Hội thảo được tổ chức thường niên tại nhiều trường đại học hàng đầu thế giới và thu hút sự tham gia của hàng trăm học giả đến từ Anh, Đức, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Thái Lan, Tây Ban Nha, Trung Quốc và Việt Nam.
Với chủ đề “Những thay đổi trong Khoa học của sự học và Công nghệ”, Hội thảo đã thu hút 200 nhà khoa học trong và ngoài nước gửi bài tham dự. Ban tổ chức đã lựa chọn, tổ chức 12 phiên báo cáo trình bày miệng và 44 báo cáo dạng poster trưng bày tại Hội thảo.
Các báo cáo tập trung thảo luận nhiều vấn đề cấp bách của khoa học giáo dục, khoa học tâm lý, khoa học nhận thức như: Khoa học của sự học và Lý thuyết học tập hiện đại; Phát triển ngôn ngữ và rối loạn ngôn ngữ; Phát triển kỹ năng đọc và rối loạn kỹ năng đọc; Sử dụng công nghệ trong hoạt động học tập: Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy (machine learning) trong giáo dục; Công cụ hỗ trợ học tập và nền tảng giáo dục trực tuyến; Giáo dục STEM/STEAM ở các cấp học...
Từ những thảo luận đa chiều về quá trình nhận thức của người học, Hội thảo đưa ra những cách tiếp cận toàn diện và sâu sắc về khoa học của quá trình dạy học, từ đó đề xuất những giải pháp nâng cao hiệu quả dạy học đặc biệt là những cách thức dạy học tiên tiến.
Qua bài trình bày tại Hội thảo, GS Kenneth Pugh (Đại học Yale và Connecticut, Mỹ) nhận định, tiếp cận liên ngành giúp xây dựng nền tảng mạnh mẽ để giải quyết các thách thức trong giáo dục, từ phát triển cá nhân đến giải quyết các vấn đề xã hội rộng lớn hơn... Đặc biệt, các nghiên cứu gần đây từ phòng thí nghiệm Haskin của Đại học Yale về tác động của đại dịch COVID-19 đến kỹ năng đọc và cách thiết kế các môi trường học tập mới có thể giải quyết những tổn thất về kỹ năng đọc.
GS tâm lý học và giáo dục học, Ovid J. L. Tzeng của Trường ĐH Sư phạm quốc lập Đài Loan cho rằng, hệ thống kinh tế dựa trên tri thức chi phối cuộc sống hàng ngày của con người trong xã hội hiện đại. Phân tích về cấu trúc tri thức hiện đại cho thấy, 11 ngành khoa học với sự tích hợp tương hỗ giữa các ngành cụ thể… Việc học trong tương lai cần phải vận hành trên một nền tảng số/mạng với nội dung khóa học nhấn mạnh thông tin liên ngành và hợp tác để giải quyết các vấn đề môi trường toàn cầu và địa phương. Học sinh học tập trên nền tảng như vậy, bất kể độ tuổi, cần phải được trang bị khả năng sử dụng trí tuệ nhân tạo mở (Open AI) cũng như thái độ hợp tác với một ý thức mạnh mẽ về các sáng kiến phát triển bền vững (SDG).
Còn PGS.TS Nguyễn Văn Hiền, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ về hiện trạng và định hướng về Chuẩn bị đội ngũ giáo viên cho tương lai giáo dục tại Việt Nam. Sự tiến bộ của công nghệ đã trở thành động lực chính thúc đẩy sự phát triển liên tục của giáo dục. Quá trình này đã dẫn đến những thay đổi mang tính chuyển đổi trong nhiều khía cạnh của giáo dục, đặc biệt là về mục tiêu, nội dung, phương thức và cấu trúc. Những thay đổi này đặt ra những yêu cầu cấp bách đối với chương trình đào tạo giáo viên tại các trường đại học sư phạm. Các chương trình này cần thích ứng với bối cảnh giáo dục đang thay đổi để chuẩn bị đầy đủ cho các nhà giáo tương lai trước những thách thức và cơ hội của thế kỷ 21.
Trên cơ sở phân tích những nghiên cứu mới nhất được công bố trên các tạp chí thuộc hệ thống SCOPUS, liên quan đến tương lai của giáo dục từ góc độ tích hợp công nghệ, cho thấy, các phương pháp sư phạm mới đang xuất hiện và dần trở nên phổ biến, nổi bật là xu hướng học tập cá nhân hóa, nơi nội dung giảng dạy được điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu riêng của từng học sinh. Ngoài ra, sự tích hợp AI trong giáo dục ngày càng phổ biến, cải thiện cả trải nghiệm học tập lẫn giảng dạy, đồng thời cung cấp các phương pháp hiệu quả để đánh giá và theo dõi tiến trình học tập của học sinh...