Học sinh phải xác nhận nhập học
Điểm mới đáng chú ý nhất trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2019 - 2020 là sau khi có kết quả thi, học sinh phải thực hiện xác nhận nhập học theo hai hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp.
Đây là một thao tác bắt buộc, được áp dụng lần đầu tiên trong năm học 2019 - 2020. Nếu học sinh không thực hiện thao tác này sẽ không được tuyển sinh vào trường theo như nguyện vọng.
Sau khi có kết quả thi, mỗi học sinh có thể có từ 0 - 7 nguyện vọng trúng tuyển (tùy thuộc vào việc thí sinh đó đăng ký dự tuyển). Học sinh muốn được nhập học vào nguyện vọng nào thì phải xác nhận nhập học. Thời gian xác nhận nhập học được áp dụng chung cho tất cả các loại hình, trong 3 ngày từ 20 - 22/6/2019.
Đối với các trường THPT công lập, học sinh xác nhận nhập học trực tuyến hoặc trực tiếp. Nếu chọn hình thức trực tuyến, học sinh sẽ đăng nhập vào tài khoản sổ liên lạc điện tử (PINO). Hệ thống sẽ hiện ra tất cả các nguyện vọng trúng tuyển của học sinh.
Học sinh sẽ chọn tên trường trúng tuyển, chọn xác nhận nhập học, sau đó in hoặc lưu phiếu xác nhận nhập học và kết thúc quá trình. Học sinh được quyền thay đổi nguyện vọng trúng tuyển một cách dễ dàng, miễn là có máy tính hoặc điện thoại thông minh và mạng Internet.
Việc thay đổi chỉ được thực hiện trước 24h ngày 22/6/2019. Sau thời gian này, tài khoản của học sinh sẽ được hệ thống tự động khóa và học sinh không thể thay đổi nguyện vọng được nữa.
Nếu chọn hình thức xác nhận trực tiếp (áp dụng cho tất cả các loại hình), học sinh sẽ mang bản sao phiếu báo kết quả tuyển sinh vào lớp 10 đến trường THPT có nguyện vọng trúng tuyển. Nhà trường sẽ cập nhật vào hệ thống hỗ trợ tuyển sinh và xác nhận nhập học, tài khoản của học sinh sẽ được hệ thống tự động khóa.
Nhà trường sẽ in Giấy báo xác nhận nhập học cho học sinh. Trong thời gian tuyển sinh trực tiếp, nếu học sinh muốn thay đổi nguyện vọng trúng tuyển, học sinh phải liên hệ với nhà trường để hủy nhập học trước khi nhập học ở nguyện vọng mới.
Đối với các trường THPT công lập tự chủ tài chính, THPT ngoài công lập, trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp có tuyển học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, chỉ xác nhận theo hình thức trực tiếp.
Học sinh sẽ nộp cho trường có nguyện vọng bản sao Phiếu báo kết quả thi vào lớp 10 THPT năm học 2019 - 2020 hoặc Giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời. Học sinh muốn thay đổi nguyện vọng cũng phải liên hệ với nhà trường để hủy nhập học trước khi nhập học ở nguyện vọng mới.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đặc biệt lưu ý, những trường ngoài công lập có số học sinh đăng ký dự tuyển quá chỉ tiêu quy định, Hội đồng tuyển sinh nhà trường phải có trách nhiệm duyệt số học sinh trúng tuyển đúng theo chỉ tiêu được giao căn cứ vào điểm xét tuyển của học sinh và thông báo công khai số học sinh trúng tuyển. Hệ thống phần mềm hỗ trợ tuyển sinh chỉ cho phép xác nhận nhập học cho học sinh theo đúng số lượng chỉ tiêu quy định.
Thay đổi khung thời gian tuyển sinh
Các năm học trước, thời gian tuyển sinh chỉ trong 1 đợt dài 3 ngày (trừ một số trường THPT công lập chưa đủ chỉ tiêu thì được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho phép điều chỉnh điểm chuẩn và tuyển sinh đợt bổ sung).
Tuy nhiên, do thời gian tuyển sinh ngắn, gây khó khăn cho học sinh và cha mẹ học sinh, năm học 2019 - 2020, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội quy định khung thời gian tuyển sinh chia thành 2 đợt: Đợt 1 từ ngày 20 - 22/6/2019 là thời gian học sinh xác nhận nhập học vào hệ thống phần mềm tuyển sinh (chưa phải nộp hồ sơ).
Sau đợt 1, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ khóa hệ thống phần mềm xác nhận nhập học để tiến hành thống kê số lượng học sinh đã xác nhận nhập học ở từng trường và thông báo số lượng học sinh thừa, thiếu so với chỉ tiêu.
Đợt 2 từ ngày 1 - 15/7/2019, các trường tuyển sinh bổ sung và nộp hồ sơ nhập học đối với các học sinh đã xác nhận nhập học ở đợt 1 và giai đoạn này được thực hiện trực tiếp tại các trường. Đối với các trường THPT công lập, nếu số học sinh đã xác nhận nhập học còn thiếu so với chỉ tiêu thì Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ xem xét điều chỉnh điểm chuẩn bổ sung.
Còn đối với các trường THPT ngoài công lập, công lập tự chủ tài chính hoặc các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên, nếu số lượng học sinh xác nhận nhập học chưa đủ chỉ tiêu quy định sẽ được tiếp tục tuyển sinh bổ sung từ ngày 1 - 15/7/2019.
Học sinh đủ điều kiện trúng tuyển bổ sung hoặc đã được xác nhận nhập học ở đợt 1 sẽ nộp hồ sơ nhập học và phiếu xác nhận nhập học từ ngày 1 – 15/7/2019 trực tiếp tại các trường THPT dự tuyển.
Những khái niệm mới về môn Ngoại ngữ
Nhằm tạo điều kiện tối đa cho các học sinh trong việc lựa chọn Ngoại ngữ để thi, năm học 2019 - 2020, học sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT có thể sử dụng 1 Ngoại ngữ bất kỳ để thi, không nhất thiết phải là Ngoại ngữ học sinh được học ở cấp THCS.
Chính vì vậy sẽ xuất hiện nhiều khái niệm khác nhau như: Ngoại ngữ học sinh sẽ học tại trường THPT sau khi trúng tuyển, Ngoại ngữ học sinh dùng để đi thi vào các lớp không chuyên hay Ngoại ngữ học sinh dùng để đi thi vào lớp chuyên Ngữ hệ 7 năm và lớp chuyên Ngữ hệ 3 năm.
Để phân biệt và thống nhất chung làm cơ sở hướng dẫn, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội quy định một số thuật ngữ như: “Ngoại ngữ học” là ngoại ngữ học sinh sẽ học tiếp tại bậc THPT. Việc đăng ký học ngoại ngữ nào tại trường THPT sẽ tuân thủ theo chương trình ngoại ngữ hệ 7 năm do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, bao gồm: tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật, tiếng Đức.
“Ngoại ngữ thi” chính là Ngoại ngữ học sinh dùng để đi thi tuyển vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập. Học sinh được đăng ký 1 trong 4 ngoại ngữ bất kỳ là tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật, tiếng Đức (trừ trường hợp học sinh thi vào lớp tiếng Đức hệ 7 năm của Trường THPT Việt - Đức).
Riêng trường hợp học sinh đăng ký thi vào các lớp chuyên ngữ, sẽ có thêm 1 thuật ngữ nữa là “Ngoại ngữ chuyên ngữ”. Đây là ngoại ngữ học sinh dùng để thi vào các lớp chuyên ngữ.
Tại Hà Nội hiện có 2 hệ thống các lớp chuyên ngữ: chuyên ngữ hệ 7 năm (chuyên Anh, chuyên Pháp của Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam, Trường THPT Chu Văn An) và chuyên ngữ hệ 3 năm (chuyên Trung, chuyên Nga, chuyên Pháp Trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ).
Vì vậy, để thi vào các lớp chuyên này, đối với chuyên ngữ hệ 7 năm, học sinh phải dùng đúng ngoại ngữ sẽ học ở lớp chuyên để dự thi. Đối với chuyên ngữ hệ 3 năm, học sinh có thể dùng 1 ngoại ngữ khác với ngoại ngữ sẽ học ở lớp chuyên trường THPT để dự thi.
Ngoại ngữ khác so với ngoại ngữ được học ở lớp chuyên còn được gọi là “Ngoại ngữ thay thế chuyên ngữ”. Học sinh có thể đăng ký vào các lớp chuyên ngữ hệ 7 năm hoặc chuyên ngữ hệ 3 năm tùy theo khả năng và nguyện vọng, tuy nhiên phải tuân thủ những điều kiện ràng buộc.
Hoàn thiện công tác tuyển sinh hệ song bằng tú tài
Năm học 2019 - 2020, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tiếp tục triển khai chương trình đào tạo chương trình song bằng tú tài THPT quốc gia Việt Nam và tú tài Anh quốc tại Trường THPT Chu Văn An và Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam với chỉ tiêu mỗi trường 2 lớp, mỗi lớp 50 học sinh.
Để công tác tuyển sinh vào lớp 10 hệ song bằng tú tài ngày càng hoàn thiện, đảm bảo tính công khai, công bằng và lựa chọn được những học sinh đáp ứng được tiêu chuẩn đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã có những điều chỉnh.
Cụ thể: Ngoài các điều kiện như năm học 2018 - 2019 là điểm trung bình cả năm học lớp 9 các môn Toán, Vật lý, Hóa học từ 8,0 trở lên, tiếng Anh từ 8,5 trở lên thì năm học 2019 - 2020, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội còn quy định thêm điểm trung bình cả năm học lớp 9 môn Ngữ văn phải đạt từ 6,5 trở lên.
Quy trình tuyển sinh vào lớp 10 hệ song bằng tú tài THPT gồm 3 vòng: Vòng 1 thi tuyển theo chương trình đào tạo tú tài THPT quốc gia Việt Nam gồm 4 bài thi: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ và Lịch sử (cùng với kỳ thi vào lớp 10 THPT không chuyên) ngày 2 - 3/6/2019.
Vòng 2 thi tuyển theo chương trình đào tạo tú tài Anh quốc, gồm các môn: Toán, Vật lý, tiếng Anh và Hóa học bằng tiếng Anh. Sau khi có kết quả của vòng 2, Hội đồng xét tuyển của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ tuyển chọn 200 học sinh có điểm thi vòng 2 cao nhất để dự tuyển vòng 3 (vòng phỏng vấn).
Sau khi có kết quả của vòng 3, các thí sinh sẽ được xét tuyển căn cứ vào điểm lấy từ cao xuống thấp cho đến khi hết chỉ tiêu, đồng thời đảm bảo các điều kiện: điểm xét tuyển vòng 1 đạt ít nhất 30 điểm và các bài thi vòng 1 đều đạt điểm lớn hơn 3,0 điểm. Đặc biệt, không xét điều kiện điểm thi vòng 1 đối với những học sinh thuộc diện tuyển thẳng vào lớp 10 Trung học phổ thông không chuyên.
Những điểm mới đáng chú ý
Để tránh những sai sót không đáng có, từ năm học 2019 - 2020, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ in, đóng dấu và cấp phiếu báo kết quả thi cho thí sinh thay vì ủy quyền cho Phòng Giáo dục và Đào tạo cấp cho thí sinh như nhiều năm học trước. Các Phòng Giáo dục và Đào tạo sẽ nhận phiếu báo kết quả thi từ Sở và bàn giao cho các cơ sở giáo dục, sau đó sẽ chuyển về học sinh.
Ngoài ra, một số điểm mới sẽ được thực hiện trong kỳ thi tuyển vào lớp 10 THPT năm 2019 - 2020 như thay đổi phương thức thi tuyển thay vì kết hợp thi tuyển và xét tuyển như những năm học trước.
Để dự tuyển vào lớp 10 THPT công lập, lớp 10 không chuyên Trường THPT Chu Văn An và Trường THPT Sơn Tây, học sinh sẽ phải làm 4 bài thi, trong đó có 3 môn bắt buộc là Ngữ Văn, Toán và Ngoại ngữ, môn Lịch sử đã được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội bốc thăm để lựa chọn.
Môn Ngữ văn và Toán thi theo hình thức tự luận, môn Lịch sử thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan trên Phiếu trả lời trắc nghiệm và được chấm bằng phần mềm máy tính. Riêng môn Ngoại ngữ có 2 phần là tự luận và trắc nghiệm khách quan tách rời nhau.
Phần thi trắc nghiệm khách quan của môn Ngoại ngữ được trình bày trên Phiếu trả lời trắc nghiệm và được chấm bằng phần mềm máy tính. Các năm học trước, học sinh chỉ thi 2 môn là Ngữ văn và Toán, còn môn Ngoại ngữ chỉ thi đối với các học sinh thi tuyển vào lớp 10 THPT chuyên.
Lúc đó môn Ngoại ngữ khi đó được gọi là môn Ngoại ngữ điều kiện chuyên, thi theo hình thức tự luận kết hợp trắc nghiệm, làm trên cùng một bài thi.
Điểm xét tuyển và căn cứ duy nhất để tuyển sinh, dựa trên tổng điểm của 4 bài thi có tính hệ số và điểm ưu tiên. Trong đó, môn Ngữ văn và Toán được tính hệ số 2, môn Ngoại ngữ và Lịch sử tính hệ số 1.
Điểm của các bài thi tính theo thang điểm 10, điểm lẻ của tổng điểm toàn bài được làm tròn đến hai chữ số thập phân. Điểm ưu tiên chỉ tính với mức ưu tiên cao nhất (trường hợp học sinh có nhiều ưu tiên).
Đối với các trường THPT công lập tự chủ tài chính, THPT ngoài công lập, các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên sẽ giữ nguyên phương thức tuyển sinh như năm học trước là xét tuyển.
Các trường sẽ được lựa chọn trong hai phương án: Phương án 1 dựa vào điểm xét tuyển của thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2019 - 2020; phương án 2 dựa trên kết quả rèn luyện, học tập của học sinh ở cấp Trung học cơ sở.
Cũng bắt đầu từ năm học 2019 - 2020, Hà Nội quyết định bỏ chế độ cộng điểm khuyến khích cho học sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT, kể cả điểm thi nghề. Ngoài ra, điều kiện để học sinh đăng ký tuyển thẳng được quy định chặt chẽ hơn so với năm học 2018 - 2019. Học sinh chỉ được tuyển thẳng vào 1 trường THPT công lập trong khu vực tuyển sinh mà học sinh hoặc cha mẹ học sinh có hộ khẩu thường trú.
Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tiếp tục thực hiện việc bảo lưu chế độ tuyển thẳng đối với các học sinh đạt giải cấp quốc gia trở lên trong các cuộc thi theo quy định của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội trước năm học 2017 - 2018. Như vậy, đối với những học sinh không bị lưu ban năm nào thì năm học 2019 - 2020 sẽ là năm bảo lưu cuối cùng của kết quả thi đã đạt được.