Chớm thu tháng 10. Hà Nội có những buổi sáng đẹp nhất trong năm. Nắng nhẹ thoảng trong gió hanh hao. Tháng 10 hay “Tháng Thủ đô” - khoảng thời gian hàng năm mà người dân cả nước hướng về Hà Nội để lắng nghe những nhịp đập từ trái tim Tổ quốc, để đón nhận, vinh danh những “Công dân Thủ đô ưu tú”.
Trao tăng danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú được thành phố Hà Nội tổ chức thường niên nhằm tôn vinh những cá nhân có đóng góp tiêu biểu vào sự phát triển của Thủ đô |
Trong số 10 cá nhân tiêu biểu được thành phố tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2014 có nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị - Hiệu trưởng trường Tiểu học dân lập Đoàn Thị Điểm - mái trường nổi tiếng hàng đầu đất Thăng Long với mô hình phát triển giáo dục toàn diện, được đông đảo cha mẹ phụ huynh học sinh đón nhận, gửi gắm. Ở đó, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Hiền được tập thể đánh giá là người có công to lớn trong việc sáng lập và xây dựng hệ thống trường Đoàn Thị Điểm .
Gặp gỡ nhà giáo Nguyễn Thị Hiền, người ta thấy ở bà sự tĩnh tại của một người phụ nữ giàu nghị lực, luôn sẵn sàng đối diện với mọi thách thức cuộc đời, xem những thách thức đó như một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mình. Sáng lập và liên tục đảm nhiệm chức vụ đứng đầu mái trường và hiện đang ở tuổi 70 nhưng cô vẫn đang từng ngày sống hết mình, hành động hết mình, tâm huyết và đam mê trên con đường đã lựa chọn vì sự nghiệp giáo dục.
Câu chuyện của Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Hiền bắt đầu từ năm 1997, khi Trường Đoàn Thị Điểm khai sinh dưới sự bảo trợ của trường Đại học Ngoại ngữ. Vốn là giáo viên dạy tiếng Nga, chưa qua quản lý và không có chuyên môn Tiểu học, cô bắt đầu bằng việc tự học từ sách vở, rồi cắp sách đến tìm hiểu thực tiễn của các trường nổi tiếng tại quận Cầu Giấy. Khi đó, khái niệm trường dân lập còn mới mẻ, người dân nhìn ngôi trường mang tên dân lập và cô với thái độ đầy nghi ngại. Song, với tâm niệm “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”,cô giáo Nguyễn Thị Hiền quyết tâm xây dựng một ngôi trường đào tạo ra những học sinh phát triển toàn diện Đức - Trí - Thể - Mỹ, không chỉ phát triển hết tiềm năng, năng khiếu mà còn giàu lòng nhân ái, biết yêu thương, quan tâm đến mọi người. Đó là những học trò cao cả về chỉ số thông minh (IQ) lẫn chỉ số cảm xúc (EQ). Để làm được điều đó, trước hết mỗi cán bộ, giáo viên trong trường phải hội đủ cả “Tâm” và “Tài”, là tấm gương sáng với những hành động, việc làm cụ thể.
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Hiền trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN. |
Với mục tiêu giáo dục như vậy, dưới sự lãnh đạo của cô, nhà trường đã dần vượt qua những khó khăn ngổn ngang, chồng chất, và đến nay đã trở thành một trong những trường tiểu học lớn nhất của Thủ đô với hàng trăm lớp học, hơn 3.000 học sinh và gần 400 cán bộ, giáo viên; là sự ưu tiên hàng đầu của rất nhiều phụ huynh mong muốn chọn cho con một ngôi trường giáo dục toàn diện – “Ngôi trường của ước mơ và lòng nhân ái”.
Phong cách làm việc của cô Nguyễn Thị Hiền là sự hòa quyện của niềm tâm huyết, sức sáng tạo, sự năng động của người vừa làm giáo dục vừa kinh doanh. Cô Hiền không ngần ngại khẳng định cô là một nhà giáo đang làm kinh doanh và thành công trong việc kinh doanh lành mạnh. Mô hình trường Đoàn Thị Điểm giống như một trường học – doanh nghiệp. Với tư cách là người thủ lĩnh, cô Hiền nổi tiếng là một trong những C.E.O thành công của ngành giáo dục, bởi cô biết cân bằng giữa chất lượng giáo dục và tâm niệm. Cô chia sẻ: “Làm kinh doanh trong ngành giáo dục thì tâm phải sáng, không được chạy theo lợi nhuận mà quên đi nhiệm vụ của mình. Bởi sản phẩm tạo ra chính là con người, nên không thể để chất lượng kém và hỏng”.
Bằng tâm huyết và trí tuệ, cô cùng với đội ngũ giáo viên của mình đã gây dựng được mô hình giáo dục toàn diện cho học sinh. Dưới mái trường Đoàn Thị Điểm, học sinh không chỉ nắm vững kiến thức mà còn được trau dồi nhân cách, đạo đức, khả năng tự chủ, tự tin hòa nhập, xứng đáng là những chủ nhân tương lai của đất nước. Khó có thể kể hết được những hoạt động, chuyến thiện nguyện mà Ban giám hiệu và giáo viên trường Đoàn Thị Điểm đã thực hiện. Đó là cuộc hành trình vượt 360 km đường Tây Bắc đến tặng quà và sách vở cho trường Tiểu học Thanh Đức huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang), một ngôi trường nằm ven vùng biên giới Việt Trung; là chuyến đi tới những vùng quê nghèo khó của tỉnh Quảng Trị, Kon Tum… Chỉ tính từ đầu năm 2014 đến nay, Nhà trường đã thực hiện 3 chuyến thiện nguyện lớn như: Đến thăm và tặng 200 suất quà cho các gia đình chính sách, người có công và thanh niên xung phong có hoàn cảnh khó khăn tại tỉnh Hà Nam; thăm và trao quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của tỉnh Quảng Ninh trong chương trình trao học bổng“Em không phải bỏ học”.
Nói về mục tiêu giáo dục, cô Hiền cho biết: Học giỏi vẫn chưa phải là đích cuối cùng mà trường Đoàn Thị Điểm đặt ra cho mỗi học sinh. Nhà trường không muốn đào tạo những thế hệ học sinh tài giỏi nhưng bàng quan trước cuộc sống, vô cảm trước những mảnh đời đáng thương. Vì vậy, những hoạt động giáo dục của nhà trường luôn hướng các em đến một lối sống đẹp.
Học sinh trường Đoàn Thị Điểm đã tích cực tham gia nhiều hoạt động quyên góp, ủng hộ bạn nghèo vào các dịp Tết Trung thu, Tết cổ truyền, Tết Thiếu nhi như: Chương trình “Vầng trăng yêu thương”, hội chợ từ thiện, nuôi lợn đất... Đặc biệt, bên cạnh những hoạt động ủng hộ, chăm sóc cụ già neo đơn, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các khu di tích lịch sử…,Trường Đoàn Thị Điểm còn tạo cho học sinh lối sống đẹp thông qua các hoạt động Đội như Chương trình “Tình nguyện mùa đông”, chỉ trong một tuần phát động, học sinh của trường đã quyên góp được trên 3.000 bộ quần áo ủng hộnhững bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại các tỉnh biên giới phía Bắc. Hay chuyến thăm Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật tại Thụy An, huyện Ba Vì. Các em đã trực tiếp chuẩn bị quà vàtrao tận tay các cụ già và em nhỏ. Có thể các em không hiểu hết được mọi việc nhưng ít nhất cũng biết rằng có những con người đang sống như thế, và dần hiểu rằng mình may mắn hơn biết bao người…Thông qua những hoạt động này, các em có cơ hội rèn luyện kỹ năng sống, được trải nghiệm, được khám phá thế giới xung quanh và nhận ra những giá trị thựctrong cuộc sống từ đó biết quan tâm, chia sẻ với mọi người.
Tài năng trong công việc, được đồng nghiệp mến mộ, tuy nhiên, không phải ai cũng biết rằng, đằng sau thành công, nụ cười hiền hậu của nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Hiền là những nỗi đau, những mất mát khủng khiếp. Mất người con gái cũng là đồng nghiệp sau một thời gian ngắn đảm nhận chức vụ lãnh đạo trường, rồi sau đó phát hiện mình mắc bệnh ung thư hạch. Bao nhiêu năm chống chọi với nỗi đau mất con, với căn bệnh quái ác cũng như các bệnh về xương khớp, những tưởng cô gục ngã, nhưng người ta lại thấy cô thêm kiên cường, bản lĩnh, lại thấy cô lao vào vòng xoáy công việc một cách say mê hơn.
Nói về những việc làm ý nghĩa của học trò và nhà trường, nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Hiền chia sẻ: “Chúng tôi may mắn khi có được những cha mẹ học sinh hết lòng quan tâm đến việc giáo dục con cái. Họ hiểu và hết sức ủng hộ những hoạt động giáo dục của nhà trường. Chính điều này đã tạo nên sức mạnh tổng hợp giúp trường Tiểu học dân lập Đoàn Thị Điểm trở thành “Ngôi trường của ước mơ và lòng nhân ái”. Nói về thành tích của nhà trường là vậy nhưng khi đề cập đến danh hiệu cao quý mà thành phố Hà Nội trao tặng, nhà giáo Nguyễn Thị Hiền lại khiêm tốn cho rằng: So với các cá nhân khác, đặc biệt là 10 gương “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2014, cô thấy mình vẫn còn thuận lợi hơn rất nhiều và không biết mình có thực sự xứng đáng. Nhưng cô nghĩ, bản thân đã cố gắng và sẽ tiếp tục cố gắng hơn nữa để xứng đáng với sự tôn vinh của xã hội. “Đặc biệt, mình là trường tư nếu được dân khen thì hạnh phúc và tự hào vô cùng”, Nhà giáo Nguyễn Thị Hiền tâm sự rất thật!.
Minh Nghĩa