PGS.TSKH Nguyễn Kế Hào, Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD - ĐTChương trình giáo dục phổ thông tổng thể có một số ưu điểm nổi bật, đó là: Cách tiếp cận, quan điểm xây dựng chương trình khá mới mẻ, hiện đại, tiếp thu được giá trị của chương trình cũ và chương trình của một số nước tiên tiến.
Về quan điểm xây dựng chương trình giáo dục phổ thông, trong dự thảo" nêu: “Trên cơ sở giáo dục toàn diện và hài hòa đức, trí, thể, mỹ, mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông xác định được yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực của học sinh ở từng cấp học; mục tiêu chương trình môn học xác định những yêu cầu về kiến thức, kỹ năng, thái độ..." là chưa chuẩn xác vì chúng ta chưa có một nền "giáo dục toàn diện và hài hòa" để làm cơ sở. Về mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông có ghi: "Chương trình giáo dục phổ thông nhằm giúp học sinh phát triển khả năng vốn có của bản thân, hình thành tính cách và thói quen; phát triển hài hòa...". Theo tôi, giáo dục không chỉ nhằm giúp học sinh phát triển khả năng vốn có của bản thân, mà cần giúp học sinh tạo ra khả năng mới.
Trong chương trình giáo dục cấp tiểu học, dự thảo có nêu: "Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học định hướng chính vào giá trị gia đình, dòng tộc, quê hương, những thói quen cần thiết trong học tập và sinh hoạt. Định hướng này hình như còn thiếu và còn có vấn đề không rõ, ví dụ như "dòng tộc", theo tôi, dòng tộc nào cũng quý, cũng có giá trị cả tích cực và tiêu cực, như một dòng tộc có nhiều anh hùng danh nhân và người dân thường, nhưng cũng có cả những kẻ hại dân hại nước... Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để học sinh nhỏ hiểu được giá trị đích thực?
Về yêu cầu cần đạt về phẩm chất chủ yếu và năng lực chung của học sinh, dự thảo đưa ra 3 phẩm chất chủ yếu và 8 năng lực chung. Theo tôi, cũng nên xem xét, gia công hoàn thiện. Những biểu hiện của phẩm chất "Sống yêu thương", "Sống tự chủ", "Sống trách nhiệm" nên được xem xét thêm và cũng có thể còn những phẩm chất phẩm chất khác nữa.
Bên cạnh đó, chương trình tổng thể cũng còn một số điểm bất cập, đó là: Định hướng xây dựng chương trình các môn học còn thiếu chuẩn kiến thức, kỹ năng và yêu cầu vận dụng kiến thức, kỹ năng vào quá trình học tập tiếp theo và vào cuộc sống hằng ngày. Chương trình các hoạt động giáo dục khác chưa có yêu cầu cụ thể học sinh cần đạt được. Điều kiện thực hiện chương trình được nêu khái quát, khá đầy đủ, nhưng chưa có điều kiện đảm bảo cho những điều kiện đó có được khi triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới.
Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã thể hiện được tầm nhìn, tính khoa học và tính thực tiễn (tính khả thi và lợi ích), nhưng chưa đạt độ hoàn thiện, hy vọng sẽ có được chương trình tổng thể và chương trình cụ thể các môn học và hoạt động giáo dục đáp ứng được yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông.
Ông Đỗ Văn Hán, Giám đốc Sở GD - ĐT Lai ChâuDự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể lần này đã đi đúng hướng, phù hợp với giáo dục hiện đại, giúp mỗi học sinh phát huy được khả năng của mình. Để thực hiện được chương trình giáo dục phổ thông tổng thể thì không thể thiếu vấn đề bồi dưỡng giáo viên. Đây cũng được xem là vấn đề khó khăn nhất khi triển khai chương trình. Đội ngũ này hiện nay vẫn chưa được đào tạo để có thể dạy học tích hợp, dạy học liên môn. Thực tế, giáo viên phổ thông hiện nay đều được đào tạo dạy các môn chuyên sâu, nên việc dạy thêm 2 hoặc 3 môn khác trong nhóm môn học xã hội, hoặc tự nhiên là rất khó, đặc biệt ở bậc phổ thông. Trong khi đó, chất lượng giáo viên hiện nay không đồng đều cả về kiến thức và phương pháp giảng dạy.
Thời gian 3 tháng để bồi dưỡng giáo viên mà dự thảo nêu lên là chưa đủ. Bộ GD - ĐT nên tổ chức khảo sát, đánh giá, phân loại giáo viên, để tổ chức hình thức tập huấn hoặc đào tạo lại phù hợp. Cần ít nhất cũng phải một năm, còn có những giáo viên có thể không cần đào tạo họ vẫn có thể làm được. Rất nhiều giáo viên giỏi Toán thì đồng thời họ có thể giỏi Lý. Các trường sư phạm nên tranh thủ kinh nghiệm của các trường phổ thông để rồi tính đến câu chuyện đào tạo lại giáo viên.