phù hợp. Quá trình triển khai không tạo ra áp lực, căng thẳng, tốn kém cho phụ huynh và học sinh.