Tình trạng thiếu giáo viên (GV) ở cấp mầm non, tiểu học, giáo dục thường xuyên (GDTX) vẫn là bài toán khó giải với TP Hồ Chí Minh.
Mầm non, tiểu học đều thiếu
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, trong năm học 2013 -2014, thành phố đã đưa vào sử dụng 1.464 phòng học mới và tăng cường thêm 9 phòng học phục vụ học tập đạt chuẩn. Riêng ở bậc tiểu học, dự kiến tăng khoảng 3.000 học sinh vào lớp 1 so với năm học trước. Do đó, nhu cầu tuyển dụng GV là rất lớn, đặc biệt là GV ở bậc mầm non và ở bậc tiểu học. Mặc dù năm nào ngành giáo dục thành phố cũng tuyển dụng bổ sung, nhưng GV ở các cấp học này vẫn thiếu trầm trọng. Cụ thể, năm nay toàn ngành cần tuyển hơn 800 GV cấp mầm non, thì chỉ có 790 hồ sơ ứng tuyển. Còn ở bậc tiểu học cần tuyển hơn 1.800 GV, thì chỉ có trên 2.000 hồ sơ ứng tuyển.
Thiếu giáo viên vẫn là bài toán khó giải.
|
Một đại diện Phòng Giáo dục quận Thủ Đức, than thở: “Năm nay, quận Thủ Đức cần tuyển 312 GV các cấp mầm non, tiểu học và THCS, nhưng chỉ có 312 hồ sơ đăng ký dự tuyển. Nếu trải qua kỳ thi phỏng vấn, xét hồ sơ thì số ứng viên đáp ứng được nhu cầu e rằng sẽ không đủ để tuyển. Đặc biệt, ở cấp tiểu học, nguồn tuyển càng thiếu trầm trọng hơn. Quận cần tuyển 214 GV ở tất cả các môn học thì chỉ có 104 bộ hồ sơ đăng ký dự tuyển”.
Cùng hoàn cảnh với quận Thủ Đức, còn rất nhiều quận, huyện khác như quận Bình Thạnh cần tuyển 54 GV mà chỉ có 44 hồ sơ ứng tuyển; quận 8 chỉ có 118 hồ sơ ứng tuyển, trong khi chỉ tiêu cần tuyển là 158; huyện Củ Chi cần tuyển 81GV nhưng chỉ có hơn 50% hồ sơ ứng tuyển… Rồi quận Tân Phú cần tuyển 80 GV mầm non thì chỉ có 27 hồ sơ ứng tuyển; quận 11 cũng có nhu cầu tuyển thêm 60 - 70 GV mầm non nhưng chỉ tuyển được khoảng 1/3 so với nhu cầu.
Lý giải cho việc thiếu GV ở hai cấp mầm non và tiểu học, ông Tạ Tân, Trưởng phòng Giáo dục quận Tân Phú, cho rằng: “Ngành giáo dục thành phố có chủ trương tuyển GV có hộ khẩu ở thành phố, trong khi đó, các sinh viên theo học ngành sư phạm đa số là sinh viên ở tỉnh. Bên cạnh đó, công việc của GV ở 2 cấp học này lại chịu nhiều áp lực, lương thấp, khiến họ không gắn bó lâu dài được với nghề. Do đó, hàng năm chúng ta cứ “loay hoay” mãi với việc thiếu GV ở các cấp học này”.
Để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên ở mầm non và tiểu học, các quận huyện cho rằng cần phải mở rộng nguồn tuyển, bằng cách cho phép các quận huyện tuyển thêm giáo viên chưa có hộ khẩu tại thành phố.
Trung tâm GDTX cũng “khát”
Không chỉ các trường mầm non, tiểu học thiếu giáo viên, mà ngay cả các trung tâm GDTX cũng thiếu giáo viên trầm trọng. Bà Nguyễn Thị Kim Chi, Giám đốc Trung tâm GDTX quận 10, chia sẻ: “Trong năm học 2012 -2013, tính cả bổ túc tiểu học và trung học, toàn trung tâm có 41 lớp học với hơn 1.300 học sinh, nhưng chỉ có 23 GV đứng lớp. Trung tâm lúc nào cũng trong tình trạng thiếu GV giảng dạy”.
Có một thực tế, trong số hơn 1.000 ứng viên may mắn được tham gia vào kỳ phỏng vấn của Sở Giáo dục và Đào tạo, đa số các ứng viên đều không có nguyện vọng về công tác tại trung tâm GDTX. Chính vì vậy, các trung tâm GDTX rơi vào tình trạng “khát” GV.
Anh Nguyễn L.H - một GV được chọn trong đợt ứng tuyển, cho biết: “Để có một “tấm vé” tham gia ứng tuyển, tôi đã phải chạy vạy khắp nơi để làm hộ khẩu. Thà dạy tại trường tư thục rồi 2 năm sau nộp hồ sơ thi tuyển tiếp chứ tôi không muốn dạy ở trung tâm GDTX”. Theo anh L.H, dạy ở các trung tâm sẽ khó tiến thân và cũng rất phức tạp.
“Hàng năm, Sở tiếp nhận rất nhiều sinh viên tốt nghiệp từ trường ĐH Sư phạm, ĐH Sài Gòn thuộc loại khá giỏi, có trình độ cao học tham gia ứng tuyển. Nguồn tuyển thì rất nhiều, nhưng khi Sở điều động về các trung tâm GDTX thì rất ít giáo sinh đến nhận nhiệm sở. Hoặc không ít giáo viên sau khi dạy ở trung tâm một thời gian lại xin chuyển công tác về các trường THPT”, đại diện Phòng Tổ chức cán bộ Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, cho biết.
Nhằm đảm bảo GV cho các trung tâm GDTX, mới đây Sở Giáo dục đã yêu cầu các trung tâm GDTX thống kê lại danh sách GV đang dạy hợp đồng. Nếu số GV đáp ứng đủ yêu cầu và cam kết phục vụ lâu dài thì Sở sẽ tuyển chính thức cho các trung tâm GDTX.
Bài và ảnh: Đan Phương