Ngôi nhà thứ hai của học trò Huổi Luông

Vượt qua cây cầu treo vắt ngang dòng Nậm Na đêm ngày chảy xiết, chúng tôi lên Trường Tiểu học bán trú Lê Văn Tám, xã biên giới Huổi Luông, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Mặc dù còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy và sinh hoạt, nhưng dưới sự lãnh đạo của hiệu trưởng Trần Thị Hằng và tình thương yêu học trò hết mình của thầy cô giáo, các em học sinh đã gắn bó hơn với trường, lớp.


Hiệu trưởng Trần Thị Hằng cho biết: Trường Lê Văn Tám nằm ở bản U Gia, cách trung tâm xã Huổi Luông hơn chục cây số. U Gia là bản trung tâm, nên khá tiện cho việc đi lại và học tập của học sinh. Toàn trường có 23 lớp, với trên 330 học sinh, tại 9 bản trong xã; các em chủ yếu là người dân tộc Dao, Mông và Hà Nhì. Dù nhiều lớp học như vậy, song số phòng học kiên cố và bán kiên cố chỉ có 12 phòng, còn lại là phòng tạm. Ngay ở điểm trường trung tâm, có 6 phòng học, thì 4 là phòng học tạm. Ban Giám hiệu cũng phải tận dụng phòng học để làm nhà điều hành…

Hiệu trưởng Trần Thị Hằng giới thiệu “vòi hoa sen”- sáng kiến của giáo viên nhà trường.

Bằng kinh nghiệp 18 năm trong nghề, trong đó có 9 năm làm quản lý, từ tháng 8/2015, khi có quyết định tổ chức bán trú cho hơn 100 học sinh, Hiệu trưởng Trần Thị Hằng đã huy động toàn bộ lực lượng của nhà trường tham gia xây dựng phòng ở bán trú, khu vực nấu ăn, bếp ăn và các công trình phụ khác; vận động các nhà hảo tâm trong và ngoài huyện hỗ trợ thêm nguyên vật liệu như: Xi măng, cát, sỏi, gạch để làm phòng học tạm đủ tiêu chí 3 cứng: Mái cứng, nền cứng, cột cứng, để kịp đón các em vào năm học mới. Bên cạnh đó, nhà trường còn phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng Đồn Huổi Luông giúp đỡ ngày công và vật chất, để các em có thêm sách, vở, đồ dùng sinh hoạt.

“Do trường nằm cách sông, ô tô không sang được, chúng tôi phải dùng xe cải tiến chở nguyên vật liệu vượt qua cầu treo, dốc cao ngoằn nghèo mới lên được đến công trình. Rồi cùng trộn vữa, bê gạch như một người phụ xây thực thụ. Vất vả, nhưng giảm được hàng chục triệu chi phí công chuyên chở vật liệu từ bên kia sông sang.”, Hiệu trưởng Hằng tự hào nhớ lại những ngày xây cất điểm trường Lê Văn Tám mới.

Chính nhờ tính khí “nói là làm” của Hiệu trưởng Hằng, nên đã tập trung được sức mạnh của tập thể giáo viên, phụ huynh học sinh tham gia, vì vậy ngay trước khi bước vào năm học, 5 gian phòng bán trú cùng với bể nước sinh hoạt và một số công trình phụ đã được hoàn thành, phục vụ cho công tác bán trú của học sinh.

Là năm học đầu tiên trường mở lớp học bán trú, nên không chỉ học sinh bỡ ngỡ, mà cán bộ, giáo viên nhà trường cũng lúng túng. Học sinh chủ yếu là con em người dân tộc thiểu số, nhỏ tuổi đã phải sống tập thể, nên ý thức sinh hoạt chưa quen. Để thay đổi cách sinh hoạt, từ vệ sinh cá nhân đến ăn uống của các em học sinh, là cả một quá trình kiên trì và mềm dẻo. Nhiều em bỏ bữa, chê cơm thầy cô nấu, mặc dù thực đơn đã được Phòng Giáo dục huyện duyệt và các thầy cô nấu rất hợp vệ sinh. Trăn trở trước việc này, Hiệu trưởng Hằng đã xuống tận các hộ dân để học cách nấu nướng, cũng như việc cho gia vị gì và không cho gia vị gì vào các món ăn, để về phổ biến lại cho các giáo viên. “Sau mấy ngày “đi học” nấu ăn, tôi mới phát hiện ra, học sinh không quen với vị của nước mắm. Từ đó, chúng tôi đã phải thay đổi gia vị ngay cho phù hợp với học sinh”, Hiệu trưởng Hằng tâm sự.

Để việc dạy học, ăn ở bán trú đạt hiệu quả cao, Hiệu trưởng Hằng đã họp Ban Giám hiệu và lên kế hoạch cho cán bộ, giáo viên nhà trường phân chia, luân phiên nhau trực quản lý học sinh để đảm bảo sinh hoạt an toàn và chăm sóc đầy đủ suốt thời gian học tập. Nhà trường còn hướng dẫn trồng rau, chăn nuôi, chăm sóc vườn cây, nấu ăn hay tổ chức các hoạt động ngoài giờ… tạo môi trường học tập và lao động, vui chơi bổ ích cho các em, đồng thời, giúp các em vơi bớt nỗi nhớ nhà. Nhờ tổ chức, quản lý khoa học, bài bản, đến nay, việc ăn, ở bán trú của các em học sinh dân tộc thiểu số nơi đây đã cơ bản đi vào nền nếp bởi những kỹ năng sống mà giáo viên nhà trường đã truyền thụ.

Nhà em Sùng Thị Tăng, học sinh lớp 4A, dân tộc Mông ở bản Ngài Chồ, xã Huổi Luông cách trường khoảng 20 km đường đồi núi dốc cho biết, ở bán trú đã giúp em có thêm cơ hội được học tập đầy đủ hơn. Được ở bán trú, Tăng quen nhiều hơn những bạn ở khác lớp; tính cách rụt rè, nhút nhát ngày nào đã thay đổi bằng sự tự tin và mạnh dạn. Đặc biệt, những kiến thức học tại trường và trong sinh hoạt bán trú như cách chăm sóc vườn rau, làm thức ăn… được Tăng “đưa” về nhà áp dụng, khiến bố mẹ rất phấn khởi. “Các thầy cô chỉ bảo và dạy chúng em tận tình như con cái. Em mong muốn các bạn khác trong trường cũng được ở bán trú để có điều kiện sinh hoạt, học tập tốt…”, Tăng tâm sự.

Với những cố gắng khắc phục khó khăn trong công tác giảng dạy, học tập của thầy trò, Trường Tiểu học bán trú Lê Văn Tám, tỷ lệ chuyên cần của nhà trường luôn đạt 97 - 98%.

Nhờ tổ chức tốt công tác học bán trú, các học sinh của Trường Tiểu học bán trú Lê Văn Tám gắn bó với trường hơn, coi trường như là ngôi nhà thứ hai của mình. Nhiều em một tháng mới chịu về thăm nhà một lần, bởi nhớ thầy cô, bạn bè.

Nhìn những học sinh học tập, vui chơi trong những bộ quần áo sạch sẽ, đầu tóc gọn gàng dưới mái trường tuy còn nhiều thiếu thốn, nhưng tràn đầy tình yêu thương, chúng tôi biết đó là cả một sự cố gắng không mệt mỏi của các thầy cô giáo của Trường Tiểu học bán trú Lê Văn Tám, trong đó góp phần không nhỏ của Hiệu trưởng Trần Thị Hằng.
Bài và ảnh: Duy Thủy
6 năm trèo đèo, lội suối vì học sinh
6 năm trèo đèo, lội suối vì học sinh

Lò Thị Đăm sinh năm 1989, tại bản Cà Nàng, xã Cà Nàng, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La. Gia đình có 5 anh chị em, bố mẹ Đăm đều làm ruộng, nên hoàn cảnh cuộc sống rất khó khăn, vất vả. Thấu hiểu được điều đó, Đăm luôn tâm niệm mình phải cố gắng phấn đấu để vươn lên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN