Nằm trong khuôn viên Trung tâm Chữa bệnh giáo dục lao động xã hội số 2 (xã Yên Bài, huyện Ba Vì, Hà Nội), lớp học đặc biệt dành cho trẻ em mồ côi hoặc bị cha mẹ bỏ rơi, mang trong mình căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS vẫn ngày ngày vang tiếng đọc bài. Trong lớp học, cô giáo Đinh Thị Thủy đang miệt mài cầm tay nắn từng nét chữ, chỉnh từng giọng đọc cho các em.
Năm học 2019-2020 là năm thứ 14 cô Thủy đảm nhận công việc dạy học cho những trẻ em thiệt thòi này. Hiện cô Thủy phụ trách lớp học ghép 2 - 3, còn lớp 4 - 5 do một giáo viên khác đảm nhiệm. Lớp học của cô Thủy có gần 10 học sinh, các em ngồi thành hai dãy, một dãy lớp 2, một dãy lớp 3.
Ân cần ngồi xuống bên cạnh, vòng tay ôm trọn cậu bé nhỏ xíu vào lòng, cô Thủy nắm tay em chỉnh từng nét chữ. Cậu học trò nhỏ mím môi, nắn nót tô theo nét chữ mẫu, thi thoảng lại ngẩng đầu nhìn vào mắt cô Thủy và cười toét.
Cứ thế, hết em này đến em khác, một tiết học của cô Thủy trôi qua không theo một quy định nào. Có thể là 45 phút, 35 phút, nhiều lúc kéo dài đến một giờ đồng hồ.
“Các con bị bệnh đó thường xuyên phải uống thuốc kháng HIV (ARV) nên bị ảnh hưởng đôi chút về nhận thức. Các con không được nhanh nhẹn như các học sinh khác, do đó quá trình dạy học cho các con cũng hết sức vất vả, mất thời gian gấp đôi, gấp ba so với học sinh bình thường”, cô Đinh Thị Thủy cho biết.
Năm 2006, cô Thủy được Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Yên Bài B (xã Yên Bài, huyện Ba Vì) giao nhiệm vụ đứng lớp. Lúc này, cô đang là giáo viên dạy giỏi được phụ huynh và học sinh yêu quý, nên việc cô quyết định nhận lớp dạy các cháu có “H” rất khó chấp nhận với gia đình cũng như học sinh của cô. Gặp phải sự phản đối quyết liệt từ phía gia đình, bạn bè, bản thân cô Thủy cũng băn khoăn khi chưa hiểu hết về căn bệnh này.
“Quả thực, lúc đó tôi không thể lường trước được con đường phía trước mình sẽ đi như thế nào, những gì sẽ chờ đợi. Thế nhưng, có một chuyện đã khiến tôi thay đổi và ngay lập tức nhận nhiệm vụ được giao”, cô Thủy tâm sự.
Câu chuyện khiến cô Thủy gạt bỏ niềm băn khoăn chính là vào một buổi tối văn nghệ tại Trung tâm Chữa bệnh giáo dục lao động xã hội số 2. Được mời vào dự với tư cách là Tổ trưởng tổ nữ công trong Ban Chấp hành Công đoàn trường, cô Thủy lần đầu tiên tiếp xúc với trẻ em có “H”.
Nhìn các con bé xíu, ngơ ngác, rụt rè mà nước mắt cô cứ trào ra. Các con chạy ra ôm lấy cô giáo, hỏi liên tục xem bao giờ con được đi học. Các con ôm lấy, hít hà, tựa như cô là một vị tiên. Ngay từ giây phút ấy, cô đã quyết định sẽ trở thành người mẹ thứ hai của các con, cô Thủy xúc động kể lại.
Cô Thủy kiên trì thuyết phục các thành viên trong gia đình, nhất là chồng cô. Cuối cùng, với phương pháp “mưa dầm thấm lâu”, cô đã nhận được cái gật đầu của chồng.
Khi bắt tay vào công việc, cô Thủy mới thấy rõ sự vất vả đến thế nào. Nhiều em bị ốm, chảy máu cam hoặc khi cầm tay các con dạy tập viết, cô Thủy bị máu dính vào tay. Lúc ấy, cô Thủy chỉ biết lấy giấy ăn lau, thấm cho các con và đi rửa tay xà phòng cho sạch. Sau này, cô được bác sĩ, cán bộ y tế ở Trung tâm dạy cách phòng tránh, chăm sóc các con những lúc thay đổi thời tiết. Cô Thủy cũng quen dần với những tình huống này và vượt qua nỗi sợ hãi của chính mình.
Ban đầu, khi thấy cô giảng dạy tại Trung tâm, nhiều người nghĩ cô cũng bị mắc căn bệnh HIV/AIDS. Họ rụt rè, kỳ thị khi tiếp xúc với cô. Những lúc như vậy, cô chỉ biết lặng im, tiếp tục lên lớp vì các con và tự dặn lòng rồi mọi người sẽ hiểu.
Cũng chính vì thiếu thốn tình cảm nên cách thể hiện tình yêu thương của những đứa trẻ có “H” cũng khác. Giữa cô và trò dường như không có khoảng cách. Ngoài giờ học, chúng sà vào lòng cô, ôm lấy cô, tưởng như cô là mẹ chúng. Chính những điều ấy đã khiến cô Thủy gắn bó với học trò của lớp học đặc biệt này tới 14 năm.
Ông Phùng Hải Nam, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Bài B cho biết, các học sinh trong lớp học này vẫn thuộc sự quản lý của nhà trường. Các em được đối xử và thụ hưởng sự giáo dục như những học sinh khác trong trường, chỉ khác về địa điểm học. Vào ngày lễ hoặc các hoạt động chung của nhà trường, học sinh ở trung tâm được giáo viên đưa ra điểm trường chính để tham gia cùng các bạn.
“Cô Thủy là người đầu tiên nhận lớp, sau này có thêm giáo viên khác vì các cháu đông hơn. Những người giáo viên này được cán bộ Trung tâm và người dân trong vùng gọi là người “vá” tâm hồn cho trẻ có H. Sự kỳ thị, xa lánh của người dân cũng không còn nữa. Các hoạt động dã ngoại, tham quan, giao lưu có sự tham gia của các em cũng nhận được sự đồng tình của mọi người”, ông Nam cho biết thêm.
Kể về những đứa trẻ nơi đây, cô Đinh Thị Thủy cho biết, trong các nội dung bài học, cô bối rối nhất là khi giảng về gia đình. Nhắc đến hai chữ “gia đình”, có em nói “con không có gia đình”, có em lại nói “con bị bỏ rơi”.
Những lúc như thế, cô Thủy vội quay mặt đi để giấu những giọt nước mắt xót thương và an ủi học sinh rằng: “Ai cũng có gia đình các con ạ, nhưng vì không may bệnh tật cướp đi người thân của các con. Các con cũng có bố, có mẹ sinh ra, cũng có ông, có bà. Bây giờ bố mẹ con mất vì bệnh tật, ông bà gửi con tại Trung tâm. Gia đình, bố mẹ của các con chính là các cô, các bà trong Trung tâm”.
Thấy cô nói như vậy, các con tranh nhau kể nhà có 3 mẹ, con thì khoe có 7 mẹ. Đó là các cán bộ y tế phát thuốc, là các cô, chú cai nghiện ma túy trong trại. Cô nghe mà lặng người.
Để vơi bớt sự thiệt thòi, thiếu thốn tình cảm gia đình ở những đứa trẻ này, cứ dịp Tết hay hè đến, cô Thủy lại xin Ban lãnh đạo Trung tâm cho những đứa trẻ có “H” về nhà cô chơi để chúng cảm nhận phần nào không khí gia đình. Chứng kiến cảnh đó cùng sự hồn nhiên của lũ trẻ, chồng cô đã xiêu lòng, động viên cô cố gắng hơn. Đó cũng chính là nguồn động viên vô cùng lớn luôn sát cánh bên cô suốt nhiều năm qua.
Nhiều đứa trẻ học ở lớp học đặc biệt này đã trưởng thành. Có em đã đi làm, có em đang học đại học... Nhưng mỗi lần trở về thăm lại ngôi nhà xưa, chúng đều tìm đến cô để kể về khó khăn, thành quả đã đạt được. Nhiều em vẫn thường xuyên gọi điện hỏi thăm hoặc xin lời khuyên của cô Thủy mỗi khi gặp khó khăn trong cuộc sống.
“Đó là những món quà 20/11 lớn nhất trong cuộc đời tôi. Sự trưởng thành, chín chắn, hiểu biết của các con về bản thân và cả sự tin tưởng các con dành cho tôi là phần thưởng lớn nhất trong 30 năm làm nghề giáo, không gì so sánh nổi”, cô Đinh Thị Thủy tâm sự như thế trước lúc chia tay chúng tôi để bắt đầu một tiết học mới.