Sáp nhập nhưng chưa hiệu quả
Năm học này, Trường Tiểu học Hưng Nghĩa, huyện Hưng Nguyên, có tên gọi mới trên cơ sở sáp nhập của Trường Tiểu học Hưng Thắng và Trường Tiểu học Hưng Tiến. Quá trình triển khai việc sáp nhập này nhận được sự ủng hộ của chính quyền và đông đảo người dân. Công tác nhân sự của nhà trường khá thuận lợi bởi Hiệu trưởng đến tuổi nghỉ hưu, còn đội ngũ cán bộ giáo viên nhà trường cơ bản giữ ổn định.
Mặc dù có những thuận lợi ban đầu nhưng đến thời điểm này, việc sáp nhập của hai trường tiểu học chưa đem lại hiệu quả rõ rệt. Bởi lẽ gọi là sáp nhập nhưng trường vẫn đang duy trì hai điểm trường, học sinh xã nào vẫn học ở địa điểm của xã ấy. Riêng về chuyên môn, những giáo viên dạy các môn đặc thù gặp nhiều khó khăn. Cô giáo Hồ Thị Thành, giáo viên Tiếng Anh Trường Tiểu học Hưng Nghĩa cho biết, toàn trường có 18 lớp nhưng chỉ có 1 giáo viên tiếng Anh nên cô phải đi dạy cùng lúc 2 điểm trường hết sức vất vả.
Do thiếu giáo viên Tiếng Anh nên ngoài lớp 1, trường ưu tiên bố trí đủ 2 tiết/tuần. Các lớp còn lại, đặc biệt là lớp 3,4,5 dù học chương trình Tiếng Anh 10 năm nhưng thực tế nhà trường chỉ dạy được 2 tiết/tuần, trong khi đó, theo phân bố chương trình thì học sinh phải học 4 tiết/tuần. Cô Hồ Thị Thành cũng thừa nhận, với số tiết ít ỏi này, dù cố gắng, giáo viên cũng không thể truyền tải hết bài giảng và kiến thức trong sách giáo khoa.
Ở các môn học khác, tình trạng thiếu giáo viên cũng diễn ra trầm trọng khi hiện nay, tỷ lệ giáo viên chỉ mới đủ 1 giáo viên/lớp dù quy định tối thiểu là 1,5 giáo viên/lớp. Bởi vậy, theo quy định giáo viên tiểu học chỉ dạy 23 tiết/tuần nhưng do toàn trường chỉ có 20 giáo viên/18 lớp nên giáo viên ở trường đang được huy động tối đa và phải dạy vượt đến 29 tiết/tuần mới đảm bảo có đủ giáo viên đứng lớp. Trường hiện cũng chỉ có 1 giáo viên tổng phụ trách đội nên các hoạt động tập thể đều phải chia ra, nếu điểm trường này tổ chức buổi sáng thì buổi chiều phải luân phiên tổ chức ở điểm trường còn lại.
Chủ trương sáp nhập cũng kỳ vọng sẽ giúp nhà trường tăng cường đầu tư cơ sở vật chất khang trang hơn. Tuy nhiên, khó vẫn hoàn khó bởi cả hai điểm trường hiện đang thiếu 19 phòng chức năng. Trường có phòng Tin học nhưng chỉ có 6 máy được đầu tư nhiều năm và nay đã xuống cấp, đang phủ bạt và gần như không còn hoạt động được vì thiếu giáo viên.
Cô giáo Nguyễn Thị Thảo, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hưng Nghĩa chia sẻ: Cho đến thời điểm này, hoạt động của nhà trường vẫn rất khó khăn và điều kiện học tập của học sinh vẫn chưa đảm bảo. Vì thế, chúng tôi mong muốn, sau khi đầu tư, xã và huyện có giải pháp để 2 trường được sáp nhập về một đầu mối thì hoạt động của trường sẽ thuận lợi hơn.
Hơn 10 năm sáp nhập vẫn mang danh “học nhờ”
Mười năm nay, Trường Trung học cơ sở Đông Vĩnh, phường Đông Vĩnh, bị xóa bỏ và học sinh trong phường học tại Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trường Tộ, xã Hưng Đông, thành phố Vinh. Nguyên do việc sáp nhập là trước đây, quy mô trường lớp giảm nhưng hiện tại số lượng học sinh lại tăng lên 1.000 em với 23 lớp nên Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trường Tộ lâm vào tình trạng quá tải. Trước tình trạng trên, hàng chục học sinh của phường Đông Vĩnh đã phải xin đi học ở các phường lân cận trên địa bàn. Như năm học này, qua phổ cập, toàn phường Đông Vĩnh có 260 học sinh lớp 6, nhưng trên thực tế chỉ có 194 học sinh theo học.
Cô giáo Trần Thị Trâm Anh, Hiệu trưởng nhà trường cũng biết rất rõ những khó khăn của phụ huynh khi đăng ký nhập học cho con. Bởi lẽ, dù được phổ cập ở xã Hưng Đông nhưng nhiều phụ huynh của phường Đông Vĩnh vẫn tìm mọi cách xin cho con học trái tuyến ở những phường như Đội Cung, Cửa Nam, Lê Lợi để “gần nhà”. Thực tế cũng cho thấy, do địa bàn của hai phường kéo dài nên việc cho con từ Đông Vĩnh sang Hưng Đông học là khá bất tiện. Một số xóm như Xuân Lâm, Vĩnh Quang, Vĩnh Thành, học sinh phải đi học hơn 3 cây số và phải vượt qua đoạn giao nhau ở đường 72m, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông.
Sau sáp nhập nhưng Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trường Tộ không nhận được sự đầu tư nhiều về cơ sở vật chất từ phường Đông Vĩnh bởi “không có một cơ sở nào để phường này sang đầu tư cơ sở vật chất cho phường khác”. Thế nên hiện nay, do sỹ số học sinh đã “phình to” nên nhà trường rơi vào tình trạng thiếu phòng học. Riêng năm học 2020 – 2021, trường có hai phòng học đang phải học tạm trong phòng kho và phòng chức năng (vốn trước đây cho giáo viên) với điều kiện diện tích và cơ sở vật chất không đảm bảo.
Do phải đi “học nhờ” nhiều năm nên trong những năm qua, chính quyền và nhân dân phường Đông Vĩnh đã nhiều lần có văn bản xin thành phố Vinh được thành lập lại trường cũ. Tuy nhiên, theo quy định hiện nay, do không có chủ trương thành lập trường mới nên dự định phải gác lại. Sau đó, vì quy mô học sinh tăng nhanh và sẽ còn tăng trong những năm tới, phường Đông Vĩnh lại xin thành phố Vinh chủ trương thành lập cơ sở 2 của Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trường Tộ và đóng tại phường Đông Vĩnh. Hiện chủ trương đã được thông qua nhưng thủ tục cấp đất vẫn chưa hoàn thành với nhiều lý do khác nhau.
Trước thực tế này, ông Cao Văn Toàn, Chủ tịch UBND phường Đông Vĩnh nói thêm: Việc học sinh của phường phải đi “học nhờ” là một sự bất tiện rất lớn cho phụ huynh, học sinh và năm nào đến mùa tuyển sinh, người dân cũng rất bức xúc, kiến nghị nhiều lần. Chính quyền phường Đông Vĩnh cũng thấy chưa hợp lý khi bỏ ngân sách đầu tư cơ sở vật chất cho một trường của phường khác. “Nguyện vọng lớn nhất hiện nay của chúng tôi là sau khi có quy hoạch, thành phố sẽ sớm tạo điều kiện để phường Đông Vĩnh xây dựng cơ sở 2 cho học sinh, bởi hiện tại riêng học sinh Tiểu học trên địa bàn đã là gần 1.000 em và trong một vài năm tới sẽ gây áp lực cho Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trường Tộ”, ông Cao Văn Toàn, Chủ tịch UBND phường Đông Vĩnh kiến nghị.
Việc quy hoạch và sáp nhập trường lớp là một chủ trương được thực hiện nhiều năm nay đối với những ngôi trường quy mô trường lớp giảm, nhiều điểm trường lẻ nhằm mục đích nâng cao chất lượng đào tạo và đầu tư cơ sở vật chất. Không phủ nhận trong những năm qua, tại Nghệ An đã có hàng chục ngôi trường sáp nhập đem lại hiệu quả nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều trường sau nhiều năm sáp nhập đã bộc lộ những bất cập. Nhiều địa phương việc sáp nhập chỉ mang tính cơ học “bình mới, rượu cũ”. Từ thực tế này cho thấy, việc quy hoạch mạng lưới trường lớp cần phải được xem xét một cách thấu đáo, phù hợp với điều kiện thực tế và phải đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân.