Cô Nguyễn Thị Phương là giáo viên có năng lực, đạo đức và lòng nhiệt huyết với đồng bào vùng cao. Đó là lời khẳng định của thầy giáo Vũ Văn Du, Hiệu trưởng trường THPT bán trú Tiểu học Mường Lói (xã Mường Lói, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên).Chúng tôi gặp cô giáo Nguyễn Thị Phương trong dịp cô chuẩn bị lên đường xuống Hà Nội để dự lễ vinh danh những tấm gương tiêu biểu trong Chương trình “Nghĩa tình Tây Bắc”. Trong tiết trời se lạnh của cơn mưa, sự thân thiện, cởi mở của cô giáo trẻ 25 tuổi này đã khiến câu chuyện của chúng tôi sôi nổi hơn. Câu chuyện về một cô giáo trẻ đầy nhiệt huyết với đất trời Tây Bắc.
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Điện Biên lịch sử, điều ấp ủ trong Phương là trở thành giáo viên để có thể mang con chữ đến với những bản làng vùng cao, đến với những đứa trẻ mà cuộc sống còn nhiều thiệt thòi. Năm 2010, tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên, Phương không chút do dự lên nhận công tác tại trường THPT bán trú Tiểu học Mường Lói, mái trường bán trú tiểu học xa nhất của huyện Điện Biên, cách trung tâm huyện gần 80 km.
Cô giáo Phương chăm sóc học trò của mình. |
Ngay từ ngày đầu tiên về trường, Phương đã tình nguyện xin lãnh đạo nhà trường phân công đến điểm bản Co Đứa, cách trường hơn 40 km đường đồi núi. Đó cũng là những tháng ngày mà Phương nhớ nhất, vì nó chính là tiền đề đưa cô giáo trẻ này trở thành một người nghị lực, nhiệt huyết như bây giờ. Phương kể: “Năm đầu tiên khi mới vào nhận công tác tại điểm bản Co Đứa là thời gian vô cùng vất vả đối với em. Ở điểm bản không có bạn bè, nên em rất buồn và nhớ nhà. Hơn nữa, là người Kinh, không biết tiếng dân tộc, trong khi điểm bản này 100% là đồng bào dân tộc thiểu số, cái khó khăn nhất đối với em là việc vận động học sinh tới lớp, vì mình nói mà nhiều bà con, các cháu không hiểu. Em phải chạy đi nhờ thầy cô giáo ở các điểm bản gần đó hoặc nhờ trưởng bản đến phiên dịch hộ. Nhưng rồi cái gì cũng quen, chính sự hồn nhiên của các em học sinh đã giúp em vơi đi những nỗi buồn, chỉ muốn cố gắng để dạy chữ cho các em”.
Gần 4 năm công tác tại Mường Lói, Phương đã tình nguyện xin được thử sức ở 3 điểm bản xa xôi, khó khăn bậc nhất của xã là Co Đứa, Huổi Xuân và Noong É. Sống ở vùng biên giới, xa nhà, Phương chỉ tranh thủ những cuối tuần rảnh rỗi, khi có đồng nghiệp trông nom học sinh dùm, mới dám chạy xe hơn 100 km để về thăm mẹ và hai em. Đa phần Phương dành hết thời gian để ở bên học sinh. Khi được hỏi vui cứ dạy ở đây mãi không sợ ế chồng hay sao, Phương vô tư cười đáp: “Đối với em, hiện tại niềm vui với học sinh vùng cao là quá đủ rồi”...
Ngoài việc học, học sinh còn được cô giáo hướng dẫn trồng rau để cải thiện bữa ăn. |
Bởi lòng nhiệt huyết, yêu nghề, nên cô giáo Phương luôn được các bậc phụ huynh và học sinh quý mến. Em Tháo A Pó, học sinh lớp 4A1, nhà ở bản Noong É, tuy đã xa điểm trường 2 năm để về học tại trường trung tâm xã, nhưng luôn dành tình cảm đặc biệt cho cô giáo Phương. Khi chúng tôi nhắc đến cô giáo Phương, Pó hớn hở khoe: “Cô giáo Phương hiền lắm, hiền như mẹ Pó vậy. Nhưng mẹ Pó không biết dạy chữ cho Pó như cô Phương. Pó và các bạn được cô giáo Phương yêu lắm, sau này Pó cũng muốn trở thành giáo viên để dạy chữ như cô giáo Phương”.
Là một giáo viên cắm bản, Phương vẫn không ngừng cố gắng trau dồi chuyên môn nghiệp vụ. Trong suốt 2 năm đầu công tác ở Mường Lói, Phương vẫn thực hiện chế độ vừa học vừa làm để lấy thêm bằng Đại học, từ đó bổ sung thêm kiến thức chuyên môn giảng dạy cho học sinh. Ngoài công việc giảng dạy, Phương còn là Bí thư Đoàn trường THPT bán trú Tiểu học Mường Lói. Phương luôn hăng say, nhiệt tình tham gia phong trào văn hóa, văn nghệ của ngành giáo dục trong huyện.
Trong 4 năm công tác, Phương hai lần là giáo viên dạy giỏi cấp huyện, Công đoàn Phòng Giáo dục - Đào tạo và Liên đoàn Lao động huyện Điện Biên khen thưởng... Với tình cảm, tâm huyết và sự cố gắng không ngừng nghỉ, cô giáo Nguyễn Thị Phương vinh dự là một trong 56 cá nhân tiêu biểu được vinh danh trong Chương trình “Nghĩa tình Tây Bắc” do Ban Chỉ đạo Tây Bắc tổ chức để ghi nhận công lao của những con người đã nhiều năm gắn bó, tâm huyết vì sự nghiệp bảo vệ, xây dựng Tổ quốc nơi vùng cao, biên giới Tây Bắc.
Trịnh Xuân Tư