Trong bối cảnh toàn tỉnh đang phải thực hiện giãn cách xã hội, dạy học trực tuyến đang là phương án được ưu tiên lựa chọn vào thời điểm này để phòng, chống dịch an toàn.
Lên phương án để dạy học trực tuyến
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An cho biết: Việc dạy học trực tuyến từ đầu năm học sẽ khó khăn hơn so với thời điểm cuối năm, vì học sinh phải học bài mới nhiều. Chính vì thế, Sở đã yêu cầu các tổ chuyên môn rà soát chương trình để có hướng dẫn cụ thể cho từng môn học và cân nhắc dạy nội dung nào cho phù hợp. Có thể sẽ có những tiết học dạy học trực tuyến, nhưng cũng có những tiết học phải dạy sau khi các em đi học tập trung để không ảnh hưởng đến chương trình và việc tiếp thu bài của học sinh.
Để chuẩn bị cho việc dạy học trực tuyến, nhiều phòng Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức hội nghị trực tuyến để triển khai nhiệm vụ năm học mới và tập huấn sử dụng phòng học, dạy học trực tuyến. Các nhà trường đã tổ chức để các giáo viên nắm bắt được kế hoạch và bàn phương án triển khai.
Ngay từ giữa tháng Tám, Trường Tiểu học Trung Đô, thành phố Vinh đã triển khai tập huấn, sinh hoạt chuyên môn bằng hình thức trực tuyến. Trong đó, ngoài tổ chức cho giáo viên dạy thể nghiệm sách giáo khoa lớp 2 mới, nhà trường đã lên phương án dạy học trực tuyến đề phòng dịch diễn biến phức tạp khó lường.
Cô giáo Phan Thị Hồng Mai, Hiệu trưởng trường Tiểu học Trung Đô chia sẻ, qua khảo sát phụ huynh học sinh, cơ bản có đủ điều kiện để nhà trường tiến hành việc dạy học trực tuyến. Việc tổ chức dạy học trực tuyến với học sinh tiểu học gặp nhiều khó khăn, nhất là với học sinh lớp 1 khi các em chưa được làm quen với môi trường học tập mới cũng như các kỹ năng khác và chắc chắn hiệu quả sẽ không đạt được như dạy học trực tiếp. Bên cạnh đó, một số nơi trên địa bàn thành phố Vinh, mạng Internet không ổn định, có thời điểm nghẽn mạng dẫn đến gián đoạn buổi học, cùng với đó là việc chấm điểm, chữa bài cho học sinh cũng khó khăn, nhất là học sinh học viết chữ. Về phía giáo viên, xuất hiện tình trạng dạy nhiều ca, có những giáo viên phải chia thành ba ca/lớp để hướng dẫn cho từng đối tượng học sinh.
“Tuy vậy, nhà trường vẫn động viên giáo viên và học sinh vượt qua khó khăn để có thể đảm bảo thực hiện đúng chương trình và giữ thói quen học tập cho học sinh. Ngay từ tuần này, nhà trường đã tiến hành cho cô, trò làm quen lớp. Các giáo viên ở từng khối lớp đã xây dựng kế hoạch dạy học đến hết tháng 9 với nội dung trọng tâm, súc tích, cô đọng nhất để các em dễ dàng tiếp thu bài học. Khối lớp 1 nhà trường sẽ tập trung vào phần đọc, viết. Các khối từ lớp 2-5, các giáo viên dưới hình thức giao phiếu bài tập, hết thời gian giãn cách sẽ tiến hành dạy tập trung bổ sung vào các phần kỹ năng các em còn thiếu”, cô giáo Phan Thị Hồng Mai, Hiệu trưởng trường Tiểu học Trung Đô chia sẻ.
Không thuận lợi như địa bàn thành phố hay các huyện đồng bằng, với địa bàn miền núi như huyện Tương Dương, nhiều gia đình học sinh không có đủ trang thiết bị máy tính, Internet là điều hết sức khó khăn để các nhà trường tổ chức dạy học trực tuyến cho toàn bộ học sinh.
Bà Võ Tuyết Chinh, Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tương Dương chia sẻ: "Trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng tôi sẽ nỗ lực để học sinh không bị thiệt thòi. Trước đó, trong năm học trước, trong điều kiện dịch bệnh bùng phát, học sinh không thể đến trường, giáo viên huyện Tương Dương đã đến từng nhà để giao bài và chữa bài cho học sinh, hoặc có những sáng tạo linh hoạt để phù hợp với điều kiện của địa phương. Có thể, chúng tôi sẽ tiếp tục áp dụng giải pháp này cho năm học mới".
Tại huyện Con Cuông, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các trường học bằng nhiều hình thức tổ chức dạy học như trực tuyến qua các nhóm Zalo, Facebook cung cấp thông tin, bài tập cho học sinh đối với vùng thuận lợi. Bên cạnh đó, giáo viên luân phiên nhau trực tiếp đi giao bài, lấy bài, chữa bài theo hình thức 3 ngày/tuần tại các bản cho các em. Tuy vậy, đây là những phương án tạm thời, trước mắt, bởi địa bàn miền núi Con Cuông đi lại khó khăn, đặc biệt là việc triển khai dạy bài mới qua hình thức phiếu giao bài cũng hạn chế việc tiếp thu kiến thức của các em.
“Để đáp ứng việc dạy học trong tình huống hiện nay, Phòng Giáo dục và đào tạo đã lựa chọn hai phương án. Các trường vùng thuận lợi hiện đang rà soát lại điều kiện đáp ứng của học sinh để tổ chức dạy học trực tuyến. Cùng với đó, Phòng sẽ có phương án cho các trường tổ chức dạy buổi hai cho học sinh cùng khối. Với các trường vùng sâu vùng xa, điều kiện đáp ứng việc dạy học trực tuyến là không thể vì vậy sẽ phân nhóm học sinh theo địa bàn để bố trí giáo viên vừa củng cố ôn tập vừa dạy kiến thức mới”, ông Phan Trọng Trung – Phó trưởng Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Con Cuông cho biết.
Nỗ lực triển khai trên diện rộng
Ở góc độ nhà trường, việc tổ chức dạy trực tuyến đã thực hiện nhiều trong thời gian qua, do vậy cả giáo viên, học sinh và phụ huynh đã được làm quen, dần thích ứng nên các em có thể bắt nhịp tốt. Ở bậc học Trung học Cơ sở thuận lợi hơn do lứa tuổi các em có thể tự học và đã quen với việc học trực tuyến trong 2 năm qua do ảnh hưởng dịch bệnh.
Tuy nhiên, vào thời điểm đầu năm học, nhất là với học sinh lớp 6 vừa chuyển cấp, lại học chương trình, sách giáo khoa mới sẽ gặp nhiều khó khăn. Nhà trường đưa ra các giải pháp như: tổ chức lớp trực tuyến để giáo viên trao đổi, hướng dẫn kỹ lưỡng cho các em về phương pháp học, giới thiệu trường lớp...; trao đổi, hướng dẫn phụ huynh hỗ trợ các em học tập tại nhà. Do năm học trước ở lớp tiểu học, học sinh đã học trực tuyến. Do vậy, dù phương pháp học ở bậc học mới có khác nhưng khi được hướng dẫn, các em vẫn tiếp cận nhanh.
Một khó khăn nữa trong triển khai dạy học trực tuyến là ở bậc tiểu học, nhất là các em lớp 1, lớp 2 khi triển khai chương trình, sách giáo khoa mới.
Ông Thái Văn Thành. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho biết: Nếu như trước đây, dạy và học trực tuyến được xem là một giải pháp tình thế, nay ngành xác định đây là phương thức dạy và học ổn định trong năm học 2021-2022. Hiện nay, ngành Giáo dục đã xây dựng cơ sở dữ liệu, tài nguyên dạy học khá phong phú đáp ứng yêu cầu cho công tác dạy - học trong năm học mới.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An bày tỏ lo lắng, khó khăn nhất là học sinh lớp 1-2, độ tuổi còn nhỏ, chưa có ý thức và khả năng tự học, trong khi đó lại thực hiện Chương trình sách giáo khoa mới. Bởi vậy, ngành đã có kế hoạch đặt hàng Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Vinh thực hiện các video bài học trực tuyến cho học sinh và phụ huynh theo dõi hỗ trợ thêm, sau đó gửi cho các huyện, thị triển khai tùy theo điều kiện thực tế. Trước đó, ngành đã tổ chức tập huấn đầy đủ cho giáo viên ứng dụng nền tảng trực tuyến để sử dụng linh hoạt và có thể hướng dẫn phụ huynh. Nội dung giảng dạy sẽ cô đọng, tập trung vào kiến thức cơ bản nhất để học sinh học trực tuyến không dàn trải, không quá tải.