Theo ý kiến của các thầy cô giảng dạy tại Hệ thống giáo dục Học mãi, các câu hỏi đáp ứng theo yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng và không mang tính đánh đố học sinh. Các em học sinh chỉ cần nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa là có thể làm bài tốt. Đặc biệt, các câu hỏi không sắp xếp theo thứ tự các cấp độ và xuất hiện một số câu hỏi mang tính ứng dụng thực tiễn.
Số lượng câu hỏi thuộc kiến thức lớp 8 chiếm 20% tổng lượng câu hỏi trong đề thi minh họa.
Nhận định về đề thi minh họa kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Hóa học, cô Phạm Thị Thúy Ngọc, giáo viên môn Hóa học của Hệ thống giáo dục Học Mãi cho biết: “Đề thi minh họa môn Hóa học có 40 câu hỏi trong vòng 60 phút. Mức độ khó của đề thi ở 3 mức độ Biết (30%), Hiểu (40%) và Vận dụng thấp (30%). Kiến thức trong đề thi là toàn bộ kiến thức lớp 9 dàn trải toàn bộ từ kiến thức hữu cơ và vô cơ. Một phần nhỏ các câu hỏi là kiến thức chương trình lớp 8. Ngoài ra sẽ có một số câu hỏi về vận dụng thực tiễn và thực nghiệm. Theo đánh giá của cá nhân, kiến thức này hoàn toàn phù hợp với học sinh, chỉ cần nắm vững kiến thức cơ bản là có thể hoàn thành được bài thi này”.
Nhận định về đề thi minh họa môn tiếng Anh, thầy giáo Nguyễn Trung Nguyên đưa ra ý kiến: “Đề thi năm nay khá khó vì sẽ gồm 2 nội dung là 32 câu trắc nghiệm và 8 câu tự luận. Trong thời gian làm bài 60 phút để làm được điểm 9 - 10 sẽ hơi khó, nhưng mức điểm từ 7 - 8 là không quá khó. Bởi lẽ trong đề thi này 80% là kiến thức cơ bản, có khoảng 20% kiến thức nâng cao. Vì thế các em học sinh chỉ cần nắm vững kiến thức sách giáo khoa học thêm một số kiến thức nâng cao hơn nữa sẽ có thể làm được bài. Đây là năm đầu tiên Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đưa tiếng Anh vào môn thi bắt buộc trong kỳ thi tuyển sinh vào 10. Vì vậy các em nên phân bổ thời gian làm bài hợp lý, lựa chọn những nội dung học thật trọng tâm. Với môn tiếng Anh nội dung trọng tâm sẽ là ngữ pháp, từ vựng và các kỹ năng đọc hiểu”.
Nếu trước đây, học sinh tham dự kì thi tuyển sinh vào lớp 10 Trung học phổ thông (THPT) ở Hà Nội chỉ phải làm 2 bài thi Toán và Ngữ văn theo hình thức Tự luận thì theo Phương án tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2019 - 2020 được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội xây dựng, trình UBND thành phố Hà Nội phê duyệt là tổ chức thi 4 bài độc lập gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một môn thi khác. Bài thi thứ tư sẽ được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội công bố vào cuối tháng 3/2019 và thuộc một trong các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân. Thời gian làm bài đối với các môn thi Toán, Ngữ văn là 120 phút/môn, thời gian làm bài đối với 2 môn thi còn lại là 60 phút/môn và theo hình thức trắc nghiệm.
Mặc dù thi theo hình thức trắc nghiệm trong kì thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT không hẳn là việc gì quá xa lạ, nhưng với mỗi thay đổi cũng đều khiến phụ huynh và học sinh đặc biệt quan tâm. Mục tiêu của việc điều chỉnh hình thức thi trắc nghiệm là giúp cải thiện tình trạng môn chính, môn phụ, tránh tình trạng học lệch, học tủ cũng như việc cắt xén nội dung trong các nhà trường nhằm giúp học sinh trang bị hệ thống kiến thức nền tảng toàn diện trước khi bước vào cấp THPT.
Để có thể hoàn thành tốt các bài thi trắc nghiệm, cả giáo viên và học sinh phải có sự thay đổi trong phương pháp dạy và học để thích nghi. Các giáo viên cũng cần đổi mới toàn bộ phương pháp dạy và ra đề thi khi mà họ đã quen với công việc dạy học theo hình thức tự luận.
Mặc dù vẫn còn rất nhiều luồng ý kiến xung quanh việc thay đổi này nhưng thi trắc nghiệm đã và đang trở thành xu thế phổ biến. Đây cũng được coi là một sự chuẩn bị sớm cho kì thi THPT quốc gia, từ đó học sinh có định hướng điều chỉnh phương pháp học tập đúng đắn.