Nhắc đến cô Nguyễn Thị Thu Anh, Hiệu trưởng trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội), người trong ngành luôn nhắc đến một hình ảnh miệt mài với những việc làm đổi mới trong trường học. Từ những chủ trương của ngành giáo dục trường đã cụ thể hóa bằng những hoạt động linh hoạt và gần gũi với giáo viên, học sinh.
Cô Nguyễn Thị Thu Anh mới tiếp nhận vai trò quản lý trường Trường THCS - THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) đến nay là 4 năm. Trong 4 năm này là những dấu ấn đổi mới giáo dục hiện hữu trong nhà trường. Nguyên Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Vinh Hiển từng khẳng định trường Nguyễn Tất Thành là trường phát triển chương trình nhà trường tốt nhất cả nước.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ trao phần thưởng cho cô Nguyễn Thị Thu Anh, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Nguyễn Tất Thành (ĐH Sư phạm Hà Nội) ngày 19/10/2016. |
Cô Thu Anh vẫn còn nhớ: “Tại cuộc họp về xây dựng chương trình trong nhà trường, một vị cán bộ Sở đề nghị là Bộ cần có hướng dẫn. Lúc đó, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đã nói rằng, chương trình nhà trường xuất phát từ ý tưởng của trường Nguyễn Tất Thành. Có nghĩa là, phát triển chương trình phải là đề xuất từ phía nhà trường”.
Thực tế, việc xây dựng chương trình học trong nhà trường không hề dễ dàng. Cô Thu Anh vẫn còn nhớ cách đây 3 năm (năm 2013), khi bắt đầu triển khai đề án trường thực hành phát triển theo năng lực học sinh theo định hướng Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục mà Bộ GD - ĐT đã phê duyệt.
Khi ấy, dựa vào chuẩn kiến thức kĩ năng của chương trình giáo dục phổ thông, mỗi tổ chuyên môn tiến hành rà soát chương trình và sách giáo khoa để xây dựng chương trình các môn học theo định hướng phát triển năng lực học sinh theo bối cảnh của nhà trường. Chúng tôi chú trọng đổi mới phương pháp dạy học, đa dạng về hình thức tổ chức dạy học. Học sinh được tạo điều kiện để bày tỏ quan điểm của bản thân trước tập thể, trong các giờ học. Ngoài ra, còn đổi mới kiểm tra theo hướng đánh giá năng lực.
Chú trọng đánh giá quá trình dạy học, qua phiếu đánh giá, thống nhất các yêu cầu về ma trận đề kiểm tra, đánh giá khả năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn cuộc sống. Cô Thu Anh kể: “Đó là thời điểm khó khăn nhất bởi tài liệu mình đọc để học hỏi là tài liệu quốc tế. Trong khi yêu cầu các giáo viên xây dựng lại chương trình có nghĩa là tăng thời lượng công việc mà lương không tăng. Nhiều đêm muộn anh em trong tổ, bộ môn vẫn ngồi lại với nhau để nghiên cứu bài học. Những tranh luận gay gắt để có được những bài học phù hợp thực tiễn. Nhưng là do mọi người quý mình nên mới làm. Nay, việc phát triển chương trình trong trường học phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục đã khá đồng bộ. Nghĩ lại vẫn thấy mình liều. Nếu quay lại tôi sợ mình không dám làm như thế nữa”.
Thực tế, những chương trình giáo dục của nhà trường có khi ra đời ngay trong quá trình giáo dục. Bất cứ điều đặc biệt nào cũng có thể được linh hoạt biến thành bài học cho học sinh. Cụ thể, từ một kế hoạch quyên góp từ thiện của nhà trường cho học sinh vùng cao phía Bắc đã được nhiều giáo viên chủ nhiệm cùng phụ huynh thiết kế thành những “bài học cuộc sống” khác nhau trong mỗi bài giảng. Bởi thế những vấn đề đổi mới cứ thấm dần vào máu mỗi giáo viên, học sinh.
Trường Nguyễn Tất Thành là trường công tự chủ có 163 giáo viên, trong đó chỉ có 25 biên chế nhưng câu chuyện biên chế đến nay các giáo viên của trường cũng không quan tâm. Bởi các chế độ phúc lợi, bảo hiểm, giáo viên cơ hữu đóng bảo hiểm ở trường không khác bao nhiêu với biên chế.
Từ sự trân quý con người, mà mỗi cá nhân trong trường Nguyễn Tất Thành đều muốn xây dựng hình ảnh của mình. Một đồng nghiệp nhắc về cô Thu Anh như một giáo viên, quản lý miệt mài với đổi mới. Trong những chia sẻ của cô là những tín hiệu vui của từng tập thể, cá nhân, nhà trường thông qua những việc làm cụ thể. Là câu chuyện giản dị nhưng mang giá trị nhân văn về lòng trung thực, tính giáo dục, tình đoàn kết, sự nhiệt huyết của một tập thể tiên phong trước những vấn đề đổi mới mà một trường thực hành cần thực hiện. Vị hiệu trưởng này như một sợi chỉ âm thầm kết nối những giá trị nhân văn bền vững trong câu chuyện đổi mới giáo dục của nhà trường.
Ngày 19/10, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) đã tổ chức Lễ tuyên dương nhà giáo và học sinh tiêu biểu năm học 2015 - 2016 và Phát động phong trào thi đua "Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học giai đoạn 2016-2020”. 126 giáo viên và 126 học sinh đại diện cho hơn 1,1 triệu giáo viên và trên 15 triệu học sinh phổ thông trong cả nước về dự lễ vinh danh là những tấm gương sáng về sự tận tâm, tận lực, đi đầu trong đổi mới quản lý, đổi mới phương pháp dạy học, có nhiều cải tiến, sáng kiến, đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục. Đó cũng là những tấm gương vượt khó vươn lên học giỏi, rèn luyện tốt, đạt nhiều thành tích trong các cuộc thi học sinh giỏi, cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật, các giải văn hóa, thể thao cấp quốc gia, khu vực và quốc tế. |