Nhiều biện pháp chống lạm thu đầu năm học

Lạm thu các khoản đóng góp đầu năm học là vấn đề được xã hội rất quan tâm những năm gần đây. Trong năm học mới 2012 - 2013, để tránh những dư luận không hay trong xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội đã có những biện pháp mạnh để chấn chỉnh việc thu chi của các trường theo hướng đảm bảo tính công khai, minh bạch, thu đúng, thu đủ và thu đủ chi.

 

Đầu năm các phụ huynh phải đóng nhiều loại phí.

 

Bà Phạm Thị Hồng Nga, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Ngay trong tháng 8, Sở đã có văn bản hướng dẫn về việc tăng cường quản lý công tác thu chi học phí và các khoản thu khác gửi tới các đơn vị trực thuộc và các phòng giáo dục để thực hiện đúng chỉ đạo của UBND thành phố. Các văn bản này sẽ được đăng công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng vào đầu năm học 2012-2013 để người dân biết và cùng giám sát việc thực hiện, tránh tình trạng thu nhiều, thu sai.
Để giám sát sát sao việc thu chi tại các trường, sau ngày 15/8 Sở cũng thành lập các đoàn kiểm tra đột xuất đến các trường nếu có sai phạm kịp thời chấn chỉnh. Nếu hiệu trưởng trường nào cố tình thu các khoản không đúng quy định, đoàn kiểm tra sẽ đề nghị xử lý theo phân cấp và theo quy định của pháp luật để làm gương cho các đơn vị khác và không để xảy ra sai phạm.


Năm nay, Hà Nội bắt đầu thực hiện mức thu học phí mới là 40.000 đồng/tháng đối với học sinh ở thành thị và 20.000 đồng/tháng đối với các học sinh ở khu vực nông thôn. Với mức học phí này, nhiều người dân đã băn khoăn rằng, việc thu phí như vậy có đảm bảo mọi khoản chi hay không và những khoản thu ngoài phí là gì?
PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh cũng rất băn khoăn trước việc Hà Nội đưa ra mức học phí cao nhất 40.000 đồng/tháng. Bởi với mức học phí như thế liệu có thực sự khả thi trong quản lý? “Dù tăng hay giảm, học phí nên được xây dựng theo hướng ngoài khoản đó ra, người học không phải đóng thêm một khoản nào khác. Hiện các khoản thu của các trường rất tù mù nên người dân mất lòng tin, vì vậy cần minh bạch về tài chính”, PGS Văn Như Cương nói.


Lý giải về những thắc mắc này, bà Phạm Thị Hồng Nga, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho rằng: Ngay từ ngày 1/11/2011, mức ngân sách nhà nước cấp cho giáo dục của thành phố trên đầu học sinh đã tăng gấp hơn 2 lần so với mức cũ, đảm bảo mức chi của các đơn vị theo tỷ lệ là 70:30 đối với các trường trực thuộc (70% chi cho việc trả lương và các khoản có tính chất lương, 30% chi cho các hoạt động giáo dục), và tỷ lệ 75:25 đối với các trường trực thuộc quận, huyện, thị xã. Nhìn chung, về mặt kinh phí các trường vẫn ổn định và hoạt động bình thường ngay từ đầu năm học mới.


Các trường trên địa bàn Hà Nội cần công khai, minh bạch các khoản thu, chi bởi đó là yếu tố quan trọng và cần thiết để không gây hiểu lầm và bức xúc trong dư luận. Đối với các khoản thu ngoài học phí như học phẩm (đối với học sinh mầm non), tiền bán trú, tiền học 2 buổi/ngày (đối với khối tiểu học, THCS), nhà trường phải thỏa thuận với cha mẹ học sinh một cách công khai, minh bạch, có dự toán chi tiết và đảm bảo thu đủ chi. Còn đối với các khoản thu hộ như bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể, quỹ phụ huynh học sinh… các đơn vị liên quan phải đứng ra thu đúng quy định của pháp luật, có kèm theo văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền. Các trường cần tránh tình trạng thu gộp đầu năm tất cả các khoản thu hộ. Khoản tiền đồng phục học sinh cũng là khoản tiền thu hộ, nên các công ty may mặc cần đến tận trường học thu đúng mức thực tế giá trị sản phẩm và theo đúng nhu cầu, nguyện vọng của cha mẹ học sinh.


Phương Anh

Học sinh, sinh viên khó khăn chưa phải đóng học phí ngay

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân vừa yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo phải có thông báo, công bố rộng rãi về việc các cơ sở giáo dục tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên (HSSV) khó khăn chưa phải đóng học phí ngay khi nhập học.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN