Mỗi cấp học một mô hình
Là huyện đồng bằng nhưng hiện nay qua khảo sát huyện Nghi Lộc vẫn có 25% học sinh trên địa bàn chưa có phương tiện học trực tuyến. Huyện đang tiến hành tuyên truyền vận động các lực lượng xã hội quan tâm hỗ trợ bổ sung các thiết bị học trực tuyến cho các học sinh, đặc biệt là đối tượng học sinh nghèo, cận nghèo. Trước mắt, đối với những học sinh không có phương tiện học trực tuyến, ngành Giáo dục huyện cũng lên phương án mặc dù các em ở nhà nhưng vẫn được tham gia vào việc học tập. Đó là các thầy cô giao phiếu học tập đến từng học sinh; hướng dẫn các em tự học, tự ôn ở nhà; giao dữ liệu, tài liệu học tập cho các phụ huynh học sinh; hướng dẫn các em học trên kênh truyền hình và có phương án dạy bù cho các em khi có điều kiện dạy học trực tiếp.
“Dạy học trực tuyến không phải là một giái pháp tình thế mà là giải pháp hỗ trợ việc học lâu dài, bởi vậy mỗi thầy cô giáo xem đây là động lực để tự đổi mới cả nội dung lẫn phương pháp dạy học trực tuyến cho các học sinh. Trên cơ sở tính tự chủ, sáng tạo của mỗi giáo viên để biến mỗi tiết dạy học trực tuyến thành quá trình hướng dẫn tự học và các em tham gia việc học có sự tương tác thân thiện, nhẹ nhàng giữa cô – trò”, Trưởng phòng Giáo dục và đào tạo huyện Nghi Lộc Nguyễn Văn Thông cho biết.
Là địa bàn ven biển, nhiều người dân làm nghề ngư nghiệp nên nhiều gia đình trên địa bàn Thị xã Cửa Lò chưa có phương tiện học trực tuyến. Bởi vậy, việc đảm bảo tính đại trà và kiếm soát chất lượng dạy học trực tuyến hết sức bất cập.
Theo Phó phòng Giáo dục và đào tạo Thị xã Cửa Lò Nguyễn Thị Bình Minh, hiện các nhà trường chủ động xây dựng các phương án dạy học đối với các phụ huynh, học sinh không có trang thiết bị học trực tuyến để học sinh không “đứt gãy” mạch kiến thức như in phiếu bài tập, giao phiếu bài tập đến các học sinh; tổ chức các nhóm đôi bạn cùng tiến... Riêng với đối tượng học sinh lớp 1 và lớp 2, Phòng Giáo dục đã tập huấn cho giáo viên các nhà trường các phần mềm ứng dụng dạy học trực tuyến, lập thành các phòng học để phụ huynh làm quen, tiếp cận và phối hợp với giáo viên cùng hướng dẫn các con tiếp thu bài học.
So với nhiều địa phương khác trên cả tỉnh, Kỳ Sơn là huyện khó khăn nhất với nhiều đặc thù riêng, bởi vậy việc triển khai dạy học online cũng có nhiều bất cập. Thực tế, trong năm học trước, Kỳ Sơn đã tổ chức dạy học online nhưng chỉ triển khai được ở vùng thị trấn, vùng thuận lợi hoặc khu vực trung tâm xã. Còn lại, việc dạy online không thể thực hiện được bởi rất nhiều nơi không có mạng internet, không có điện thoại, một bộ phận phụ huynh cũng chưa quan tâm đến việc học của con. Kỳ Sơn cũng đang còn 126 điểm bản, khoảng một nửa trong số này là không có điện lưới nên việc học online là bất khả kháng.
Căn cứ vào các điều kiện cụ thể, ngành Giáo dục Kỳ Sơn lên phương án thực hiện cách thức dạy học trong tình hình dịch bệnh hiện nay. Cụ thể, đối với cấp học tiểu học, với các trường, điểm trường vùng khó khăn, chia cách, nhà trường sẽ phân công giáo viên đến cắm điểm trường và thực hiện dạy học trực tiếp vì trên thực tế các điểm trường nằm ở các bản biệt lập và các tổ COVID-19 cộng đồng quản lý rất chặt chẽ nên nguy cơ lây lan dịch bệnh là rất khó. Với các trường có tổ chức bán trú thì tổ chức học tập trung, trực tiếp theo phương án phòng, chống dịch cụ thể như: Thực hiện quản lý chặt chẽ, không cho học sinh ra khỏi khuôn viên trường, hạn chế tối đa giáo viên, nhân viên về nhà, thực hiện giãn cách ngay trong trường, chia các ca học hợp lý,…; chỉ tổ chức dạy học trực tuyến đối với vùng thuận lợi, vùng có đủ điều kiện học trực tuyến.
Đối với cấp học trung học cơ sở, ngành có các phương án đối với từng mô hình trường cụ thể. Với các trường thực hiện theo mô hình nội trú, bán trú sẽ tổ chức học tập trung, trực tiếp theo phương án phòng chống dịch. Huyện sẽ xét nghiệm (mẫu gộp) với tất cả học sinh trước khi vào trường, thực hiện quản lý chặt chẽ, không cho học sinh ra khỏi khuôn viên trường, hạn chế tối đa giáo viên, nhân viên về nhà, thực hiện giãn cách ngay trong trường, chia các ca học hợp lý, hạn chế tối đa tập trung đông người… Chỉ duy nhất Trường Thị trấn Mường Xén là trường thuộc vùng thuận lợi, đảm bảo tương đối các điều kiện về cơ sở vật chất sẽ tiến hành dạy học trực tuyến.
Dạy học trong điều kiện dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp nên dù tổ chức theo hình thức trực tiếp, hay trực tuyến, ngành Giáo dục Kỳ Sơn cũng chỉ đạo các nhà trường thực hiện đúng nguyên lý giáo dục, không để học sinh đứt gãy chuỗi kiến thức, sa sút tinh thần, ý thức, thái độ học tập. Khi dịch bệnh ổn định, các trường sẽ tranh thủ mọi thời gian để tổ chức dạy học và bổ sung lại phần kiến thức trong thời gian các em không được đến trường. Trước đó, ngành cũng đề nghị các nhà trường tu sửa phòng học, chỉnh trang lại khuôn viên trường lớp để nếu được đi học trở lại là tập trung vào học ngay để không mất thời gian của học sinh- Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn Phan Văn Thiết khẳng định.
Linh hoạt phương án dạy học với từng vùng, miền
Ngay sau lễ khai giảng, tỉnh Nghệ An sẽ tổ chức dạy học trực tuyến cho tất cả các bậc học từ ngày 6/9. Riêng với giáo dục mầm non, tạm thời chưa tổ chức dạy và học. Thời gian tới, khi dịch bệnh đã ổn định, các trường mầm non sẽ tổ chức cho trẻ tựu trường và đồng thời tổ chức ngày hội đến trường cho trẻ.
Hiện Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã làm việc với các nhà mạng để hoàn thiện hệ thống LMS – Trung tâm Điều hành giáo dục thông minh và điều này sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện cho Giáo dục Nghệ An thực hiện tốt dạy học trực tuyến và đảm bảo chất lượng. Để dạy học trực tuyến thì điều quan trọng là phải có máy chủ với băng thông rộng, đảm bảo được đường truyền ổn định. Tuy nhiên, Nghệ An là tỉnh rộng với số lượng học sinh rất lớn, ngành đã có kế hoạch chia khung giờ học giữa các bậc học để hạn chế nghẽn mạng và đảm bảo đường truyền có chất lượng. Trong đó, nội dung học cũng tập trung với những kiến thức ở phần tinh giản và những phần học sinh tự học có sự hướng dẫn của giáo viên. Những kiến thức đòi hỏi cơ bản, cốt lõi, trọng tâm và tiên quyết để các học sinh có thể học lên lớp trên sẽ triển khai khi dịch lắng xuống và học sinh có thể đến trường dạy học trực tiếp để đảm bảo chất lượng.
Một trong những vấn đề nan giải nhất hiện nay trong dạy học trực tuyến đó là vấn đề phương tiện, thiết bị. Theo thống kê hiện nay, với các huyện miền xuôi có khoảng 90% học sinh có thể học trực tuyến; riêng các huyện miền núi, có khoảng 60% học sinh có thể theo học.
Trước khó khăn trên, Sở cũng đã chỉ đạo các phòng giáo dục và đào tạo yêu cầu các nhà trường phải nắm bắt tình hình, đặc điểm hoàn cảnh của học sinh và của gia đình các cháu để có phương án hỗ trợ. Riêng với giáo dục miền núi sẽ phối hợp giữa trực tuyến và trực tiếp. Đối với các bản vùng sâu, vùng xa không có dịch, giáo viên phải nhận nhiệm vụ từ tổ trưởng chuyên môn, từ nhà trường và về giao việc cho học sinh. Trong bối cảnh hiện nay, có thể ngành sẽ huy động thêm đội ngũ giáo viên mầm non chưa đến trường để hỗ trợ cho các giáo viên tiểu học, trung học cơ sở để đi lại giữa các điểm trường chuyển phiếu bài tập cho học sinh.
Với học sinh lớp 1 và lớp 2 do các cháu đang nhỏ tuổi nên việc học trực tuyến sẽ có những bất cập. Trước thực tế này, Sở đã giao Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Vinh và một số huyện, thị khác tổ chức các bài giảng mẫu và tạo thành hệ thống học liệu để học sinh lớp 1 trong toàn tỉnh được tham gia học. Sở cũng chủ trương triển khai những bài học đơn giản để các em làm quen với việc đi học từ việc cầm bút, cách ngồi, cách phát âm...
“Chúng tôi cũng xác định thời điểm này, việc học không thể nóng vội. Khi dịch đã ổn định, ngành sẽ tăng thời gian học ở trường, kể cả học ngày 2 buổi hoặc học thêm vào thứ Bảy, Chủ nhật. Đây sẽ là thời gian vàng để bổ sung những lượng kiến thức còn thiếu hụt. Phụ huynh cũng không cần phải quá lo lắng bởi xác định việc dạy và học sẽ được tiến hành từng bước, chậm nhưng chắc”, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An Thái Văn Thành khẳng định.