Nghiên cứu khoa học ở mức “nghèo”

Nghị quyết 29 của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đã chỉ rõ vị thế của một trường đại học trong phân tầng giáo dục đại học, phụ thuộc rất nhiều vào nguồn lực khoa học trẻ. Nhưng thực tế, những chính sách khuyến khích đội ngũ này thời gian qua vẫn chưa hiệu quả. Điều kiện phục vụ nghiên cứu bất cập như thiết bị thí nghiệm còn lạc hậu, chính sách không đủ sức hút những nhà khoa học trẻ... là những nguyên nhân căn bản mà nhiều trường đại học đang gặp phải, khi muốn thu hút nguồn lực trẻ.

Ưu tư người trong cuộc

Hiện nay, một số trường đại học trọng điểm đã tự tìm hướng phát triển bằng cách đưa những thí nghiệm, đề tài nghiên cứu vào ứng dụng, phục vụ cuộc sống. Viện nghiên cứu chế tạo tàu thủy của ĐH Nha trang là một ví dụ như vậy. Tại đây, những canô do chính những sinh viên, nhóm nghiên cứu làm ra được thị trường rất ưa chuộng. TS Bùi Văn Bình, ĐH Điện lực Hà Nội cho biết, loại tàu vỏ làm bằng composite (ngư dân gọi là tàu nhựa) lại đang là xu thế lựa chọn của nhiều ngư dân ở tỉnh Khánh Hòa, đặc biệt là những người chuyên đánh bắt ở ngư trường Trường Sa. Đây chính là điểm sáng trong việc nghiên cứu khoa học ứng dụng vào trong thực tiễn mà địa chỉ là từ phòng thí nghiệm của các đại học.

Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia công nghệ ENZYM và PROTEIN, Đại học Khoa học tự nhiên.


Tuy nhiên, đây cũng chỉ là ví dụ ít ỏi về đề tài nghiên cứu từ phòng thí nghiệm trong trường học được ứng dụng rộng rãi. Bức tranh nghiên cứu khoa học ở trường đại học vẫn ngổn ngang những ưu tư của người trong cuộc.

Cầm tấm bằng tiến sĩ loại khá từ Pháp trở về, anh N.L.M đầu quân cho một trường đại học trọng điểm tại TP Hồ Chí Minh. M. học xong và nhanh chóng muốn trở về làm việc tại Việt Nam để thỏa ước mong bấy lâu làm thầy giáo. Nhưng sau 1 năm làm việc, M. đã không khỏi băn khoăn về quyết định của mình. “Điều tôi mong ước nhất là được làm nghiên cứu khoa học ở trường đại học. Tôi mong với những gì mình được học ở nước ngoài sẽ truyền thụ cho sinh viên và hướng dẫn các em. Tuy nhiên, môi trường nghiên cứu ở trường chưa thực sự được chú trọng. Có những thiết bị phục vụ thí nghiệm không còn phù hợp nữa nhưng vẫn phải sử dụng. Đề nghị mua một thiết bị hiện đại hơn để phục vụ cho thí nghiệm nhưng nhà trường không có kinh phí. Bởi thiết bị cũ thường xuyên hỏng hóc khi đang làm thí nghiệm. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần làm việc của nhóm nghiên cứu”, anh N.L.M cho biết.

“Một trường ĐH nằm trong danh sách 17 trường ĐH trọng điểm quốc gia, nhưng công tác nghiên cứu khoa học chưa “thoát nghèo” được thì không thể đạt tầm quốc gia được. Bởi nói đến “quốc gia” là sẽ nằm trong danh sách so với quốc tế. Trong khi các trường đại học tầm cỡ quốc tế đều ưu tiên về nghiên cứu khoa học. Đành rằng nước mình còn đang phát triển, nhưng ngành giáo dục nên biết đầu tư có trọng điểm, tránh dàn trải để có những đầu tư đích đáng”, vị TS trẻ tâm sự.

TS Bùi Văn Bình, ĐH Điện lực Hà Nội cho biết: Để làm nghiên cứu sinh hay làm luận án tiến sĩ thì các phòng thí nghiệm của các trường đại học hiện chưa đáp ứng được, bởi thiết bị rất thiếu thốn. Thường để hoàna thiện luận án, họ phải liên kết với các Viện đào tạo, hoặc phải thuê thiết bị thì mới hoàn thành được. “Chi phí để đầu tư phòng thí nghiệm đối với bộ môn cơ khí lên tới 600 - 700 triệu đồng. Đây cũng chỉ là phòng thí nghiệm ở quy mô vừa phải và phục vụ cho những đề tài quy mô nhỏ”, TS Bùi Văn Bình cho hay.

Sự thiếu thốn chính là lý do khiến nghiên cứu khoa học ở trường đại học chưa được phát triển mặc dù một số trường đã tìm cách thu hút được một đội ngũ giảng viên trẻ có trình độ. Thống kê của Hội liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam: Giai đoạn 2006 - 2010 chỉ có 8 cán bộ giảng dạy dưới 45 tuổi thuộc các trường ĐH tham gia chủ trì các đề tài, dự án thuộc các chương trình trọng điểm (chiếm tỷ lệ dưới 0,25%). Rất ít nhiệm vụ khoa học và công nghệ có người chủ trì là cán bộ giảng dạy. Điều đáng nói, ở các trường ĐH lớn, số lượng cán bộ giảng dạy trẻ, dưới 45 tuổi không ngừng tăng lên. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có số cán bộ khoa học dưới 37 tuổi chiếm 52%. Số cán bộ khoa học dưới 35 tuổi ở Trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) chiếm 39%...

Đẩy mạnh chính sách khuyến khích

Phân tích về hiện trạng này, những nhà khoa học, nhà giáo dục uy tín cho rằng, nguyên nhân là do cơ chế vận hành.

TS Nguyễn Tiến Thảo, Phó Chủ nhiệm khoa Hóa học, ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, điều quan trọng với bất cứ người làm khoa học nào chính là môi trường làm việc. Môi trường ấy là phải tự do trong nghiên cứu khoa học và có trang thiết bị tốt phục vụ nghiên cứu. Sau đó mới là các vấn đề lương bổng, chính sách... Nếu các điều kiện trên không được đáp ứng thì dễ có tâm lý chán nản, so sánh.

“Bên cạnh cơ chế, thì các khoản kinh phí đầu tư lớn đối với các nhà khoa học trẻ mới bắt đầu sự nghiệp để xây dựng một nhóm nghiên cứu ở Việt Nam, là rất khó. Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ quốc gia chỉ có thể trang trải một phần kinh phí cho đề tài trong một thời gian ngắn (trung bình là 2 năm). Trong khi họ phải tận dụng trang thiết bị, cơ sở vật chất có sẵn cho nghiên cứu của mình chứ không hề có được thiết bị hiện đại, đồng bộ”, TS Ngô Đức Thế, ĐH Quốc gia Singapore phân tích.

Trả lời về những chính sách để thu hút nguồn nhân lực trẻ nghiên cứu khoa học bậc đại học, ông Tạ Đức Thịnh, Vụ trưởng Vụ khoa học công nghệ và Môi trường, Bộ GD - ĐT cho biết, ngày 25/10/2014, Chính phủ ban hành Nghị định số 99/2014/NĐ - CP quy định việc đầu tư phát triển tiềm lực và khuyến khích hoạt động khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học. Sự đột phá ở quy định này chính là phân định rõ mức thưởng ra sao với những cống hiến của giảng viên nghiên cứu khoa học. Đồng thời nghị định cũng đặt ra mức đầu tư với các phòng thí nghiệm.

“Liên Bộ sẽ xem xét hỗ trợ kinh phí sử dụng các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, phòng thí nghiệm chuyên ngành, liên ngành để thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, trừ trường hợp kinh phí này đã được dự toán trong kinh phí thực hiện nhiệm vụ. Khuyến khích sự hợp tác với các doanh nghiệp, các tổ chức cá nhân vào nghiên cứu khoa học trong nhà trường. Cụ thể, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế nhập khẩu theo quy định của pháp luật về thuế khi nhập khẩu trang thiết bị, máy móc nguyên vật liệu để đầu tư phát triển tiềm lực khoa học công nghệ trong trường đại học. Đây là ưu đãi khá cởi mở và được nhiều trường đại học hưởng ứng”, ông Tạ Đức Thịnh cho biết.

Bên cạnh đó, những mức thưởng đối với đề tài nghiên cứu cũng được phân định rõ ràng. Nghị định cũng ghi rõ: Thưởng tiền không quá 30 lần mức lương cơ sở chung nếu công bố được 01 bài báo trên tạp chí khoa học quốc tế uy tín. Tiền thưởng lấy từ kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ trong dự toán giao cho cơ sở giáo dục đại học; Hỗ trợ 50% phí đăng ký bảo hộ quyền tác giả. Kinh phí hỗ trợ lấy từ kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ trong dự toán giao cho cơ sở giáo dục đại học; Tính tương đương 20 giờ giảng dạy lý thuyết nếu công bố được 1 bài báo trên tạp chí khoa học có thang điểm 1 trong danh mục của Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước.

“Mức đầu tư của Nhà nước là không thay đổi được. Vì vậy trong quy định trên đã quy định rõ và tập trung vào một số mục trọng điểm. Không có hiện tượng dàn trải nữa. Chắc chắn với sự rõ ràng này, việc nghiên cứu khoa học trong trường đại học phải là mũi nhọn”, ông Tạ Đức Thịnh nhấn mạnh.

Ông Tạ Đức Thịnh cũng cho biết thêm, việc điều chỉnh giờ giảng dạy của giảng viên là do các trường ĐH cân đối. Đồng thời, Bộ GD - ĐT đang cố gắng cân đối chỉ tiêu theo hướng giảm, tiến tới việc giảm dần chỉ tiêu tại chức để thầy cô tập trung nghiên cứu khoa học.

PGS. TS Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng ĐH Cần Thơ: 

Trước những khó khăn như rào cản về biên chế, cơ chế trong nghiên cứu khoa học, ĐH Cần Thơ đã có những bước đi riêng, đột phá. Hiện nay, trường có gần 400 cán bộ nghiên cứu không có biên chế. Họ ký hợp đồng thực hiện các đề tài, dự án, làm việc 2 - 3 năm rồi được cử đi học tiến sĩ ở nước ngoài. Trở về, các tiến sĩ được nhà trường tiếp nhận vào biên chế, được ưu tiên làm một đề tài cấp trường trong 2 năm để làm quen lại với môi trường nghiên cứu khoa học trong nước. Những người này được tạo điều kiện làm việc ban đầu với một chiếc laptop và một căn nhà đầy đủ tiện ích. Bên cạnh đó, mỗi cán bộ nghiên cứu 7 triệu đồng/người/năm với kinh phí 8,5 tỷ đồng cho các đề tài. “Có thực mới vực được đạo” đã khiến việc nghiên cứu khoa học ở trường trở nên hiệu quả hơn bao giờ hết. Nguồn kinh phí này được trích từ tổng kinh phí thu hàng năm của nhà trường và từ chính học phí của sinh viên. Sau vài năm thực hiện, chúng tôi đang chuẩn bị gặt được những thành quả đầu tiên của chính sách này. Chất lượng sinh viên tốt, cung cấp nguồn lực cho xã hội chính là câu trả lời rõ ràng nhất. 

TS Nguyễn Tiến Thảo, Phó Chủ nhiệm khoa Hóa, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội: 

Tại khoa Hóa, ĐH Khoa học tự nhiên, những đề tài nghiên cứu từ cấp trường, cấp bộ, quốc gia, quốc tế đều được ứng dụng. Những nghiên cứu cơ bản đã được ứng dụng trong cuộc sống như: “Xử lý chất thải”, “Xử lý nước lọc”... Bởi vậy, ngoài mức lương giảng dạy, giảng viên sẽ có thêm thu nhập từ những đề tài nghiên cứu.



Lê Vân
Giảng viên đại học sẽ dành 1/3 thời gian để nghiên cứu khoa học
Giảng viên đại học sẽ dành 1/3 thời gian để nghiên cứu khoa học

Hiện nay, Bộ GD - ĐT rất khuyến khích các trường đại học nghiên cứu khoa học công nghệ, đặc biệt ở những giảng viên trẻ có năng lực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN