Nhìn nhận từ sự việc tiêu cực trong thi cử ở Bắc Giang vừa qua, một số đại biểu Quốc hội, chuyên gia giáo dục cho rằng, nếu thực sự nghiêm túc trong coi thi thì sẽ không có cửa cho gian lận. Tuy nhiên, muốn thực hiện được điều này cần có sự vào cuộc của toàn xã hội.
Triệt tiêu bệnh thành tích
Bên lề kỳ họp thứ 3 của Quốc hội, ông Dương Trung Quốc, đại biểu tỉnh Đồng Nai nhận định, cả nước có rất nhiều hội đồng coi thi, vì vậy khó có thể lấy vụ tiêu cực trong thi cử ở Bắc Giang để nhận định về toàn bộ nền giáo dục. Sự việc ở Bắc Giang còn được đưa ra công luận theo cách không hợp thức. Chính áp lực từ thành tích dẫn đến sai phạm và mất lòng tin với người dân.
Chia sẻ về hành động quay clip của học sinh, ông Dương Trung Quốc cho rằng, có thể là các em học sinh đã phạm quy nhưng phải đặt câu hỏi là tại sao các em lại làm như vậy. Trong trường hợp này chỉ nên cảnh cáo, rút kinh nghiệm, thậm chí là không xử lý vi phạm. Nên coi là bài học để có phương thức quản lý tốt hơn, để hạn chế, triệt tiêu sai phạm.
Ông Lê Như Tiến, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cũng cho rằng, sự việc quay cóp bài thi, giám thị ném bài giải là sự việc đáng tiếc. Bộ GD - ĐT đã có nhiều văn bản, quy chế, chỉ thị quy định rõ ràng về khâu quản lý và tổ chức thi tới các địa phương. Tuy nhiên, những hình ảnh được ghi lại ở Hội đồng coi thi trường THPT dân lập Đồi Ngô lại không thấy có sự hiện diện của kỷ luật, kỷ cương. Giám thị đã không thực hiện vai trò chính của mình. Bộ GD - ĐT đã có báo cáo sẽ xử lý nghiêm khắc với Hội đồng coi thi này.
Ngày 7/6, ông Trần Đình Hồng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang cho biết, hiện vẫn đang gặp các đối tượng có liên quan và cũng xác định đây không phải là vụ án hình sự, công an chỉ phối hợp với ngành giáo dục để làm rõ sự việc. |
“Sự việc ở Bắc Giang cũng là một biểu hiện của bệnh thành tích trong thi cử. Các trường đều đua nhau, nếu trường khác có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT 80 - 90%, thì trường mình cũng phải đạt như vậy. Vì thế mà chính các thầy cô đã mang bài giải vào để các em chép lại. Như vậy là chính những người thầy cũng đã không nghiêm túc. Hơn nữa, việc cung cấp thông tin sai phạm là tốt nhưng thực hiện việc đó bằng cách vi phạm quy chế thi cũng là một bất cập”, ông Lê Như Tiến cho hay.
Ông Trần Bá Giao, nguyên Phó Chánh thanh tra Bộ GD - ĐT cho biết, phải thừa nhận sự việc ở Bắc Giang cũng là một hiện thực của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ở nơi này, nơi khác vẫn có những chuyện không như mong muốn xảy ra. Do đó, từ hiện tượng ở Bắc Giang phải nhìn nhận về cách thức để ngăn chặn được hiện tượng này. Nhiều năm qua, các địa phương đã cam kết chống tiêu cực trong thi cử nhưng bệnh thành tích vẫn là căn bệnh nan y, cần phải chữa trị lâu dài. Toàn xã hội vào cuộc, đề cao sự trung thực thì sẽ giảm được tiêu cực như hiện nay.
Tiến tới một kỳ thi
Từ hiện tượng ở Bắc Giang, ông Dương Trung Quốc đề nghị phải xóa bỏ trong tiềm thức của học sinh về áp lực thi cử. Một bộ phận học sinh bây giờ học và thi đối phó nhiều hơn. Chương trình học, sách giáo khoa, các thầy cô cũng còn nhiều vấn đề. Do đó, cần phải có giải pháp thích hợp để giảm áp lực cho học sinh. “Tôi ủng hộ phương án một kỳ thi, phải làm tốt khâu đánh giá trong quá trình học, không phải chỉ qua kỳ thi”, ông Dương Trung Quốc nhấn mạnh.
Ông Lê Như Tiến cho rằng, mục đích của ngành giáo dục là hướng tới phổ cập bậc trung học phổ thông. Vì vậy, chỉ cần một kỳ thi quốc gia, giảm bớt những căng thẳng không đáng có. Tuy nhiên, việc tổ chức một kỳ thi quốc gia đã tranh luận từ nhiều năm nay, vấn đề cần làm rõ là phải tổ chức như thế nào. Kỳ thi tốt nghiệp THPT giao cho các tỉnh tổ chức thi là điều kiện để phân luồng vào đại học, học nghề.
Việc hướng tới một kỳ thi quốc gia đã được Bộ GD - ĐT bàn tới nhưng chưa đến hồi kết. Vấn đề này luôn được đặt ra mỗi khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Vinh Hiển cũng khẳng định, việc cải tiến thi cử vẫn tiếp tục diễn ra đến năm 2015. Lúc đó mới quyết định được có tổ chức kỳ thi quốc gia hay không.
Lê Vân - Nguyễn Lê